ĐBQH đặt câu hỏi về chất lượng sử dụng nguồn vốn gần 1,3 triệu tỷ đồng của quỹ bảo hiểm xã hội
Sáng 5-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý)...
Lo ngại tăng trưởng vẫn dựa vào động lực của FDI
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, theo dự kiến, đến năm 2025, GDP nước ta vào khoảng 500 tỷ USD, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng đều 7%/năm, đến năm 2035, GDP nước ta sẽ vào khoảng 1.000 tỷ USD, định hướng đến năm 2045 đạt mốc 5.000 tỷ USD để trở thành nước thu nhập cao, phá bẫy thu nhập trung bình. Để thoát được bẫy này, có nhiều công cụ về các khía cạnh như lao động, tái cơ cấu, đầu tư phát triển, tuy nhiên chúng ta chưa quan tâm đúng mức các khía cạnh này.
Theo ĐB, tuy chúng ta đang duy trì tăng trưởng gần 7%/năm, nhưng chưa đạt được yếu tố bền vững, vì vẫn dựa vào động lực của FDI. “Hiện nay, các ĐB lo tăng trưởng chưa bền vững, thu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, trong khi FDI xuất siêu nhiều, còn doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu lớn, khiến tăng trưởng không bền vững. Nếu muốn duy trì nhịp độ phát triển bền vững, cần dựa vào các nguồn lực phát triển trong nước”, ĐB nêu quan điểm.
Còn theo ĐB Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre), năm 2024, thu ngân sách dự kiến tăng 10%, trên cơ sở đó, Chính phủ dự kiến năm 2025 thu ngân sách tăng 5% so với 2024. ĐB đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi nhanh để bảo đảm các địa phương thu ngân sách đủ, vì năm 2024, còn 26 tỉnh thành khó khăn do bão số 3. Do đó, các nhóm chính sách, trong đó có tài khóa cần hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp, vì chính họ là đối tượng giúp thu ngân sách ổn định.
ĐB cũng cho rằng, đối với các nguồn thu giao cho các địa phương như xổ số kiến thiết, sử dụng đất trong khi thu từ sử dụng đất còn nhiều khó khăn, nhiều vướng mắc, nhiều thủ tục. Nếu không khai thông sớm thì các nguồn thu từ sử dụng đất rất khó khăn, do đó cần hướng dẫn kỹ cho địa phương; phải nâng dần tỷ lệ thu nội địa, không nên dựa mãi vào thu từ sử dụng đất.
Với tiết kiệm chi thường xuyên 5%, ĐB đề nghị cắt ngay từ đầu năm để đưa vào chi cho phát triển, còn đợi cuối năm mới cắt thì vướng nhiều thủ tục, gây chậm trễ.
Cũng theo ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), hiện nay, chúng ta có hơn 20 quỹ, có một số quỹ sắp đóng lại, trong khi một số quỹ sẽ được mở thêm. ĐB đề nghị tiến hành giám sát các quỹ để có đánh giá cụ thể, kỹ càng, đảm bảo quản lý, sử dụng một cách hiệu quả. Không nên đánh giá quỹ bằng số lượng dự án, mà cần xem xét hiệu quả của hoạt động của quỹ, tác động của quỹ đối với tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế. Việc giám sát hoạt động các quỹ sẽ là tiền đề xây dựng một cơ chế bền vững, vì việc sử dụng nguồn FDI là cơ hội để tăng trưởng, nhưng không phải là động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình sắp tới.
Tồn dư ngân quỹ quốc gia ngày càng phình to
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng trăn trở, đất nước đang rất cần dồn lực cho phát triển, ngân sách còn rất eo hẹp, chúng ta vẫn đang phải đi vay không ít cho đầu tư phát triển, dự kiến năm tới cần vay đến hơn 815.000 tỷ đồng. Thế nhưng, có những vấn đề về chính sách tài khóa, tiền tệ chưa được quan tâm thấu đáo, giải quyết rốt ráo, trong đó có vấn đề liên quan đến các quỹ tài chính nhà nước, tập trung vào định chế bảo hiểm xã hội Việt Nam.
ĐB cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, tổng số dư đầu năm 2024 của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý khoảng 1,42 triệu tỷ đồng, trong đó chủ yếu là số dư của 3 quỹ, gồm Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, chiếm gần 91% tổng số dư các quỹ. Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ đạt khoảng 1,477 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 56.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó số dư của 3 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm gần như tuyệt đối, trên 91% tổng số dư các quỹ, tương đương 1,3 triệu tỷ đồng.
Riêng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng thu trong năm nay ước đạt 410.000 tỷ đồng (bao gồm cả số ngân sách nhà nước chuyển vào); tổng chi ước khoảng 352.000 tỷ đồng; chênh lệch thu - chi khoảng 58.000 tỷ đồng; số dư quỹ cuối năm dự kiến khoảng 1.242 triệu tỷ đồng, tăng gần 5% (58.000 tỷ đồng) so cuối năm 2023, trong đó chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
ĐB Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi: vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn gần 1,3 triệu tỷ đồng trên thế nào? Khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao? Sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan Bảo hiểm xã hội có được hoàn thành? Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ điều này, kể cả những vấn đề đã được các ĐB khác từng đề cập, như tình hình giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội, việc xử lý tình trạng người lao động rút hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
“Sự xung đột mục tiêu hay xung đột lợi ích này sẽ càng lớn, càng phức tạp và càng gây ra nhiều hệ lụy khi lượng tồn dư ngân quỹ quốc gia đang có xu hướng ngày càng phình to”, ĐB Hà Sỹ Đồng nêu. ĐB cũng lưu ý, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước bình quân tại hệ thống ngân hàng giai đoạn 2017-2019 chỉ khoảng 300.000 - 500.000 tỷ đồng, thì sang giai đoạn hậu Covid-19 đã tăng lên nhanh, có lúc tới xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng.
ĐB cho rằng, sự tồn dư ngân quỹ lớn chủ yếu do công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước bị trì trệ những năm qua, trong khi công tác cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn chưa thực sự tối ưu, còn bị động lớn do phụ thuộc vào nhiều cấp ngành khác. Do đó, ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát tháo gỡ những điểm nghẽn này một cách tốt nhất.