Dậy sóng từ kênh đào Suez
Kênh đào Suez là tuyến hàng hải trọng yếu của thương mại thế giới hơn 150 năm qua, đặc biệt là trong vận chuyển dầu từ Trung Đông đến các nền kinh tế phát triển
Sau khi hoàn thành vào năm 1869, kênh đào Suez được xem là cánh cổng nối phương Đông và phương Tây, là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu.
Điểm nóng trên bàn cờ chính trị
Tầm quan trọng của kênh đào Suez trước hết bắt nguồn từ vị trí địa lý của nó. Đây là con đường duy nhất kết nối trực tiếp vùng biển châu Âu với biển Ả Rập, Ấn Độ Dương và các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương.
Vị thế của kênh đào Suez lại càng được củng cố vì không có lựa chọn thay thế vào thời điểm đó. Nếu biển Đỏ không trải dài lên phía trên vùng Sừng châu Phi, dọc theo Sudan và Ai Cập thì sẽ không có vùng đất nào đủ hẹp để đặt nền móng cho một tuyến đường thủy nhân tạo nối châu Âu với châu Á - Thái Bình Dương.
Một lối đi nối Địa Trung Hải và biển Đỏ khiến các quốc gia khao khát trong nhiều thế kỷ và tầm quan trọng của kênh đào Suez đã được khẳng định từ rất lâu trước khi nó bắt đầu được xây dựng. Sau khi nhận thấy lợi ích về mặt thương mại chiến lược, kênh đào Suez được xây dựng trong vòng 10 năm với sự tham gia của khoảng 1,5 triệu lao động do chính phủ Pháp và Ai Cập cấp vốn.
Khó khăn về tài chính sau đó buộc Ai Cập bán cổ phần kiểm soát tuyến đường thủy này cho Anh vào năm 1875. 13 năm sau, hội nghị thượng đỉnh đa phương đã đi đến một thỏa thuận rằng tất cả các nước sẽ được sử dụng miễn phí con kênh này trong lúc hòa bình lẫn chiến tranh.
Theo đài CNN, vị trí của kênh đào Suez đã biến nó trở thành điểm nóng trong cả hai cuộc xung đột lớn vào thế kỷ XX, gồm Thế chiến thứ nhất (khi quân Thổ Nhĩ Kỳ cố tấn công kênh đào từ phía Đông) và Thế chiến thứ hai (khi Quân đoàn Phi châu của Đức Quốc xã tìm cách làm điều tương tự từ phía Tây).
Tuy nhiên, kênh đào vẫn chịu sự kiểm soát của Anh cho đến khi được cố Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa vào năm 1956, châm ngòi cuộc khủng hoảng Suez kéo theo các mối đe dọa xâm lược từ Israel, Pháp và Anh. Ngòi nổ chiến tranh thường trực cho đến khi áp lực từ Mỹ và các nỗ lực ngoại giao từ Liên Hiệp Quốc tìm ra được giải pháp.
Lối tắt giao thương Á - Âu
Kênh đào Suez từng đóng cửa trong 8 năm kể từ năm 1967, thời điểm nó trở thành tiền tuyến giữa Ai Cập và Israel. Hơn chục con tàu bị mắc kẹt tại kênh trong suốt thời gian đó. Theo trang Gulf News, tuyến đường thủy này vừa là đứa con tinh thần vừa là nỗi ám ảnh của các cường quốc châu Âu vào thế kỷ XIX, vốn xem kênh đào Suez là đường tắt chính cho các tuyến thương mại đến Ấn Độ và châu Á.
Nếu không có kênh đào Suez, các chuyến hàng di chuyển giữa những địa điểm này phải đi vòng qua châu Phi, làm tăng chi phí và kéo dài đáng kể thời gian. Trong suốt nhiều thế kỷ gần như không có giải pháp cho vấn đề này cho đến khi tuyến đường thủy nhân tạo dài hơn 193 km được khơi thông.
