Để chặn hành vi trục lợi chứng khoán
Ðã khá lâu thị trường mới thấy một quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đối với doanh nghiệp niêm yết do chưa tuân thủ quy định về công bố thông tin liên quan đến sử dụng vốn huy động từ thị trường chứng khoán.
Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (TTB) bị xử phạt 225 triệu đồng, trong đó có các vấn đề liên quan đến nội dung trên.
Theo một cán bộ tham gia đoàn kiểm tra của UBCK, đây là đợt giám sát công ty đại chúng định kỳ và qua giám sát đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm liên quan đến công bố thông tin của Công ty. Ở vụ việc này, TTB đã hợp tác với cơ quan quản lý, giải trình và cung cấp các thông tin theo yêu cầu, chấp nhận lỗi sai và ký vào biên bản chịu phạt.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng hợp tác như vậy. Ở nhiều doanh nghiệp, cơ quan giám sát của UBCK gặp không ít khó khăn trong việc kiểm tra và buộc doanh nghiệp thừa nhận những vi phạm của mình. Dù khó, việc mà cơ quan quản lý làm là rà soát lại hoạt động doanh nghiệp, kiểm tra tính tuân thủ trên thị trường chứng khoán cũng tạo ra một bộ lọc, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường.
Từ khi Nghị định 60/2015/NÐ-CP được ban hành và có hiệu lực yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch việc sử dụng vốn huy động được, các nhà đầu tư được tiếp nhận rất nhiều công bố thông tin về tình hình sử dụng vốn của doanh nghiệp, đây là một dạng nghĩa vụ buộc phải thực hiện.
Thông tin này được lập chủ yếu dưới dạng báo cáo tình hình sử dụng vốn của doanh nghiệp, được kiểm toán rà soát theo cách kiểm toán kiểm tra chi tiết sự phù hợp giữa các chứng từ chi tiền với các chứng từ kế toán có liên quan như hợp đồng, hóa đơn, chứng từ, phiếu thu, phiếu chi…
Từ đó xem xét các nội dung sử dụng vốn trên các chứng từ có phù hợp với mục đích như đã công bố khi huy động vốn và tiến độ sử dụng vốn như doanh nghiệp báo cáo có phù hợp với các chứng từ chi tiền và các chứng từ kế toán có liên quan.
Chưa nói đến tính hợp pháp của các giấy tờ, chỉ cần tuân thủ những quy định pháp lý trên, ở góc độ nào đó, đã thể hiện các doanh nghiệp có sự nghiêm túc trong sử dụng vốn, nhà đầu tư có thêm thông tin về đồng vốn bỏ vào thị trường. Việc giám sát khi được thực hiện chặt chẽ có thể góp phần bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, góp phần đảm bảo cho thị trường hoạt động công bằng, hiệu quả và minh bạch, giữ được niềm tin của nhà đầu tư.
Với hàng nghìn công ty đại chúng đang hoạt động trên thị trường, mỗi năm nhà quản lý không thể giám sát được toàn bộ các doanh nghiệp. Việc thanh tra thường nhắm vào các doanh nghiệp có mức độ tăng vốn lớn, có các dấu hiệu không bình thường trong công bố thông tin, có phản ánh đề nghị từ nhà đầu tư… Song đây đều là các hoạt động được nhà đầu tư quan tâm và mong muốn cơ quan quản lý thực hiện càng nhiều càng tốt, siết chặt hơn nữa để lành mạnh hóa thị trường.
Những vụ việc tăng vốn ảo và cổ phiếu rác trên thị trường được cơ quan điều tra công bố thời gian qua liên quan đến KSA, MTM... khiến không ít thành viên thị trường giật mình khi nghĩ đến sự gian dối mà doanh nghiệp có thể sử dụng nhằm trục lợi nhà đầu tư đại chúng. Việc giám sát và xử phạt nghiêm khắc những vi phạm của DN là giải pháp cần thiết để răn đe các hành vi này tiếp tục diễn ra.
Lâu nay, thị trường vốn Việt Nam vẫn bị than phiền lệch lạc, việc huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp vẫn "đè nặng" lên vai hệ thống ngân hàng. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến đầu năm 2019, tổng tín dụng được cấp qua kênh ngân hàng đạt 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP, trong khi đó, quy mô thị trường chứng khoán mới chỉ ở mức 4,5 triệu tỷ đồng. Con số này là vốn hóa thị trường chứng khoán, còn phần vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu còn rất khiêm tốn.
Nhu cầu thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển trở thành kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế là rất cấp thiết. Song để kênh dẫn vốn này phát triển, thị trường phải xây được niềm tin của nhà đầu tư. Ðồng vốn của nhà đầu tư cần được sử dụng đúng mục đích, có khả năng sinh lời, có như vậy, nhà đầu tư mới an tâm rút những đồng vốn ngủ yên dưới gối đẩy vào doanh nghiệp.