Đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM từ nông nghiệp thông minh
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lâm Đồng. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển thêm một bước mới, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 5 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM: huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng, huyện Đạ Tẻh, huyện Cát Tiên và huyện Lâm Hà; 2 TP Đà Lạt Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Các huyện còn lại đang tiếp tục rà soát hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí huyện NTM, lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện NTM.
Đột phá nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Trong xây dựng NTM, tỉnh Lâm Đồng đang chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân bằng hình thức đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và hữu cơ. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ vào sản xuất kết hợp chuyển đổi giống cây trồng, bố trí lại sản xuất.
Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh đạt khoảng 62 nghìn ha (chiếm 20,8% diện tích đất canh tác), trong đó diện tích rau các loại khoảng 25 nghìn ha, hoa trên 2 nghìn ha...
Để phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đẩy mạnh các mô hình kinh tế tập thể, HTX và tổ hợp tác (THT). Đến nay, Lâm Đồng có trên 500 HTX (69.258 thành viên), 436 THT (7.994 thành viên), 5 Liên hiệp HTX (29 HTX thành viên). Các HTX ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động theo hướng đa ngành, đa nghề, đa dịch vụ.
Doanh thu bình quân của mỗi HTX khoảng 3 tỷ đồng/năm với lợi nhuận bình quân khoảng 600 triệu đồng/năm. Từ việc đẩy mạnh mô hình kinh tế tập thể, thu nhập bình quân của mỗi lao động trong HTX đạt khoảng 72 triệu đồng/năm.
Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 175 chuỗi liên kết trong các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Theo đánh giá, phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm với các hợp đồng lâu dài.
Ông Nguyễn Đình Khoát, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng đang phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 72.700 ha ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại, đa chức năng, trong đó có 1 nghìn ha ứng dụng công nghệ thông minh.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh ưu tiên hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ mới như sử dụng Robot chăm sóc cây trồng, ứng dụng công nghệ thông minh trong phân loại sản phẩm, trong vận chuyển, bảo quản nông sản, tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ.
Hướng đến nông nghiệp bền vững, hiện đại
Đến nay, toàn tỉnh có 107/111 xã (96,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 33 xã đạt NTM nâng cao và 9 xã NTM kiểu mẫu.
Cũng theo ông Khoát, thời gian qua, các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân tại các xã NTM được ưu tiên đầu tư, phát triển để nâng cao chất lượng và hoàn thành các tiêu chí NTM theo kế hoạch. Các địa phương đã thực hiện và phát huy hiệu quả các cơ chế đầu tư trong Đề án phát triển đường giao thông nông thôn, đề án phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ theo nhóm hộ và đề án xã hội hóa, đầu tư, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn…
“Trong các giải pháp xây dựng NTM giai đoạn mới, tỉnh Lâm Đồng xác định sẽ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp… Và các HTX, THT có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc liên kết các hộ dân đầu tư sản xuất áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao”, ông Nguyễn Đình Khoát cho hay.
Điển hình như HTX Sunfood Đà Lạt. Tại khu du lịch canh nông 1,1 ha ở TP Đà Lạt trồng đa dạng các loại rau, củ, quả, thông qua hệ thống Internet kết nối vạn vật (IoT), hàng ngày đội ngũ kỹ thuật của HTX kiểm soát toàn bộ các dữ liệu nhiệt độ, độ ẩm của đất, tình hình sâu bệnh, mức độ sinh trưởng của từng khu vực, từng hàng cây rau, củ, quả trên chiếc điện thoại thông minh. Qua đó làm cơ sở để đặt lệnh điều khiển tưới nước nhỏ giọt, kết hợp với bón phân liều lượng cân đối, phù hợp với từng thời điểm khí hậu trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm.
Trong khâu quản lý thu hoạch và phân phối trên thị trường 36 tỉnh, thành trong cả nước, HTX điều hành trên các app điện tử khá nhanh chóng, thuận tiện, tiêu thụ mỗi ngày ít nhất 10 tấn rau các loại, cao nhất lên tới 20 tấn.
Theo Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt Phạm Ngọc Thạch, vận hành hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm, tưới nhỏ giọt trong chăm sóc rau giúp HTX giảm đáng kể lượng nước sử dụng, nên không lo thiếu nước tưới nếu khí hậu biến đổi trong mùa hạn hán gay gắt nhất…
HTX đã tiếp cận, mạnh dạn đầu tư các hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây và ghi lại nhật ký sản xuất chi tiết qua một phần mềm quản lý dành riêng cho nông trại. Công nghệ cũng hiện diện trong cả khâu tiêu thụ bằng cách tận dụng các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... để chào bán sản phẩm. Nông sản được chuyển thẳng đến người tiêu dùng dễ dàng mà không phải trải qua nhiều khâu trung gian, từ đó hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của HTX.
Lá cờ đầu của khu vực Tây Nguyên trong xây dựng NTM
Hiện, Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu của khu vực Tây Nguyên và cả nước về chuyển đổi số, tăng tốc ứng dụng nông nghiệp thông minh.
Toàn tỉnh hiện có 90 HTX, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 182 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, HTX và gần 17.000 hộ nông dân.
Nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đã được xuất khẩu, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Phát triển nông nghiệp thông minh góp phần đưa doanh thu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đạt bình quân 430 triệu đồng/ha; không ít trang trại đạt doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ha/năm; canh tác rau ứng dụng công nghệ IoT đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt từ 3 - 8 tỷ đồng/ha/năm.
Việc thúc đẩy chuyển đổi số giúp không ít các HTX của Lâm Đồng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thông qua các tiện tích của các nền tảng số như Google, Youtube, Facebook... Đồng thời, tỉnh cũng triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, Lâm Đồng có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, trong xây dựng NTM, tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chính nhờ nỗ lực này đã đưa Lâm Đồng trở thành lá cờ đầu của khu vực Tây Nguyên trong xây dựng NTM.
“Không bằng lòng với những thành công đã đạt được, xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, nâng cao các tiêu chí, với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn NTM (111 xã); có ít nhất 42,3% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (ít nhất 47 xã); có ít nhất 15,3% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (ít nhất 17 xã). Trước năm 2025, Lâm Đồng được công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM”, ông Phạm S khẳng đinh.
Kim Yến