Để cho làng, xã có đường thênh thang
Về huyện Sơn Động dịp này, nhiều người ngỡ ngàng bởi nơi đây có những con đường vừa được cứng hóa rộng, dài, uốn lượn qua đồi, qua suối, nổi bật giữa màu xanh của núi rừng. Những tuyến đường kết nối các thôn, bản vùng cao được hình thành từ ý Đảng, lòng dân.
Giải phóng "0" đồng hàng trăm nghìn m2 đất
Từ năm 2016, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 113-NQ/TU về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Do nhiều nguyên nhân nên phong trào mở rộng, cứng hóa đường giao thông tại huyện Sơn Động còn hạn chế. Để tạo cú hích về cơ sở hạ tầng, HĐND huyện ban hành Nghị quyết về hỗ trợ xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa thôn giai đoạn 2022-2025. Huyện hỗ trợ 100% vật liệu thi công gồm xi măng, cát, đá, sỏi..., các địa phương có công trình cứng hóa phải chuẩn bị mặt bằng. Huyện không có kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB), ngân sách cấp xã càng khó khăn hơn. Vì thế, giải pháp duy nhất chỉ có dựa vào dân.
Dẫn chúng tôi đi thăm những tuyến đường mới, đồng chí Ngọc Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, Tổ trưởng Tổ GPMB xây dựng các công trình tại địa bàn xã phấn khởi cho biết: "Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đạt cao song trong xã vẫn còn nhiều khu vực bị ngăn cách bởi núi đồi, suối sâu; các tuyến nhánh xương cá, bàn cờ liên thôn, xã chưa hoàn thiện. Đường đi, lối lại rất khó khăn, nhiều khu vực nhìn theo đường chim bay chỉ vài con dao quăng nhưng do thiếu đường, người dân phải đi vòng xa gấp 2-3 lần. Nếu không có người dân hiến đất, tặng cây, tạo thuận lợi trong GPMB, xã khó có thể xây dựng được công trình.
Cấp ủy, chính quyền xã Long Sơn xác định mở đường là mở hướng thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, nhận được sự ủng hộ của nhân dân, năm 2023, Long Sơn thi công 5 tuyến đường ở các thôn Tẩu, Thượng, Hạ với tổng chiều dài gần 2 km. 56 hộ dân ở các thôn có đường đi qua chặt bỏ nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, hiến tặng hàng nghìn m2 đất với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng để có mặt bằng mở rộng đường. Đáng chú ý, không ít vạt rừng đã trồng nhiều năm, nhiều vườn cây ăn quả đã cho thu hoạch, có giá trị kinh tế cao nhưng bà con vẫn sẵn sàng chặt bỏ để phục vụ thi công.
Tuyến đường từ thôn Thượng đến thôn Hạ, xã Long Sơn dài hơn 700 m, đi qua phần đất của 26 hộ. Để công trình hoàn thành, các gia đình trong thôn đã tự nguyện hiến đất, riêng hộ ông Ngọc Văn Tứ hiến 1,5 nghìn m2 đất sản xuất nông, lâm nghiệp và hàng trăm cây keo trị giá gần 100 triệu đồng để mở đường.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 cũ, với những đồ đạc đơn sơ, không có gì giá trị, ông Tứ hào hứng nói về con đường mới cạnh nhà: “Có đường mới, gia đình mình được hưởng lợi nhiều. Nông, lâm sản làm ra, con lợn, con gà nuôi được có xe vào tận nơi thu mua, không lo bị ép giá; đi lại thuận lợi, an toàn hơn trước…”. Được biết, vợ và con ông Tứ cũng đồng thuận việc hiến đất cho thôn, xã làm đường. Tiếp chuyện cùng chồng, bà Ngọc Thị Thuyên, vợ ông Tứ còn ngỏ ý với lãnh đạo xã về việc sẵn sàng hiến tiếp hàng trăm m2 đất để mở rộng đường ngõ trước nhà.
Chung suy nghĩ như vợ chồng ông Tứ, ông Hoàng Văn Chiến (78 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Đồng Làng, xã Dương Hưu cũng tình nguyện chặt gần nửa đồi keo (với hơn 1 nghìn cây gần 2 năm tuổi) tổng giá trị hơn 100 triệu đồng để xã làm đường.
Dẫn chúng tôi ra thăm con đường mới mở qua đất nhà mình, chỉ vào đồi keo bị bạt phân nửa, thay vào đó là con đường rộng thênh thang, ông Chiến nói: “Quả đồi này, cứ 5 năm 1 lần cho gia đình tôi thu hoạch khoảng 400 triệu đồng. Vì thế, khi thôn, xã vận động hiến đất làm đường, tôi cũng băn khoăn lắm. Nhưng nghĩ lại, hồi kháng chiến (ông Chiến vốn là lính thuộc một đơn vị tăng thiết giáp trong kháng chiến chống Mỹ), để giúp bộ đội đưa xe tăng vào chiến trường, nhiều người dân đã phá nhà cửa để có đường cho xe qua…. Giờ hiến đất mở đường cũng là việc lợi nhà, ích cho xã hội, cho đời sau nên tôi không đắn đo nữa”.
