'Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; nghiên cứu mở rộng quy mô công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La' (*)
Ngày 9/11/2021, đồng chí Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Hội trường Diên Hồng, với nội dung: 'Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; nghiên cứu mở rộng quy mô công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La'. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc
Kính thưa Quốc hội!
Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với đánh giá của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tôi đánh giá cao sự quyết tâm, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh khó khăn chồng chất của dịch bệnh, thiên tai, đặc biệt là trước đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.
Từ thực tiễn thời gian qua do dịch bệnh Covid-19, Sơn La cũng là tỉnh gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Sơn La đã thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Trong khó khăn, Sơn La đã chủ động và luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ của các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân (tiến độ tiêm chủng của Sơn La mũi 1 tỷ lệ bao phủ 36,9%, mũi 2 là 10,1%. Đến hết ngày 8/11, Sơn La có 313 ca F0, đã chữa khỏi 276 ca, còn 37 ca đang điều trị); đồng thời Sơn La cũng chia sẻ khó khăn với các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với hơn 400 tấn hàng hóa nông sản cho các tỉnh phía Nam ruột thịt.
Kính thưa Quốc hội!
Tôi bày tỏ sự đồng tình với phương hướng và các chỉ tiêu chủ yếu, dự kiến các cân đối lớn, các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ. Là tỉnh miền núi, Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc nói chung kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ nên chưa thúc đẩy được liên kết vùng; lại là những tỉnh thường xuyên chịu sự tác động và tàn phá của thiên tai, nên mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa khu vực miền núi, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số và miền xuôi là rất khó khăn. Chính vì vậy, tôi đồng tình rất cao với nhiệm vụ: “Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lực, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, xã hội” mà Chính phủ đề ra trong báo cáo. Theo đó, bên cạnh những việc cấp thiết cần giải quyết ngay, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét một số nội dung cụ thể gắn với tình hình đặc điểm của các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và Sơn La nói riêng, như sau:
Một là, Quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019. Và tiến tới tiếp tục quan tâm đầu tư đường cao tốc Sơn La - Điện Biên để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền núi, Tây Bắc, tăng cường liên kết vùng, tạo ra vùng động lực mới phía Tây Bắc thân yêu của Tổ quốc.
Hai là, Sớm chỉ đạo nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương nghiên cứu mở rộng quy mô công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La. Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), hiện tại, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt quy hoạch là ~ 34.720MW (bao gồm nguồn điện gió khoảng 11.800MW, điện mặt trời trang trại khoảng 15.260MW và khoảng 7.660MW nguồn điện mặt trời mái nhà đang vận hành). Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo nối lưới có đặc tính bất định trong công suất phát, đồng thời mức độ chênh lệch phụ tải quốc gia trong ngày lớn (khoảng 26.000MW vào năm 2030), nên cần phải có các nguồn dự phòng có khả năng điều chỉnh công suất nhanh, dải điều chỉnh rộng.
Đến thời điểm hiện tại, các vị trí có thể xây dựng mới Nhà máy thủy điện có quy mô công suất lớn (trên 100MW) đã khai thác hết nên cần xem xét, nghiên cứu khả năng mở rộng quy mô công suất các nhà máy thủy điện hiện hữu, đang vận hành, cụ thể: Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành đầu tư nhà máy thủy điện Thác Mơ mở rộng từ 150MW lên 225MW, Đa Nhim mở rộng từ 160MW lên 240MW và đang triển khai đầu tư mở rộng các nhà máy thủy điện, như: Dự án mở rộng thủy điện Hòa Bình từ 1920 lên 2400MW, Ialy mở rộng từ 720 lên 1080MW, Trị An mở rộng từ 400MW lên 600MW…
Việc mở rộng quy mô công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La-một công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á và các nhà máy khác là rất cần thiết, sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng của đất nước, bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định.
Ba là, Cho phép các địa phương sử dụng 100% nguồn cải cách tiền lương năm 2021 còn dư để chi công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường hợp địa phương tiếp tục bị ảnh hưởng trong năm 2022; đồng thời xem xét, điều tiết 100% phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện ô tô cho ngân sách địa phương để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông.
(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt
Đỗ Trọng Tuấn
(Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh)