ĐBQH TRẦN THỊ THU ĐÔNG: CẦN QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ QUYỀN TIẾP CẬN NGUỒN TÀI LIỆU LƯU TRỮ ĐIỆN TỬ

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, cần quy định chi tiết về quyền tiếp cận nguồn tài liệu lưu trữ điện tử dựa trên tính chất thông tin trong tài liệu và mục đích của người tiếp cận.

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cơ bản thống nhất với những nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về khái niệm “lưu trữ, hiện nay dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định tại khoản 1 Điều 2: “Lưu trữ là hoạt động lưu giữ tài liệu nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân”. Theo đó, mục đích của hoạt động lưu trữ rất rộng và một trong những mục đích đó là “bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân”.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu

Đại biểu cho rằng việc hướng đến “quyền tiếp cận thông tin” là đúng đắn, nhưng nếu chỉ hướng đến nhóm đối tượng là công dân thì chưa đầy đủ, trong khi các cá nhân khác (người nước ngoài, người không quốc tịch) hoặc các tổ chức, các cơ quan nhà nước cũng có quyền và cần được đảm bảo quyền này. Do đó, đại biểu cho rằng ở khái niệm này cần được quy định rõ: “Lưu trữ là hoạt động lưu giữ tài liệu nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các cá nhân, tổ chức, cơ quan trong xã hội”. Việc sửa đổi này cũng phù hợp với nguyên tắc số 3 tại Điều 4 của dự thảo Luật về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Khoản 6 Điều 4 về nguyên tắc lưu trữ trong dự thảo luật có quy định: Bảo đảm an toàn, toàn vẹn, lâu dài, kéo dài tuổi thọ và thực hiện lưu trữ dự phòng tài liệu lưu trữ. Đại biểu đề nghị bỏ cụm “tuổi thọ” trong nguyên tắc này của dự thảo Luật, bởi “tuổi thọ” để chỉ số năm sinh sống của con người chứ không chỉ số năm tồn tại của tài liệu, hơn nữa cụm “lâu dài, kéo dài” trong nguyên tắc đó đã chỉ thời gian tồn tại lâu dài của tài liệu.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị sửa đổi quy định tại Điều 61 nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Lưu trữ và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Cụ thể, Điều 61 dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định: “Người làm lưu trữ ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân được hưởng chế độ ưu đãi ngành, nghề, công việc đặc thù; chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, pháp luật lao động sử dụng khái niệm “các ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) nên sử dụng khái niệm như pháp luật lao động đang sử dụng nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu cũng cho biết, đối với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), quy định về lưu trữ điện tử đang rất được quan tâm. Hiện nay, dự thảo tại Mục 3 Chương III có quy định về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử. Tuy nhiên còn nhiều nội dung liên quan chưa được làm rõ, trước hết cần xác định việc lưu trữ tài liệu điện tử là bắt buộc hay tự nguyện. Đại biểu nêu quan điểm, vấn đề này từng ngành đưa ra quy định, hướng dẫn cụ thể sẽ phù hợp hơn. Với vai trò là Luật định hướng thì Luật Lưu trữ cần có quy định “Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có quy định cụ thể về tài liệu điện tử cần lưu trữ của ngành trong phạm vi quản lý”. Như vậy, sau khi Luật Lưu trữ được ban hành và có hiệu lực thi hành thì các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ sẽ đưa ra hướng dẫn phân loại nguồn tài liệu nào trong ngành phải lưu trữ điện tử, nguồn tài liệu nào không bắt buộc phải lưu trữ điện tử.

Việc xác định những ai được tiếp cận với nguồn tài liệu điện tử đó cũng cần được quan tâm và xác định chi tiết. Đại biểu cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất để xác định chủ thể có quyền tiếp cận nguồn tài liệu đó là phải dựa vào tính chất của thông tin chứa trong tài liệu và mục đích của người tiếp cận.

Ngoài ra, việc lưu trữ tài liệu điện tử để có thể phát huy hiệu quả trên thực tế cần có sự tích hợp giữa nguồn tài liệu điện tử và vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, những tài liệu phục vụ cho hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước cần mở rộng quyền tiếp cận đến tất cả mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội để họ xác định đúng quyền và nghĩa vụ của họ trong quan hệ pháp luật hành chính cụ thể và thông qua đó có nhiều thủ tục hành chính rườm rà được cắt giảm, hiệu quả quản lý nhà nước nâng lên đáng kể.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=87028