ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)
Sáng 6/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách.
Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, ĐBQH Mai Văn Hải tham gia một số ý kiến cụ thể đó là: Điều 18. Thẩm quyền Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án: Nội dung có nhiều điểm mới theo tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho các cơ quan xem xét Quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, điểm b khoản 6 và khoản 7 về thẩm quyền Quyết định chủ trương đầu tư của HĐND và UBND cấp tỉnh đối với trường hợp các dự án thực hiện trên địa bàn 2 tỉnh trở lên, trên địa bàn 2 huyện, xã trở lên, đại biểu Mai Văn Hải hoàn toàn thống nhất; nhưng đề nghị để xác định đơn vị UBND cấp tỉnh là đơn vị chủ quản, đối với các dự án từ 2 tỉnh trở lên, thì cần quy định giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với các tỉnh có dự án thực hiện trên địa bàn, để thống nhất lựa chọn UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định (điểm b khoản 6 và khoản 7) và đề nghị không phải báo cáo xin ý kiến HĐND tỉnh thông qua, và UBND tỉnh được đề xuất là cơ quan chủ quản không phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ như quy định tại khoản 2 Điều 30 về trình tự thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Tương tự đối với trình tự, thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên, đề nghị giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với các huyện triển khai dự án, để thống nhất UBND cấp huyện là cơ quan chủ quản, không phải báo cáo chủ trương này với HĐND huyện và Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở các huyện thống nhất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét Quyết định giao cho một UBND huyện là cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Như thế sẽ rút ngắn được thời gian Quyết định chủ trương đầu tư, không làm phát sinh thêm thủ tục.
Tại Điều 58. Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án: Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, B không quá 4 năm, C không quá 3 năm như luật 2019. Trong đó khoản 2 có quy định trường hợp không đáp ứng thời hạn bố trí vốn “đối với dự án nhóm A, B, C gia hạn không quá 1 năm, dự án nhóm A có tổng mức 10-30.000 tỷ gia hạn không quá 2 năm; chương trình mục tiêu quốc gia do cấp quyết định đầu tư gia hạn. Trường hợp quá thời gian gia hạn cơ quan chủ quản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đối với ngân sách địa phương, Chủ tịch UBND các cấp quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án, báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Việc gia hạn thời gian, phân cấp cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định thời gian bố trí vốn sẽ tăng tính chủ động, linh hoạt hơn trong bố trí vốn thuộc ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương quản lý, nhưng đề nghị không nên quy định thời gian gia hạn dự án nhóm A, B, C không quá 1 năm; dự án nhóm A 10-30.000 tỷ không quá 2 năm, bởi nếu quá thời hạn thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, dẫn đến thời gian bố trí vốn có thể sẽ tiếp tục kéo dài, đề nghị quy định gia hạn thời gian bố trí vốn nên giao cho cơ quan chủ quản quyết định đầu tư xem xét quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn. Bên cạnh đó để tránh tùy tiện gia hạn thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây lãng phí tốn kém cho ngân sách nhà nước, đề nghị nên xem xét quy định cụ thể những điều kiện, căn cứ, những trường hợp nào thì được điều chỉnh.
Tại khoản 3 Điều 98 của dự thảo Luật quy định: “3. Trường hợp các dự án thực hiện qua hai kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp quy định tại các điểm a, d khoản 2 của Điều này thực hiện vượt quá mức 20%, cấp có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với vốn ngân sách Trung ương, HĐND các cấp đối với vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý cho phép phê duyệt nhưng không vượt quá mức 50% tương ứng với quy định tại các điểm a, d khoản 2 của Điều này.”
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 56 dự thảo Luật quy định về một trong những điều kiện phải đáp ứng được để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn là “1. Dự án chuyển tiếp thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.”
Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 56 thì các dự án chuyển tiếp thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước được đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau, khi đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công.
Trên thực tế, một số dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư với tiến độ khởi công, hoàn thành trong 1 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn; tuy nhiên do nguyên nhân khách quan, dự án chưa hoàn thành, cần phải tiếp tục chuyển tiếp sang thực hiện ở giai đoạn sau hoặc một số dự án có tính chất cấp thiết, trọng điểm được bổ sung ở những năm cuối trong kỳ kế hoạch trung hạn giai đoạn trước, nhưng mới được bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, phần vốn thực hiện đầu tư (chiếm phần lớn tổng mức đầu tư của dự án) được bố trí ở giai đoạn sau. Phần vốn còn lại của các dự án này phải bố trí trong giai đoạn sau, làm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau vượt quá 50% số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước theo từng nguồn vốn. Như vậy, việc thực hiện các dự án này trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau, mặc dù đảm bảo tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công theo quy định tại Điều 56 dự thảo Luật nhưng lại không phù hợp với quy định tại Điều 98 dự thảo Luật.
Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi lần này, đồng thời tăng tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, phù hợp với tình hình thực tế, đề nghị không quy định tỷ lệ % giữa tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các dự án thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau, so với số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước theo từng nguồn vốn như quy định tại khoản 3 Điều 98 dự thảo Luật.