Đề án 01 - nâng chất nông thôn mới

Để kịp thời đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, ngay sau đại hội, Huyện ủy Hớn Quản đã ban hành Đề án số 01 thực hiện chương trình 'Đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng của MTTQ và các đoàn thể ấp, sóc, khu phố để tạo nguồn, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng'. Tiếp sau đó, Ban chủ nhiệm đề án đã ban hành Kế hoạch số 02 và chọn 5 xã điểm để triển khai xây dựng mô hình 'Dân vận khéo', xác định mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong năm 2021. Sau 1 năm triển khai thực hiện, Đề án số 01 đã tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống đoàn viên, hội viên, tạo sự lan tỏa mạnh và thu hút người dân tham gia vào các hội, đoàn thể, góp phần nâng chất nông thôn mới tại địa phương.

Chuyển động từ các mô hình khởi nghiệp

Mô hình “Tổ nuôi heo rừng lai” của Chi hội nông dân ấp 1, xã Đồng Nơ là một trong 2 mô hình khởi nghiệp được xã, ấp triển khai trong năm 2021 theo Đề án số 01 của Huyện ủy Hớn Quản. Mỗi hội viên tham gia mô hình sẽ được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 30 triệu đồng để đầu tư mua con giống.

Ông Ngô Quý Sửu là một trong 10 hội viên của Tổ nuôi heo rừng lai ấp 1. Ông cho rằng, heo rừng lai là vật nuôi phù hợp với nông dân bởi rất dễ nuôi, ít bệnh tật, chi phí thấp. “Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn trong vườn nên năm nay dù tình hình dịch bệnh phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng gia đình tôi vẫn có lãi nhờ tiết kiệm được chi phí chăn nuôi” - ông Sửu khẳng định.

Lãnh đạo xã thăm mô hình nuôi heo rừng lai của ông Ngô Quý Sửu ở ấp 1, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản

Chị Huỳnh Diễm Trinh, Tổ trưởng Tổ nuôi heo rừng lai ấp 1 tự tin về triển vọng của mô hình này. Mặc dù mới thành lập nhưng tổ nuôi heo rừng lai của ấp đã phát huy hiệu quả rõ rệt bởi chi phí đầu tư thấp, giá bán lại cao hơn heo bình thường nên việc mở rộng, nhân đàn được các hội viên triển khai thực hiện khá tốt. “Từ 30 con ban đầu, đến nay số lượng heo rừng lai đã tăng lên hơn 350 con. Nhận thấy đây là mô hình rất phù hợp với điều kiện, tập quán chăn nuôi của bà con nên ngoài hội viên, một số hộ dân trong thôn cũng có dự định tham gia” - chị Trinh cho biết.

Trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng kết quả đạt được từ mô hình “dân vận khéo” và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đã tạo được niềm tin của đoàn viên, hội viên khi tham gia chương trình.

Bà Ngô Thị Thanh Bình, Phó bí thư Đảng ủy xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản

Ngoài mô hình nuôi heo rừng lai, ấp 1, xã Đồng Nơ cũng xây dựng mô hình “Tổ cựu chiến binh tự quản, bảo vệ an ninh trật tự” với 5 thành viên. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tổ tự quản ấp 1 thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác, xử lý các điểm có dấu hiệu bất thường; phối hợp cùng với công an viên, dân phòng tăng cường tuần tra canh gác bảo vệ khu dân cư. Nhờ đó trong năm 2021, khu dân cư không xảy ra tệ nạn xã hội và trộm cắp tài sản của nhân dân; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, người dân hết sức khen ngợi. Anh Lê Đình Dương ngụ tổ 2, ấp 1, xã Đồng Nơ quả quyết: “Từ ngày có tổ tự quản, bà con ai nấy đều yên tâm làm ăn, không lo lắng gì về an ninh trật tự”.

“Tổ tự quản gồm 5 người, tất cả đều là hội viên cựu chiến binh của ấp. Tôi trẻ tuổi nhất được các chú, các anh tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Chúng tôi tâm niệm làm được gì cho dân, cho nước thì cố gắng làm, không quản ngại khó khăn. Từ ngày thành lập tổ tự quản, các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, rượu chè giảm hẳn. Đặc biệt là trong dịp tết vừa qua, người dân chấp hành rất tốt quy định không đốt pháo nổ” - anh Phan Văn Sỹ, tổ trưởng tổ tự quản chia sẻ.

Hiệu quả từ mô hình “Dân vận khéo”

Sau khi ấp 1 được chọn làm điểm thực hiện Đề án số 01 của Huyện ủy, chi bộ, ban điều hành ấp đã họp và triển khai đến từng hội viên, đoàn viên và nhân dân trong ấp. Sau 1 năm, kết quả đạt được khá toàn diện khi cán bộ và nhân dân ấp 1 đã tham gia đóng góp hơn 260 triệu đồng, hàng chục ngày công lao động để sửa chữa và xây mới 570m đường bê tông xi măng, sửa chữa gần 1.000m đường điện thắp sáng. Năm 2021, dù chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng các khoản thu pháp lệnh đều đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện tốt. Tổ dân vận ấp 1 đã vận động nhân dân và các mạnh thường quân đóng góp trên 47 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn trong mùa dịch.

Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án số 01, huyện Hớn Quản đã kết nạp được 87/80 đảng viên, trong đó 15/16 đảng viên được kết nạp ở ấp, sóc, khu phố, đạt chỉ tiêu nghị quyết huyện đề ra. Trong năm 2021, nguồn vốn hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp đã giải ngân được 610 triệu đồng.

Dù vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm nhưng Đề án số 01 đã mang lại lợi ích thiết thực, tạo sự phấn khởi, đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Các mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng trên tất cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh được ghi nhận, đánh giá cao, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Đây cũng là giải pháp quan trọng để góp phần củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Ông Vũ Xuân Trường, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Hớn Quản

“Qua triển khai các mô hình điểm đã thu hút được cán bộ, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hội, đoàn thể, nhất là mô hình “Vận động thanh niên nuôi dê phát triển kinh tế” của đoàn thanh niên xã An Khương”; mô hình “Mười giúp một” của Chi hội Phụ nữ ấp Sóc Trào, xã Tân Lợi. Qua đó đã tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống đoàn viên, hội viên, đồng thời tạo sự lan tỏa, thu hút người dân tham gia vào các hội, đoàn thể, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương” - bà Lê Thị Mỹ Linh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Phó chủ nhiệm Thường trực Đề án 01 của Huyện ủy Hớn Quản nhấn mạnh.

Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, xem xét những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, năm 2022, Ban chủ nhiệm chương trình tiếp tục tổ chức khảo sát tại 8 xã còn lại để xây dựng phong trào Dân vận khéo, tìm kiếm các mô hình thích hợp để tập hợp người dân vào tổ chức hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến các mô hình khởi nghiệp liên quan đến phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tổ chức các buổi sinh hoạt cùng cơ sở, các hoạt động đối thoại, tọa đàm; các câu lạc bộ, tổ, nhóm, các mô hình trong phong trào “Dân vận khéo”, duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao trong cộng đồng.

“Sau 1 năm triển khai, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện mô hình điểm ở 8 xã, triển khai nhiệm vụ năm tiếp theo và tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện đề án” - bà Linh cho hay.

Đức Hiến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/130994/de-an-01-nang-chat-nong-thon-moi