Để cây ăn quả phát triển bền vững: Để phát triển bền vững các vùng cây ăn quả
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển các vùng cây ăn quả các huyện căn cứ vào điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, tiểu vùng sinh thái để bố trí cơ cấu phù hợp với một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Nông dân xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) chăm sóc bưởi da xanh. Ảnh: Xuân Hùng
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 30.500 ha; trong đó, vùng trồng tập trung 18.130 ha, tổng sản lượng 486.300 tấn/năm. Về chất lượng, đến năm 2025, toàn tỉnh có 25% tổng diện tích sản xuất cây ăn quả cơ bản đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó, có 25% diện tích được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP; đến năm 2030 toàn tỉnh có 100% diện tích sản xuất cây ăn quả đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có 70% diện tích được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP. Các huyện căn cứ vào điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, tiểu vùng sinh thái để bố trí cơ cấu phù hợp với một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: cây quýt hôi, quýt vòi, xoài Mường Lát, mắc ca, bơ, thanh long...
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, các sở, ngành, đơn vị có liên quan, các địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 13-NQ/TU, ngày 10-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đối với sản xuất cây ăn quả, cần tập trung chỉ đạo chuyển nhượng, liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất lớn. Rà soát, chuyển đổi diện tích đất trồng mía, trồng sắn, trồng ngô, trồng lúa và một số loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả, gắn với việc chuyển đổi và phân tích chất lượng đất đai, đánh giá điều kiện tự nhiên để lựa chọn cây trồng phù hợp đưa vào sản xuất.
Đồng chí Lê Anh Tùng, Phó trưởng Phòng Phân tích và Thí nghiệm, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Việc xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, phân hạng thích hợp của các cây ăn quả trên các loại thổ nhưỡng khác nhau trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là rất cần thiết để bố trí cây trồng thích hợp trên các loại đất khác nhau. Xác định được thực trạng về đơn vị đất đai, chất lượng đất thổ nhưỡng của vùng đất trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh và đánh giá mức độ thích hợp của đất đai để bố trí trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế, hướng đến trồng cây ăn quả mang thương hiệu Thanh Hóa. Xác định số lượng các đơn vị đất đai và chất lượng đất, mức độ thích hợp đất đai của các loại cây ăn quả chính trong tỉnh dựa trên tiềm năng và các yếu tố hạn chế của đất đai. Trên cơ sở đó, tập trung nghiên cứu các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của đất, đến tính chất đất và phương thức sử dụng đất. Điều tra, nghiên cứu hình thái phẫu diện đất và tính chất lý hóa học của các loại đất, khả năng sử dụng đất. Đánh giá mức độ thích hợp đất đai đối với các loại cây ăn quả chủ lực có lợi thế của từng địa phương. Xác định các yếu tố hạn chế về đất đối với các vùng đất trồng cây ăn quả. Xây dựng bản đồ thổ nhưỡng đất vùng cây ăn quả; xác định quỹ đất của vùng cây ăn quả về chất lượng và khả năng sử dụng đất trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.
Năm 1995, ông Đào Đức Thân, thuê đất ở thôn Tân Lý, xã Thành Tâm (Thạch Thành) để đầu tư trồng cây ăn quả. Hiện nay, ông đã trồng 500 cây mít Thái, 2 ha ổi Lê Đài Loan, 5 ha dứa, doanh thu những năm gần đây đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm. Ông Thân cho biết: Trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, bón phân hữu cơ, sản xuất an toàn sinh học... Thực tế trồng cây ăn quả trên địa bàn, cho thấy, ổi Lê Đài Loan trồng trên đất xã Thành Tâm phát triển tốt, nhiều quả và chất lượng quả tốt, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng giống ổi Lê Đài Loan, nhưng trồng ở thị trấn Vân Du (ngay kề xã Thành Tâm), thì quả ít hơn, chất lượng cũng không tốt bằng trồng ở đất xã Thành Tâm. Ông Thân đề nghị huyện, tỉnh cần nghiên cứu thổ nhưỡng và khuyến cáo rộng rãi để Nhân dân lựa chọn đất trồng cây ăn quả nào cho phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ người trồng cây ăn quả về đầu ra cho sản phẩm, giao đất ổn định lâu dài để các cá nhân, doanh nghiệp, HTX yên tâm đầu tư phát triển cây ăn quả.
Đi đôi với đó, thực hiện tốt việc cấp mã số vùng trồng cây ăn quả, nhất là các vùng trồng cây ăn quả tập trung. Mã số vùng là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm tạo thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm; đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số... Cây ăn quả là đối tượng thường có chu kỳ khai thác dài, việc thiết kế vườn cây ngay từ đầu là hết sức quan trọng để bảo đảm đủ ánh sáng cho cây quang hợp, phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của cây, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh. Chính vì vậy trên cơ sở xác định đối tượng cây trồng và đặc điểm của cây cần phải thiết kế vườn cây ngay từ đầu, theo nguyên tắc mật độ phù hợp, có đường công tác, tận dụng được hướng ánh sáng, thuận lợi tưới tiêu.
Đồng chí Trịnh Văn Chất, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, du nhập, tuyển chọn giống cây ăn quả trên địa bàn. Trước mắt phối hợp với các viện, các trung tâm sản xuất giống cây ăn quả trong nước lựa chọn, du nhập các giống tốt, cây giống tốt để sản xuất cành chiết, mắt ghép. Đồng thời, xây dựng các cơ sở nhân giống cây ăn quả, hệ thống tiêu chuẩn cây giống, từ đó hướng dẫn cho người sản xuất kỹ thuật chọn giống tốt, giới thiệu các địa điểm, cơ sở kinh doanh giống cây ăn quả có chất lượng, uy tín trong và ngoài tỉnh để Nhân dân biết, lựa chọn. Duy trì, bảo tồn các cây ăn quả đầu dòng, vườn cây đầu dòng đã được bình tuyển làm vật liệu nhân giống cho các cơ sở sản xuất cây ăn quả. Hỗ trợ kinh phí duy trì, bảo tồn và bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, ưu tiên các cây ăn quả đặc sản địa phương trên địa bàn tỉnh. Tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả theo hướng kế thừa và tổng hợp các thành tựu nghiên cứu khoa học trên từng đối tượng cây ăn quả... Ứng dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây ăn quả bảo đảm hiệu quả theo hướng an toàn thực phẩm, ưu tiên sử dụng các biện pháp sinh học, an toàn với con người và môi trường. Mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn GAP nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, tạo ra sản phẩm có chất lượng, hiệu quả. Các doanh nghiệp, HTX làm nòng cốt trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm trái cây trên địa bàn tỉnh. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến để hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất cây ăn quả, gắn sản xuất với thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị và chất lượng cây ăn quả. Xây dựng và triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả đáp ứng điều kiện phục vụ sản xuất, trọng tâm là xây dựng hệ thống nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống cây ăn quả.
Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện tốt các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về sản xuất nông nghiệp, như: Luật Trồng trọt, Luật Đất đai, Luật Khoa học công nghệ, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định liên quan. Các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, như: Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 2194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển giống nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản... Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành, như: Quyết định số 5637/2015/QÐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về chính sách khuyến khích phát triển giống cây trồng, vật nuôi, giai đoạn 2016-2020; Quyết định 5643/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết 81/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về ban hành chính sách phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020... Đồng thời, triển khai xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, khai hoang phục hóa để sản xuất cây ăn quả tập trung ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.