ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 3/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo rất chi tiết, rất công phu, đã tiếp thu tối đa các ý kiến của Nhân dân, ĐBQH, các nhà khoa học... Song đến thời điểm này, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thảo luận, qua báo cáo ĐBQH Mai Văn Hải thấy còn 21 vấn đề lớn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến thảo luận đang có 2 phương án, có những vấn đề có 3 phương án. Qua đây cho thấy công tác chuẩn bị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất thận trọng và cũng cho chúng ta thấy đây là những vấn đề lớn, khó, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Vì vậy đề nghị cần cân nhắc việc thông qua tại kỳ họp này.
Để góp phần hoàn thiện dự án luật, ĐBQH Mai Văn Hải cho rằng: Tại khoản 6 Điều 45 có quy định: “Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp và được UBND cấp tỉnh chấp thuận quy mô nhà thì nên có phương án”. ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị vấn đề này không nên quy định giao cho UBND tỉnh chấp thuận phương án sử dụng đất, mà để tạo cho doanh nghiệp, HTX thì nên quy định giao cho UBND huyện chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp thì mới có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao.
Đại biểu cơ bản thống nhất phương án 3 “Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. Nếu quá hạn mức thì phải thành lập doanh nghiệp. Quy định như vậy sẽ vừa bảo vệ được đất lúa mà vừa khuyến khích được cá nhân tích tụ đất đai.
Nếu thực hiện Phương án 1 quy định phải thành lập doanh nghiệp thì sẽ không khuyến khích được những người có điều kiện tích tụ đất đai để đầu tư vào nông nghiệp. Trên thực tế hiện nay việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư. Vì vậy, nội dung này cần phải quy định cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích thu hút cả cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và cũng cần có quy định để tránh việc tích tụ đất nông nghiệp sau đó lại chuyển thành phi nông nghiệp bất hợp pháp.
Tại Điều 60 về guyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ĐBQH Mai Văn Hải thống nhất Phương án 3, Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập, quyết định phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đồng thời đề nghị không nên lập quy hoạch đồng thời vì sẽ xảy ra xung đột giữa các quy hoạch. Hơn nữa, trên thực tế từ khi có Luật Đất đai 1987 đến nay chúng ta vẫn thực hiện theo nguyên tắc quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết. Tuy nhiên, sẽ có độ trễ trong lập quy hoạch nhưng sẽ không ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Tại Điều 79, Khoản 27, theo ĐBQH Mai Văn Hải là cần cụ thể hóa sâu hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoàn thiện thể chế đất đai.
Quy định như dự thảo theo cả 2 phương án, theo ĐBQH Mai Văn Hải là chưa cụ thể hóa và có phần chưa đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18. Nghị quyết số 18 nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
Theo ĐBQH Mai Văn Hải, nên cụ thể việc nhà nước thu hồi đất trong các dự án đô thị, nhà ở thương mại là thu hồi đất để làm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình phúc lợi công cộng trong dự án nhà ở thương mại, dự án đô thị; còn phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là doanh nghiệp và người dân thỏa thuận theo tinh thần Nghị quyết số 18.