Để các lễ hội mùa xuân diễn ra an toàn, lành mạnh | Hà Nội tin mỗi chiều

Trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 sẽ có rất nhiều lễ hội được diễn ra ở khắp các địa phương của thành phố Hà Nội. Tất cả các lễ hội đều hướng đến truyền thống tốt đẹp dựng nước giữ nước của dân tộc. Lễ hội là nhu cầu chính đáng của người dân, cũng là dịp để quảng bá văn hóa Thủ đô, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Vậy làm thế nào để các lễ hội được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả?

Hà Nội có trên 1.000 lễ hội lớn nhỏ chủ yếu được tổ chức vào dịp đầu Xuân. Tất cả các lễ hội đều hướng đến truyền thống tốt đẹp dựng nước giữ nước của dân tộc. Lễ hội là nhu cầu chính đáng của người dân, cũng là dịp để quảng bá văn hóa Thủ đô, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tuy nhiên trong quá trình tổ chức lễ hội, đâu đó cũng đã diễn ra việc lễ hội bị thương mại hóa, thậm chí các yếu tố gốc bị chi phối. Thậm chí, nhiều lễ hội trở nên biến tướng với những trò tranh, cướp lộc, chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau, bói toán, cờ bạc trá hình… Hình ảnh người đi lễ chùa thi nhau nhét tiền lẻ vào tay, chân, các kẽ hở trong bức tượng Phật để cầu lộc, cầu may; Rồi cảnh mua bán thịt thú rừng, cờ bạc trá hình, đổi tiền lẻ lấy chênh lệch, người người thi nhau đội mâm cao cỗ đầy, từ giò, thủ lợn đến gà luộc, lợn quay nguyên con mang đến cửa Phật.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Làm sao để lễ hội truyền thống không bị lai tạp, không bị các yếu tố phái sinh, tùy hứng, tùy tiện xảy ra vì có sự chi phối bởi đồng tiền, bởi mục đích kinh doanh kiếm lợi bằng mọi cách của kinh tế thị trường? Để giải quyết, khắc phục những tồn tại này và dần loại bỏ những lễ hội còn duy trì một số tập tục, hình ảnh không phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam được dư luận phản ánh nhiều trong thời gian qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng ý nghĩa, giá trị của lễ hội.

Bộ VHTT&DL cũng đã ban hành Văn bản gửi các Sở về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2024. Theo đó Việc tổ chức lễ hội được yêu cầu phải trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ gây cháy, nổ, làm mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với quy mô, điều kiện thực tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của địa phương, của dân tộc.

Muốn giữ bản sắc vốn có, dứt khoát phải giữ những thành tố then chốt, bất biến, tạo ra sự khác biệt mà vẫn tuân thủ tiêu chí “Thiêng liêng, trang trọng, thân thuộc với truyền thống địa phương và hợp thời đại”... đó là căn cốt của di sản lễ hội truyền thống. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, lễ hội mang lại nhiều lợi ích, không chỉ là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn quảng bá hình ảnh cộng đồng... Phải coi lễ hội là một sản phẩm văn hóa, để từ đó biết cách quảng bá. Cụ thể, lễ hội có giá trị đặc sắc, mang tính truyền thống và kể được nhiều câu chuyện văn hóa của địa phương. Để duy trì sức hấp dẫn của lễ hội thì phải hiểu các giá trị và bản sắc riêng của lễ hội, giữ gìn giá trị của lễ hội một cách phù hợp với bối cảnh công nghệ số, kỹ thuật số, công dân số. Bên cạnh đó, giữ gìn và tổ chức lễ hội một cách văn minh cũng là yêu cầu đặc biệt quan trọng, từ đó tăng niềm tin với du khách. Cuối cùng, phải biết cách khai thác lễ hội vì lễ hội không chỉ liên quan đến việc tổ chức các nghi lễ mà còn có cả các sự kiện liên quan như hội chợ trưng bày sản phẩm địa phương hay một loạt yếu tố khác mà nếu biết cách xử lý hài hòa thì lễ hội sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả hơn.

Mùa lễ hội Xuân 2024 đã bắt đầu rộn ràng. Các lễ hội truyền thống nếu được khai thác tốt, giá trị của chúng sẽ trở thành những nguồn vốn để chúng ta có thể sử dụng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt các ngành công nghiệp văn hóa. Các lễ hội được tổ chức thường xuyên sẽ tạo ra không gian cho những hoạt động giao lưu về văn hóa, tạo cơ hội cho các sản phẩm thủ công mĩ nghệ, sản phẩm thiết kế sáng tạo được trưng bày, giới thiệu đến đông đảo người dân và du khách.

Ngoài ra, lễ hội cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc, góp phần quảng bá về văn hóa truyền thống dân tộc, giới thiệu về hình ảnh đất nước và con người Hà Nội, kêu gọi sự đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong văn hóa. Những hình ảnh, trang phục, tiết mục của lễ hội nếu được khai thác và vận dụng sáng tạo sẽ trở thành những chất liệu quan trọng và dồi dào cho các ngành công nghiệp văn hóa như thủ công mĩ nghệ, thiết kế, phim ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh, thời trang và đặc biệt là du lịch. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội không chỉ góp phần bảo vệ di sản truyền thống, mà còn tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Lễ hội là sản phẩm văn hóa thể hiện nhu cầu của con người và xã hội, không chỉ là câu chuyện quản lý riêng của các cơ quan chức năng. Toàn xã hội đều có trách nhiệm quản lý và thực hành tốt đối với các lễ hội truyền thống diễn ra ở khắp các vùng miền Tổ quốc Việt Nam thì công tác quản lý vĩ mô và vi mô sẽ khắc phục được những hạn chế tồn tại lâu nay, ngày càng thể hiện trình độ phát triển văn minh trong lễ hội của xã hội chúng ta./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/de-cac-le-hoi-mua-xuan-dien-ra-an-toan-lanh-manh-ha-noi-tin-moi-chieu-219361.htm