ĐBSCL: 'Đã nghèo mà còn đi lại khó khăn thì ai thèm tới'

Sản phẩm du lịch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã dần đa dạng hơn, du khách cũng đến nhiều hơn nhưng 'nút thắt' lớn nhất hiện nay là hạ tầng giao thông. 'Nút thắt' này đang làm chậm quá trình phát triển du lịch. Có người còn ví von rằng vùng này 'đã nghèo mà còn đi lại khó khăn thì ai thèm tới'.

 Khách du lịch ở Bến Tre. Ảnh: Đào Loan

Khách du lịch ở Bến Tre. Ảnh: Đào Loan

Điểm nghẽn về hạ tầng giao thông ở ĐBSCL gây ảnh hưởng đến phát triển du lịch là nội dung nổi bật mà các doanh nghiệp và quan chức ngành du lịch đề cập vào chiều nay, trong buổi họp báo giới thiệu "Diễn đàn kết nối du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần 1 năm 2019".

Hiện nay, kết nối giao thông bằng đường thủy, đường bộ và đường hàng không từ TPHCM, cửa ngõ đưa khách du lịch đến khu vực ĐBSCL chưa thuận lợi. Đường thủy chưa phát triển. Đường bộ thì chỉ có một đoạn đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Với đường hàng không, tuy cả vùng có 4 sân bay nhưng sân bay ở Phú Quốc thì ở riêng biệt trên một hòn đảo, 3 sân bay còn lại có tần suất bay rất thấp.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Cụm trưởng Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch các tỉnh phía Tây ĐBSCL, người đưa ra câu nhận định vừa đề cập ở trên cho rằng, cụm phía Tây cũng như cả khu vực đang nỗ lực đã đa dạng hóa sản phẩm, để du khách không "đến một tỉnh là biết 13 tỉnh, thành của vùng có gì". Tuy nhiên, để du lịch phát triển, cần phải có hạ tầng giao thông tốt để khách dễ dàng đi lại, đến được nhiều địa phương thay vì chỉ đi một, hai nơi là kết thúc chương trình.

"Qua diễn đàn này, chúng tôi muốn nêu ý kiến về việc chính phủ cần quan tâm hơn đến hạ tầng giao thông cho ĐBSCL," bà nói.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cũng có ý kiến tương tự, cho rằng không chỉ kết nối giao thông với bên ngoài mà giao thông nội vùng cũng có vấn đề. Tour đến ĐBSCL không chỉ đi đến một tỉnh mà đường đi từ tỉnh khác lại khó. Kết nối giao thông với TPHCM thì chỉ có một đoạn cao tốc mà nay cũng khó đi với tốc độ cao.

"Từ TPHCM - Cần Thơ đi nhanh nhất cũng mất từ ba giờ rưỡi cho đến 4 giờ đồng hồ thì không thể gọi là nhanh được. Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị về giao thông ở diễn đàn này," ông nói.

Cùng với vấn đề giao thông, chuyện làm sản phẩm du lịch của khu vực ĐBSCL cũng được nhiều người đề cập đến trong buổi họp báo chiều nay. Một số quan chức du lịch của vùng cho rằng, tuy chưa thực sự quá đa dạng nhưng thời gian gần đây, sản phẩm du lịch ở ĐBSCL đã có sự cải thiện đáng kể, không quá giống nhau như những nhận định trước đây. Các địa phương đã ngồi lại để phân công mỗi nơi làm những sản phẩm mà địa phương có thế mạnh.

Chẳng hạn, cụm phía Tây có 7 tỉnh, thành gồm Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang thì đã phân công Cần Thơ sẽ phát triển loại hình du lịch sông nước, An Giang chú trọng du lịch tâm linh, Kiên Giang có thế mạnh làm du lịch biển đảo, Bạc Liêu làm du lịch xanh...

"Tuy là vậy nhưng vẫn có ý kiến cho rằng sản phẩm của vùng na ná nhau nên chúng tôi mong doanh nghiệp lữ hành, là người mua hàng đặt hàng rõ ràng để chúng tôi sửa chứ cứ nhận xét chung chung là trùng lặp thì không biết đâu mà sửa," bà Vân, cũng là giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu nói.

Tổ chức Diễn đàn kết nối du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL tại TPHCM

Từ ngày 4 đến 5-9-2019, Sở Du lịch TPHCM sẽ chủ trì tổ chức "Diễn đàn kết nối du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần 1 năm 2019" tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn và Vinpearl Luxury Landmark 81.

Các chuyên gia, quan chức và doanh nghiệp tham gia diễn đàn sẽ thảo luận về thực trạng và các giải pháp phát triển du lịch của 14 địa phương. Trong đó, có ba nội dung quan trọng là xúc tiến đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, sản phẩm liên kết và công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch của vùng.

Đặc biệt, diễn đàn còn có hội nghị cấp cao về liên kết phát triển du lịch và hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư vào hạ tầng, du lịch - giải trí... tại 14 địa phương. Chỉ riêng TPHCM, dự kiến sẽ kêu gọi đầu tư vào 51 dự án du lịch, văn hóa, giải trí với tổng vốn đầu tư lên đến 39.000 tỉ đồng.

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292840/dbscl-da-ngheo-ma-con-di-lai-kho-khan-thi-ai-them-toi.html