Để các doanh nghiệp 'chuyển xanh', truyền thông cần đi sớm
Vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên luôn là mối quan tâm, lo ngại của nhiều quốc gia. Chính vì vậy, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thay cho mô hình kinh tế tuyến tính (mô hình kinh tế truyền thống) là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Petrolimex phấn đấu đạt được 50% doanh thu từ sản phẩm nhiên liệu và năng lượng sạch, thân thiện với môi trường vào năm 2030
Chia sẻ câu chuyện phát triển nhà máy xanh ở Việt Nam từ kinh nghiệm của TH, ông Arghya Mandal, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa TH cho biết, để đạt được mục tiêu Net Zero carbon với nền kinh tế phát thải thấp, phát triển bền vững thì hoạt động của các doanh nghiệp và các nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhà máy xanh và thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR).
Trong khi đó, để cùng với Chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu, Heineken Việt Nam đặt mục tiêu hướng đến tác động môi trường bằng không vào năm 2030 với các biện pháp giảm thiểu phát thải ròng, tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước.
“Chúng tôi tiên phong sử dụng 96% năng lượng tái tạo trong sản xuất đồng thời hoàn thành chỉ tiêu nấu bia bằng nhiệt năng sinh khối tại toàn bộ 6 nhà máy bia trên toàn quốc. Trong khi chờ các giải pháp về năng lượng tái tạo, Heineken Việt Nam đã mua các Chứng chỉ thuộc tính năng lượng (EAC) cho 100% lượng điện năng tiêu thụ tại 6 nhà máy. Toàn bộ 6 nhà máy Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn "tái sử dụng - chia sẻ - sửa chữa", không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu”, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam cho biết.
Tại Hội thảo Chuyên đề về phát triển bền vững do Câu lạc bộ Báo chí phát triển Xanh hướng đến Net zero (Green Media HUB) và Báo Tài Nguyên & Môi Trường tổ chức ngày 1/11 tại Vũng Tàu, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, là đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất cả nước nên việc lựa chọn sản phẩm kinh doanh của Petrolimex có vai trò lớn, tác động đến lượng khí thải ra môi trường.
Chiến lược phát triển Petrolimex giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu đưa Petrolimex trở thành Tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện. Phấn đấu đạt được 50% doanh thu từ sản phẩm nhiên liệu và năng lượng sạch, thân thiện với môi trường vào năm 2030, đến năm 2045 sẽ đạt 100% tỷ trọng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường.
Bà Chu Kim Thanh, Giám đốc Vận hành PRO Việt Nam nhìn nhận, đã có sự thay đổi nhận thức rõ rệt trong những năm gần đây trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong cộng đồng dân cư về EPR, sản xuất xanh, về phân loại rác tại nguồn, tiêu dùng xanh... nhờ công tác truyền thông.
"Nhờ các cơ quan truyền thông, PRO Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp biết đến và tin tưởng đồng hành cùng chúng tôi”, bà Kim Thanh chia sẻ và khẳng định vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng.
Tuy vậy, bà Kim Thanh cho rằng, để cộng đồng doanh nghiệp thấy việc chuyển đổi xanh hay việc thực thi EPR là một sự đầu tư cho chuỗi cung ứng của tương lai, là cơ hội để tham gia các sân chơi lớn hơn thì báo chí và các cơ quan truyền thông phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong cộng đồng dân cư về EPR, sản xuất xanh, về phân loại rác tại nguồn, tiêu dùng xanh... nhờ công tác truyền thông.
Theo đó, ngoài chuyện tuyên truyền các quy định chính sách, các cơ quan truyền thông phải khai thác sâu hơn ý nghĩa của các chính sách này, phân tích các cơ hội khi thực hiện và các nguy cơ nếu không tham gia cũng như chia sẻ câu chuyện của các doanh nghiệp thành công để tạo cảm hứng và niềm tin cũng như để các doanh nghiệp chưa bắt đầu học hỏi kinh nghiệm và cách triển khai…
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam từ nay đến 2030 sẽ chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, và từ 2031-2035 sẽ phát triển bền vững hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Dưới góc độ truyền thông về chuyển đổi xanh, VITAS kiến nghị, Nhà nước cần có thêm các hỗ trợ thiết thực như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông giúp ngành dệt may chuẩn hóa và nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh; tăng cường tiếp cận vốn tín dụng cho dự án đầu tư xanh; phát triển nguồn nhân lực và tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của doanh nghiệp; rà soát và tham khảo các tiêu chuẩn/yêu cầu quốc tế để thiết lập và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn và định mức của ngành dệt may về chất thải, tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước, sử dụng vật liệu và hóa chất áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành; tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật môi trường.
VITAS cũng mong muốn cơ quan truyền thông tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho doanh nghiệp; kêu gọi các nhà đầu tư vào công nghệ xanh; phản ánh kịp thời những kết quả đạt được của ngành, những ví dụ điển hình như Dệt may 29/3; kết quả đánh giá áp dụng công cụ Higg FEM…
"Việt Nam hiện là quốc gia có thứ hạng cao, đứng thứ hai về điểm trung bình quốc gia v-Higg FEM (Higg FEM 2022), đứng sau Trung Quốc và trước Bangladesh", ông Tuấn nói.