Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và Tây Ninh

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các thành viên đoàn công tác của tỉnh khảo sát tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Ảnh: QUỐC CHIẾN

“Không thể để chậm trễ hơn nữa!”

Ông Nguyễn Văn Lợi đã nhấn mạnh như vậy khi đến khảo sát tại hiện trường dự án đường và cầu kết nối hai tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Dự án được khởi công vào giữa tháng 10-2020, là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Dự án đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh là sự hợp tác của hai tỉnh nhằm hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ giữa hai tỉnh nói riêng, liên vùng nói chung, bảo đảm nối liền mạng lưới giao thông trong khu vực, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dự án có chiều dài hơn 800m, phần đường dẫn phía tỉnh Bình Dương dài gần 380m, phần đường dẫn phía tỉnh Tây Ninh dài hơn 92m.

Dự án dự kiến thi công trong 15 tháng. Tuy nhiên, đến nay đã qua 22 tháng nhưng công trình vẫn còn ngổn ngang. Giải trình với đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy về sự “trễ hẹn” này, đại diện nhà thầu cho biết ngoài nguyên nhân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, quá trình triển khai dự án thời tiết không thuận lợi, mưa lớn liên tục nên thi công gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, phần mặt cầu đã xong chỉ chờ thảm bê tông nhựa. Riêng phần đường dẫn phía tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành 80% và đường dẫn phía tỉnh Bình Dương đã hoàn thành 60%. Đại diện nhà thầu cho biết các đơn vị thi công sẽ nỗ lực hoàn thành dự án trong tháng 8, chậm nhất là đầu tháng 9 nếu thời tiết không thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng trường Tiểu học và THCS Long Tân. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Sau khi nghe nhà thầu, đơn vị thi công báo cáo tiến độ thực hiện dự án, ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, huyện Dầu Tiếng, nhà thầu và các đơn vị thi công phối hợp đẩy nhanh tiến độ dự án bởi công trình đã trễ hẹn nhiều lần.

“Phải làm ngày, làm đêm, không hẹn lần hẹn lữa nữa, gấp rút thi công nhưng phải bảo đảm chất lượng công trình để nhanh chóng đưa vào sử dụng. Đây là công trình kết nối liên vùng rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của hai địa phương Bình Dương và Tây Ninh cũng như của vùng...”, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu.

Giúp đỡ học sinh khó khăn đến trường

Kiểm tra tiến độ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng trường Tiểu học và THCS Long Tân, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, ông Nguyễn Văn Lợi biểu dương lãnh đạo huyện Dầu Tiếng và ngành giáo dục - đào tạo đã chủ động, tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp chuẩn bị khai giảng năm học mới 2022-2023. Báo cáo với đoàn công tác của tỉnh, đại diện Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Dầu Tiếng, cho biết trong năm học 2022-2023, huyện sẽ đưa vào sử dụng trường Tiểu học Minh Tân, mở rộng các trường Tiểu học Long Hòa, Tiểu học Long Tân, Tiểu học Thanh Tuyền với kinh phí gần 198 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của học sinh trên địa bàn.

Ông Tạ Tấn Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, cũng cho biết hiện trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 19 trường mầm non, trong đó có 17 trường công lập và 2 trường ngoài công lập. Ngoài ra, toàn huyện có 4 nhóm trẻ độc lập với khoảng 80 em học sinh. So với năm học 2021-2022, dự kiến năm học 2022-2023 toàn huyện sẽ tăng trên 350 học sinh. Cũng trong năm học 2022-2023, kế hoạch nhu cầu biên chế ngành giáo dục - đào tạo của huyện là 1.690 người, gồm 1.354 viên chức, hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ là 276 người. Hiện số biên chế còn thiếu 107 người, trong đó mầm non thiếu 50 biên chế; tiểu học thiếu 26 biên chế; THCS thiếu 31 biên chế.

Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao việc chuẩn bị cho năm học mới của huyện Dầu Tiếng, đồng thời cho rằng cơ sở vật chất trường lớp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học, song huyện phải tính toán bảo đảm nguồn nhân lực, đội ngũ giáo viên. Sở Giáo dục - Đào tạo phải kịp thời báo cáo với tỉnh để có chủ trương sát hợp trong việc tuyển dụng giáo viên để đáp ứng nhu cầu biên chế của ngành giáo dục - đào tạo của các địa phương. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu huyện Dầu Tiếng huy động mọi nguồn lực cùng chính quyền chăm lo tốt nhất cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thời gian qua. Ông yêu cầu các xã, thị trấn, khu phố, ấp phải sâu sát, thăm nắm tình hình con em công nhân khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các em đến trường. “Không được để trường hợp học sinh nào vì khó khăn mà không được đến trường”, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Dầu Tiếng nói riêng và toàn tỉnh nói chung phải quan tâm nhiều hơn nữa, huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để chăm lo cho các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tạo mọi điều kiện để tất cả học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường.q

Cũng trong dịp đến làm việc với huyện Dầu Tiếng, đoàn công tác của tỉnh đã nghe các sở, ngành liên quan của tỉnh và huyện Dầu Tiếng đề xuất phương án phát triển khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La. Đây là khu vực rất có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, do vậy lãnh đạo huyện Dầu Tiếng mong muốn tỉnh sớm có kế hoạch “đánh thức” tiềm năng khu vực này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Dầu Tiếng nói riêng và của tỉnh nói chung. Ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các sở, ngành liên quan và huyện Dầu Tiếng tiếp tục nghiên cứu các phương án phát triển khu vực này sau khi đã đưa vào quy hoạch chung của huyện. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý bất cứ phương án phát triển nào ở khu vực này cũng phải tiến hành đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, chặt chẽ, không để ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng và hồ Dầu Tiếng.

TRÍ DŨNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/day-nhanh-tien-do-thuc-hien-du-an-xay-dung-duong-va-cau-ket-noi-tinh-binh-duong-va-tay-ninh-a277373.html