Để các thiết chế văn hóa trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu phát huy hiệu quả

Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho người dân ở các thôn, làng, tổ dân phố; thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ đăc thù của tỉnh, việc triển khai xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” (LVHKM) thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các cơ quan, ban ngành và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; nhất là sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, hình thành và củng cố các thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT), sinh hoạt cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thắt chặt tình đoàn kết tại cộng đồng dân cư.

Nhà văn hóa thôn Đồng Dong, xã Quang Yên (Sông Lô) là nơi thường xuyên được lựa chọn tổ chức Lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Cao Lan, góp phần gìn giữ những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ảnh: Thế Hùng

Nhà văn hóa thôn Đồng Dong, xã Quang Yên (Sông Lô) là nơi thường xuyên được lựa chọn tổ chức Lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Cao Lan, góp phần gìn giữ những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ảnh: Thế Hùng

Toàn tỉnh hiện có 1.237 nhà văn hóa/khu thể thao tại các thôn, tổ dân phố. Trong đó có 336 nhà văn hóa, khu thể thao tại tổ dân phố và 901 nhà văn hóa, khu thể thao của các thôn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và NTM kiểu mẫu.

Cùng với việc thực hiện các tiêu chú trong Chương trình xây dựng NTM, hệ thống các thiết chế VHTT trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ và hoạt động hiệu quả; giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, là cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa mới tại các thôn, làng, khu dân cư.

Đây cũng là nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động VHTT, sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương.

Đến nay, hệ thống các thiết chế VHTT tại các địa phương cơ bản hoạt động hiệu quả, phát huy được công năng sử dụng. Tỷ lệ người dân tham gia sinh hoạt tại các nhà văn hóa chiếm 60%- 80% dân số. Đáng nói, hệ thống nhà luyện tập TDTT, sân tập luyện thể thao đơn giản tại các thôn dân cư thu hút tỷ lệ người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 35,5%.

Tuy nhiên, hệ thống thiết chế VHTT tại các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, hạn chế. Tại một số ít địa phương, khu thể thao được kết hợp làm sân nhà văn hóa; sân đổ bê tông hoặc trải thảm asphalt nên chủ yếu chỉ có thể chơi các môn như cầu lông, bóng chuyền hơi...; bãi đỗ xe chật chội, thiếu khu vệ sinh công cộng phục vụ những sự kiện đông người.

Các công trình VHTT thiếu tính liên kết với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở làng, thôn, tổ dân phố (đình, chùa...) do bố trí vị trí cách xa nhau. Chưa có khuôn viên vườn hoa, khu cây xanh, đường đi dạo để người dân tập thể dục, đi bộ, thư giãn, hoạt động ca, múa nhạc, dân vũ ngoài trời....

Thiếu mô hình nhà văn hóa gắn với phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, giới thiệu những sản phẩm thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, do thiếu sự quan tâm, lỏng lẻo trong công tác quản lý và kinh phí dành cho công tác tu bổ, tôn tạo hạn chế nên một số địa phương còn xảy ra tình trạng xuống cấp di tích lịch sử.

Chất lượng, môi trường giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, tính bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển, dịch vụ cơ bản ở khu vực nông thôn vẫn còn khoảng cách xa so với khu vực đô thị...

Trên cơ sở phát huy những thành quả đã đạt được trong Chương trình xây dựng NTM, việc triển khai thí điểm xây dựng mô hình LVHKM là một chủ trương lớn và đúng đắn của Vĩnh Phúc, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đối với sự nghiệp phát triển văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên quan điểm nhất quán "Mọi người dân Vĩnh Phúc phải được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển".

Từ sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đến nay, có 28 khu thiết chế VHTT thuộc các LVHKM đã được phê duyệt dự án hoặc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng. Trong đó, có 15 dự án đầu tư xây dựng khu thiết chế VHTT đang được triển khai xây dựng.

Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh ban hành "Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030", tỉnh sẽ hỗ trợ UBND cấp xã thực hiện các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế VHTT tại làng thực hiện xây dựng LVHKM.

Cụ thể, tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/làng mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động VHVN - TDTT tại các thiết chế văn hóa; hỗ trợ 30 triệu đồng/làng xây dựng tủ sách tại Nhà văn hóa; hỗ trợ kinh phí 30 triệu đồng/làng/năm tổ chức giải thể thao.

Đây là nguồn hỗ trợ vô cùng thiết thực để các địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng LVHKM có thêm nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng và từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế VHTT.

Để từ đó, các LVHKM trên địa bàn tỉnh sẽ thực sự trở thành “nơi đáng sống” và các thiết chế VHTT thực sự là “sợi dây” bền chặt, phát huy tốt vai trò kết nối cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thí điểm xây dựng LVHKM, các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nắm được mục đích, ý nghĩa của việc triển khai xây dựng LVHKM của tỉnh, từ đó đồng thuận góp công, góp sức với chính quyền các cấp.

Tập trung các nguồn lực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thiết chế văn hóa tại các LVHKM, đi đôi với nâng cao chất lượng các công trình.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96241//de-cac-thiet-che-van-hoa-trong-xay-dung-lang-van-hoa-kieu-mau-phat-huy-hieu-qua