Kênh đào Suez được xây dựng trong một thập kỷ vào giữa thế kỷ XIX nhờ sự phát hiện mực nước biển Địa Trung Hải và biển Đỏ xấp xỉ nhau. Thời gian tiết kiệm được bằng cách đi qua kênh đào Suez gần như vô giá.
Một con tàu đi từ cảng ở Ý đến Ấn Độ sẽ vượt qua khoảng 4.400 hải lý nếu đi qua kênh đào Suez, hành trình mất khoảng 9 ngày với vận tốc 20 hải lý/giờ. Trong khi đó, cách di chuyển thứ hai là đi qua mũi Hảo Vọng và vòng qua châu Phi với vận tốc tương tự, sẽ mất 3 tuần để đi hết tuyến đường dài 10.500 hải lý này.
Lần đầu đi vào hoạt động hồi năm 1869, kênh đào Suez dài 164 km và sâu 8 m. Theo Cơ quan Quản lý kênh đào Suez, kênh này có thể đón các tàu có trọng tải lên tới khoảng 4.500 tấn có độ lún thân tàu 6,7 m - điểm đặc trưng của phần lớn các con tàu trên thế giới khi đó. Đến năm 1887, kênh đào Suez được hiện đại hóa để cho phép tàu thuyền đi lại vào ban đêm, tăng gấp đôi sức chứa.
Vào những năm 1950, kênh đào Suez mới được mở rộng đáng kể về độ sâu và chiều dài, theo yêu cầu của các công ty vận tải biển. Thời điểm kênh đào Suez được cố Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa năm 1956, nó có chiều dài 175 km và sâu 14 m, cho phép tàu chở dầu có tải trọng khoảng 27.000 tấn với độ lún thân tàu 10,7 m đi qua.
Đợt mở rộng vào năm 2015 đã giúp tăng chiều dài của tuyến đường thủy này lên 193,3 km và độ sâu là 24 m. Điều này đồng nghĩa với việc kênh đào có thể tiếp nhận các siêu tàu chở dầu với trọng tải khoảng 217.000 tấn - một trong những con tàu lớn nhất thế giới với độ lún thân tàu khoảng 20,1 m.
Đến năm 2019, lưu lượng tàu qua kênh đào Suez mỗi ngày khoảng 50 chiếc, so với chỉ 3 tàu/ngày hồi năm 1869. Theo thông tin từ giới chức Ai Cập, lưu lượng tàu qua đây dự kiến tăng gần gấp đôi vào năm 2023 nhờ việc lưu thông hai chiều, giúp giảm thời gian chờ đợi.
Phần lớn lượng dầu vận chuyển bằng đường biển đi qua kênh đào Suez - con đường nhanh nhất băng qua Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương. Hàng hóa đi từ vùng Vịnh đến Tây Âu chủ yếu là dầu. Ở chiều ngược lại, phần lớn là hàng hóa thành phẩm và ngũ cốc từ châu Âu và Bắc Mỹ đến vùng Viễn Đông và châu Á.
Ai Cập thu lợi
Kênh đào Suez chiếm 12% hoạt động giao thương hàng hải trên toàn cầu. Khoảng 24% container vận tải biển trên toàn cầu và tất cả container đường biển giữa châu Âu và châu Á đều đi qua kênh đào Suez. Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cho biết gần 19.000 tàu, tương đương 51,5 tàu/ngày, đi qua kênh đào Suez hồi năm ngoái.
Theo hãng thông tấn Anadolu Agency, kênh đào Suez là nguồn thu chính giúp Ai Cập kiếm được trung bình 15 triệu USD mỗi ngày. Trong tài khóa 2019-2020, doanh thu từ kênh đào Suez mang về cho Ai Cập khoảng 5,6 tỉ USD trong khi con số này trong giai đoạn 2018-2019 là 5,9 tỉ USD.
Kỳ tới: Nói dễ đào khó!
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/day-song-tu-kenh-dao-suez-20210331210952854.htm