Đề án phát triển thành phố Buôn Ma Thuột mang tầm cỡ quốc gia

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 diễn ra từ ngày 10/3 đến 14/3 tại thành phố Buôn Ma tỉnh Đắk Lắk hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo. Lễ hội là nơi quảng bá thương hiệu, phát triển cà phê Việt Nam, góp phần đưa Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới.

Thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí quan trọng về chính trị và kinh tế, là trung tâm của vùng Tây Nguyên, nơi hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sự, nghệ thuật … Buôn Ma Thuột đã được nhà nước quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND triển khai Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội, tạo cơ sở để các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “Thành phố cà phê của thế giới” theo Kết luận 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Vũ Văn Hưng chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột nói về những nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa Đề án.

Ông Vũ Văn Hưng chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột nói về những nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa Đề án.

Đây là công việc mới – khó – chưa có tiền lệ ở địa phương nào và là nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói chung và của thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng.

Triển khai thực hiện Đề cương nhiệm vụ của Đề án, thành phố Buôn Ma Thuột đã phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam đồng tổ chức thành công hội thảo khoa học – được đánh giá chưa có tiền lệ từ trước đến nay và mang tầm cỡ quốc gia, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng; du lịch, văn hóa, lịch sử; các nhà kinh tế, xây dựng cơ chế chính sách; các doanh nghiệp phát triển cà phê, các nhà đầu tư, các nhà quản lý phát triển đô thị, nông thôn...đến từ các Bộ, Ngành…

Hội thảo đã thu được nhiều ý kiến quý báu mang tính lý luận, khoa học và thực tiễn, là những gợi mở quan trọng cho quá trình xây dựng Đề án. Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến và có báo cáo kết quả hội thảo gửi các bộ, ngành liên quan.

Đề án sẽ dựa trên cơ sở phân tích các lĩnh vực chuyên ngành liên quan và tính khả thi, đề xuất các yếu tố mang tính tiêu chí, phương án, giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.

Xây dựng các chương trình trọng tâm, các dự án, các hạng mục cần ưu tiên đầu tư để phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam và xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội cho vùng Tây Nguyên, thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa vùng, quốc gia và quốc tế. Phát huy tiềm năng du lịch sẵn có, giá trị văn hóa địa phương đặc sắc của vùng Tây Nguyên.

Tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm “du lịch sinh thái, du lịch văn hóa trên nền không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, trong đó “du lịch cà phê” là điểm nhấn quan trọng, là “gạch nối” giữa hai loại hình du lịch trên và là mối gắn kết hài hòa với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Đề án sẽ là một sản phẩm có sức quảng bá cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và cà phê Việt Nam, quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa đặc sắc vùng Tây Nguyên xây dựng, giúp cụ thể hóa mục tiêu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.

Song song với đó, hiện nay, thành phố Buôn Ma Thuột đã và đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành Đô thị Xanh, - Sinh thái và Bản sắc, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột xứng tầm là đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên, góp phần từng bước đưa thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới” trong thời gian sớm nhất.

Ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng TP. Buôn Ma Thuột là đô thị Xanh - Sinh thái - Thông minh - Bản sắc, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được cấp ủy, chính quyền thành phố tích cực triển khai là chỉnh trang đô thị, trong đó có việc cải tạo lại những con suối tự nhiên, xây dựng lại các công viên, hoa viên gắn với các chủ đề, những tuyến đường giao thông huyết mạch.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 là dịp để giới thiệu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với du khách và thế giới.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 là dịp để giới thiệu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với du khách và thế giới.

Ông Hưng cho biết, thành phố sẽ đầu tư hai dự án phát triển cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn này sẽ dùng để cải tạo hạ tầng thuộc hành lang suối Ea Nao, Ea Tam. Sau đó, nơi đây sẽ hình thành những khu đô thị, khu công viên cây xanh quanh suối, tạo ra sự chuyển biến trong cảnh quan và quy hoạch của đô thị.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tập trung đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối các đường tránh, kết nối ra cao tốc, kết nối ra những tuyến đường xung quanh thành phố với các huyện, các tỉnh, đồng thời cải tạo hệ thống giao thông trong đô thị để giảm tải ùn tắc giao thông.

Nói về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, ông Vũ Văn Hưng cho rằng đây là dịp để tôn vinh văn hóa cà phê, người trồng cà phê và ngành cà phê; quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột , từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có sự đồng hành của nhiều thương hiệu cà phê lớn. Tại đây, người dân và du khách không chỉ thưởng thức cà phê mà còn được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ liên quan đến cà phê. Đặc biệt tuyến đường Phan Đình Giót và gần 400 quán hưởng ứng chương trình cà phê miễn phí trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

“Đây là một tín hiệu đáng mừng, chúng tôi phấn đấu ngày 10/03 hằng năm là ngày cà phê miễn phí, là ngày giới thiệu các sản phẩm liên quan đến cà phê” – ông Hưng nói thêm.

Hiếu Lê

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giai-tri/van-hoa/de-an-phat-trien-thanh-pho-buon-ma-thuot-mang-tam-co-quoc-gia-506100.html