Đề án 1816 và giảm tải bệnh viện đi vào chiều sâu hỗ trợ tối đa cho y tế cơ sở

Sau dịch COVID-19, các bệnh viện vừa nỗ lực làm tốt công tác chuyên môn tại viện, vừa nhanh chóng tổ chức lại các đội hình đi chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho y tế tuyến dưới, góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho y tế cơ sở.

Báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh về hoạt động này.

PV: Thưa PGS.TS Lương Ngọc Khuê, sau dịch COVID-19, các bệnh viện đối mặt nhiều khó khăn, với chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Y tế, cùng lãnh đạo Bộ và Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, bệnh viện trung ương vừa nỗ lực làm tốt chuyên môn tại viện đã cử nhiều đội hình bác sĩ có chuyên môn cao tiếp tục công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, ông có thể nói gì về điều này?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Sau dịch COVID-19, như chúng ta đều biết, hệ thống bệnh viện từ trung ương đến cơ sở đều gặp vô vàn khó khăn. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau 3 năm dịch COVID-19 tăng cao, hệ thống y tế đối mặt với những khó khăn như cung ứng thuốc, vật tư y tế bị gián đoạn…tuy nhiên với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Y tế nên dù có khó khăn nhưng hệ thống khám chữa bệnh đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế

Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến trung ương tiếp tục bền bỉ thực hiện tổ chức các chuyến đi khảo sát, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới như BV Hữu nghị Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Trung ương Huế….đã tổ chức nhiều lớp đào tạo cho các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Hà Tĩnh…

Các bệnh viện tuyến trung ương đã tổ chức hàng trăm chuyến công tác khảo sát nhu cầu đơn vị ở bệnh viện tuyến dưới. Từ đó, việc chuyển giao kỹ thuật đã thực sự đúng nhu cầu, mô hình bệnh tật ở địa phương.

Trong dịch COVID-19, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa như một điểm sáng trong các hoạt động y tế thời kỳ dịch bùng phát. Có thể nói rằng, công tác chỉ đạo tuyến là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế.

Hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần nhân dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương.

PV: Thưa ông, với tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý giữa trung ương và cơ sở các bệnh viện sẽ ứng dụng công nghệ thông tin ra sao?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Bên cạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức "cầm tay, chỉ việc" như các bệnh viện đã, đang làm thì yếu tố áp dụng công nghệ thông tin đã được bệnh viện trung ương và địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại phù hợp với tình hình mới.

Khi có ca bệnh khó, cần các Thầy tuyến trung ương hội chẩn, tư vấn, chỉ sau ít phút các Thầy ở bệnh viện trung ương trực tiếp tham gia hội chẩn và đưa ra lời khuyên cho thầy thuốc tuyến dưới được ngay. Và điều đáng mừng, ứng dụng PACS trong chẩn đoán hình ảnh đã được ứng dụng rộng rãi. Ví dụ, bệnh nhân khi khám ở bệnh viện tuyến huyện thuộc tỉnh Phú Thọ hoặc Hà Giang nếu cần được các Thầy ở Hà Nội tham gia đọc phim cùng chẩn đoán với thầy thuốc tuyến dưới đều thực hiện được như đang khám ở bệnh viện ở Thủ đô.

Mới đây, ê kíp chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận 1 ca hội chẩn cấp cứu bệnh nhân bị chấn thương sọ não với ê kip BVĐKThảo Nguyên (huyện Mộc Châu, Sơn La) qua hình thức kết nối TeleMedicine thành công.

Các bệnh viện tuyến trung ương đã tổ chức nhiều buổi tư vấn, hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, góp phần giải quyết được những ca bệnh khó, cứu sống những người bệnh nguy kịch ở vùng sâu, vùng xa, không có khả năng chuyển lên tuyến trên để điều trị.

PV: Để tiếp tục thực hiện tốt chiến lược giảm quá tải bệnh viện, theo ông, bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới cần làm gì?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Như trên tôi đã nói, để tiếp tục nâng cao chất lượng, công tác chỉ đạo tuyến hiệu quả, bệnh viện tuyến trung ương cần tổ chức khảo sát kỹ nhu cầu ở tuyến dưới về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, mô hình bệnh tật…với đơn vị cơ sở y tế vệ tinh cần có kế hoạch cụ thể, đánh giá tổng quát về hiện trạng của mình đề xuất với bệnh viện tuyến trên qua đó có kế hoạch chỉ đạo tuyến hỗ trợ kịp thời, nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị vệ tinh liên tục rà soát bảo đảm nhân lực tham gia công tác đào tạo thực hành, chuyển giao kỹ thuật; phối hợp các bệnh viện hạt nhân tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ Telehealth, khám chữa bệnh từ xa thu hẹp khoảng cách địa lý giữa tuyến trên và tuyến dưới

Nâng cao năng lực y tế cho tuyến dưới không chỉ giúp giảm tải cho tuyến trên mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ y tế một cách đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Một điều rất quan trọng nữa, đó là Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ, Cục liên quan cùng các bệnh viện trung ương tiếp tục xây dựng kế hoạch hết sức cụ thể cho công tác chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, Đề án1816 và khám chữa bệnh từ xa cho năm 2024 và những năm tiếp theo, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt giúp các bệnh viện thêm nguồn lực thực hiện tốt công tác này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

A.V

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-an-1816-va-giam-tai-benh-vien-di-vao-chieu-sau-ho-tro-toi-da-cho-y-te-co-so-169231123171253554.htm