ĐBQH kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm tra sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM).

Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước.

Về tình hình thực hiện ngân sách năm 2024, đại biểu cho biết, tổng thu ngân sách vượt dự toán 10%, trong đó thu nội địa tăng 8,9% so với dự toán và 6,9% so với cùng kỳ.

Khu vực doanh nghiệp Nhà nước không tăng, thậm chí giảm so với dự toán. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh tăng.

Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu do Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp chưa phù hợp. Cần sửa đổi, hoàn thiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.

Thu tiền sử dụng đất ước giảm 4,2%. Tuy nhiên, với việc các luật về nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm, các địa phương đã triển khai định giá đất, có thể đảm bảo thu vượt dự toán.

Chi ngân sách ước vượt 7,7% so với dự toán, chủ yếu do chi hỗ trợ ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Bội chi ngân sách giảm so với dự toán, đạt 3,4% GDP, thấp hơn mục tiêu 3,6% GDP.

Về dự toán ngân sách năm 2025, dự toán thu tăng 15,6% so với năm 2024, chi tăng 20,3%.

Việc tăng chi được đánh giá là phù hợp, do năm 2025 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và là năm cuối thực hiện Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu.

Tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn Nhà nước. Xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng, ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Đại biểu chỉ rõ, ngoài những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị "tắc".

Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là vấn đề nguyên vật liệu.

 Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam).

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam).

Trong Luật Đấu thầu quy định nhà thầu khi tham gia đấu thầu chỉ phải đặt cọc 20% giá trị của gói thầu. Tuy nhiên, Nghị định 126 quy định thời gian chậm nhất để hoàn thành nghĩa vụ là 90 ngày.

Do đó, dẫn tới việc lợi dụng đấu giá lên xong bỏ cọc, sau đó bán tăng giá phần nguyên vật liệu mình đang có để trục lợi.

Đối với những dự án nhỏ thì cát tại chỗ không thiếu, nhưng không được cấp phép nên không khai thác được. Vì vậy phải đi sang địa phương khác tìm mua, từ đó cũng khiến giá nguyên vật liệu tăng lên.

Nguyên nhân sâu xa do chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa tốt. Do đó, việc chuẩn bị đầu tư các dự án còn kém nên dẫn đến chậm tiến độ.

Đại biểu cho rằng, sang năm 2025, ngoài việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025, còn phải chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dbqh-kien-nghi-tang-cuong-quan-ly-kiem-tra-su-dung-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-post707336.html