Từ suy nghĩ ấy, ông Chiến đồng ý hiến gần nửa đồi keo 2 năm tuổi cho địa phương mở đủ con đường nối từ thôn Đồng Làng đến thôn Mục (dài khoảng 2,6 km). Từ việc nêu gương của ông Chiến, nhiều hội viên cao tuổi, là người dân tộc thiểu số như: Bà Chu Thị Mai, dân tộc Nùng; ông Nguyễn Văn Ngọc, ông Nguyễn Văn Vũ, cùng dân tộc Tày cũng tự nguyện cắt vài nghìn m2 đất đồi, bãi của gia đình cho dự án thi công, sớm đưa vào sử dụng. Thông tin từ Ban Quản lý thôn Đồng Làng, cùng với ông Chiến còn có 14 hộ trong thôn hiến khoảng 10 nghìn m2 đất để làm đường.
Đất rừng đã vậy, đất thổ cư khu vực đô thị có giá trị cao cũng được bà con “xắn” ra để ủng hộ chủ trương mở rộng các tuyến đường. Thị trấn An Châu là một trong những địa phương có phong trào hiến đất mở rộng ngõ hẻm, chỉnh trang đô thị mạnh mẽ. Tính từ năm 2022 đến nay, tại đây có hơn 1 nghìn hộ dân tự nguyện hiến gần 48 nghìn m2 đất các loại, trong đó hơn 11 nghìn m2 đất thổ cư, số tiền ước tính khoảng 165 tỷ đồng. Nổi bật trong danh sách hiến đất đợt này có thương binh Vi Văn Lẹm, tổ dân phố số 5, hiến 258 m2 đất thổ cư, trị giá gần 1,7 tỷ đồng để làm đường giao thông liên xã, thị trấn.
Cán bộ sát sao, vì lợi ích chung
Lãnh đạo một số xã, thị trấn ở Sơn Động chia sẻ, nghe chuyện mở đường mới bà con rất phấn khởi nhưng được vận động cắt một phần đất để làm đường thì không phải ai cũng sẵn lòng. Vì thế, công tác tuyên truyền phải luôn đi trước một bước, theo hướng mưa dầm thấm lâu, kiên trì, khéo léo, mềm dẻo, linh hoạt. Thường thì trước khi dự án triển khai 6 tháng đến một năm, lãnh đạo các địa phương đã tổ chức thông tin chủ trương, chính sách đến từng gia đình; tổ chức kiểm đếm xác định chính xác diện tích, tài sản trong diện phải thu hồi.
Các bước đều tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, các hộ dân được bàn, được biết và tham gia ý kiến. Chính quyền các xã, thị trấn phân loại các hộ liên quan thuộc diện GPMB theo nhóm: Người có uy tín, cựu chiến binh, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, neo đơn, hộ dân tộc thiểu số để có phương án phân công, bố trí cán bộ tuyên truyền, vận động; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ để có hướng giải quyết phù hợp.
Đồng chí Trần Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy thị trấn An Châu nói: “Đi lần một không được thì lần 2, lần 3... Khó quá thì trực tiếp các đồng chí bí thư, chủ tịch, trưởng các đoàn thể, người có uy tín đến tận nhà vận động”. Liên quan đến dự án mở rộng đường nội thị tại tổ dân phố Phe có hai hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo là bà La Thị Thảo, và bà Nông Thị Dinh. Nhiều năm qua, nhà ở của hai hộ này đã xuống cấp, xập xệ.
Phong trào hiến đất làm đường đã góp phần làm thay đổi diện mạo huyện vùng cao Sơn Động. Với những đóng góp tiêu biểu trong phong trào, 42 hộ dân tại thị trấn An Châu và các xã: Dương Hưu, Long Sơn, Tuấn Đạo, Lệ Viễn, Vĩnh An được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ngoài ra, còn hàng nghìn hộ khác được UBND huyện Sơn Động và các xã, thị trấn biểu dương, khen thưởng.
Khi cán bộ thị trấn đến vận động, bà Thảo, bà Dinh đều tự nguyện hiến vài chục m2 mà không đòi hỏi bồi thường.
Chia sẻ khó khăn với các gia đình, chính quyền địa phương giao cho Chi hội Phụ nữ quan tâm hỗ trợ bà Thảo, bà Dinh làm thủ tục vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện cả hai gia đình đều đang xây mới nhà ở.
Sự tận tình, sát sao, trách nhiệm của cán bộ sở tại đã xóa bỏ được những băn khoăn, vướng mắc, khơi dậy sức dân, tạo thuận lợi cho việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường. Nhờ đó, vùng cao Sơn Động ngày càng có nhiều đường mới rộng thênh thang.
Đồng chí Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Việc mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông là “đòn bẩy” giúp địa phương phát triển, phấn đấu ra khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025. Mấy năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 5%/năm, vượt mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2022-2025, huyện sẽ tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ các địa phương nâng cấp, mở rộng các tuyến đường. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện cứng hóa 100% đường huyện, xã, 80% đường thôn, 60% đường nội đồng.
Bài, ảnh: Thùy Ninh - Mai Toan