Đề án giãn dân Phố cổ Hà Nội: 14 năm vẫn chưa thể về đích

Bằng thời gian này năm ngoái, câu chuyện về bản qui hoạch phân khu nội đô lịch sử Hà Nội là chủ đề nóng được rất nhiều người quan tâm. Theo Đồ án mới, dân số tới năm 2030 và tầm nhìn tới 2050 chỉ còn 672.000 người, tức sẽ giảm khoảng 215.000 người so với số dân hiện tại. Và theo tính toán của riêng quận Hoàn Kiếm, dân số khu vực phố cổ phải giảm khoảng 20.000 người cho đến năm 2030.

Đây là những gì còn lại của Đình Trương Thị - một ngôi đình có lịch sử lầu đời, nằm trên con phố Hàng Bạc. 2 chiếc cột phía ngoài và một gian thờ tự trơ gạch gói phía trong, những hình ảnh này không khác gì một phế tích. Ủy ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm cũng đã tính đến phương án di dời dân cư trong khu di tích này để phục vụ việc tôn tạo, bảo tồn di tích, thế nhưng việc di dời hàng chục dân cư ở nơi trung tâm của Thủ đô chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng.

Còn đây, hình ảnh thường thấy tại khu vực Đình Thái Cam – một điểm di tích đã được Ủy ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm tu bổ, tôn tạo thời gian qua. Dân đông khiến áp lực kinh tế cũng lớn, người dân cũng sẽ lại tìm mọi cách để đảm bảo nguồn thu nhập của bản thân trước khi nghĩ tới các giá trị văn hóa hay lịch sử khác.

Ông PHẠM TUẤN LONG – Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm: “ Đặc điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội là có một cái mật độ dân cư rất cao. Thứ hai 2 là vẫn còn nhiều di tích có hộ dân sinh sống bên trong nên là việc giải phóng mặt bằng và tu bổ các di tích trong giai đoạn hiện nay thì cũng là những cái khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị trong khu phố cổ Hà Nội.”

Để đảm bảo công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản khu vực phố cổ, TP Hà Nội đã cho triển khai Đề án giãn dân phố cổ từ năm 2008, trong đó đề xuất những giải pháp làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha (mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020). Điều này có nghĩa phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người. Đề án được chia thành hai giai đoạn với những mục tiêu rất rõ ràng đến năm 2020, thậm chí khu nhà tái định cư bên Việt Hưng – Long Biên cũng đã được xây dựng, tuy nhiên đến nay, năm 2022, đề án của nhiều năm cũ vẫn chưa thể về đích.

ThS. KTS SẦM MINH TUẤN – Viện Phó Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia: “Chúng ta phải nhìn nhận cả một cái quá trình sinh sống, tập tục của người dân khu phố cổ. Phần lớn những cư dân ở phố cổ họ buôn bán bằng nghề, việc bảo họ chuyển khỏi nơi có công ăn việc làm của họ là điều rất khó. Đến thế hệ tiếp theo thì việc di dân có thể dễ hơn. Nếu chúng ta để ý là trong khoảng những năm 2000, việc di dân khó là do thế hệ người dân gắn bó với phố cổ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, thế hệ sau họ có nhiều thay đổi, hơn nữa các khu đô thị ven sông Hồng cũng đã được hoàn thiện với hạ tầng giao thông thuận lợi, việc di chuyển dễ dàng qua sông Hồng, giúp người dân cảm thấy thuận lợi khi rời khỏi khu phố cổ. Chính vì vậy giải pháp tổng thể ở đây là phải xây dựng cơ sở hạ tầng rất là quan trọng, xây dựng những môi trường sống mới phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của người dân.”

Theo số liệu thống kê, từ năm 1995 đến nay, tương đương thời gian 27 năm, khu phố cổ Hà Nội giảm được khoảng 20.000 dân. Theo qui hoạch phân khu nội đô lịch sử, khu phố cổ Hà Nội cũng sẽ phải giảm số dân tương tự là 20.000 dân đến năm 2030. Như vậy, số lượng giảm như nhau nhưng thời gian của hiện tại lại chỉ bằng 1/3 thời gian trong quá khứ. Đây là thách thức không nhỏ đối với UBND Quận Hoàn Kiếm nói riêng và TP Hà Nội nói chung khi mà khu vực phố cổ Hà Nội vẫn được mệnh danh là “ tấc đất – tấc vàng”.

Thực hiện : Anh Thư Tùng Dương Cao Hoàng Trung Hiếu Đình Thái Cam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-an-gian-dan-pho-co-ha-noi-14-nam-van-chua-the-ve-dich