Để công nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Không thể phủ nhận nông nghiệp và dịch vụ đang là hai thế mạnh lớn nhất, đồng thời cũng đem đến cho Lâm Đồng phần lớn nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2025 và khá toàn diện vào năm 2030, cân đối được ngân sách, có đóng góp cho Nhà nước, thì việc phát triển công nghiệp có lựa chọn, có giá trị tăng cao, thân thiện với môi trường vẫn là yếu tố then chốt mang tính quyết định. Không phải là những ưu đãi về thuế hay đất đai như trước đây, cải thiện môi trường kinh doanh mới là 'chìa khóa' mở ra cánh cửa thu hút đầu tư trực tiếp từ các nguồn vốn vào địa phương.

Bài 1: Môi trường đầu tư - “chìa khóa” cho sự phát triển

Với những ưu thế sẵn có, Lâm Đồng đang thay đổi môi trường đầu tư kinh doanh, tạo ra nguồn thu ngân sách bền vững từ công nghiệp. Qua đó, đầu tư cho giáo dục, y tế, nhân lực và các dịch vụ công thiết yếu khác để thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập, đời sống của người dân ở các vùng miền, sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong nhiệm kỳ và tỉnh phát triển khá toàn diện, cân đối được ngân sách, có đóng góp cho Nhà nước như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

KCN Lộc Sơn đã được lấp đầy diện tích giai đoạn 1

KCN Lộc Sơn đã được lấp đầy diện tích giai đoạn 1

Dù đã có nhiều quyết sách thay đổi giúp Lâm Đồng thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tuy nhiên, với nhiều yếu tố khách quan, công nghiệp Lâm Đồng vẫn chỉ nằm ở trạng thái “nửa chừng xuân”, theo kiểu “ngó lên cũng chẳng bằng ai, trông xuống cũng không ai bằng mình”. Chiếu theo quan điểm đó, có nghĩa nhìn vào những “ông lớn” ở khu vực Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương hay ở khu vực Nam Trung Bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi... thì Lâm Đồng không “có cửa” để so sánh. Nhưng nếu lấy các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên hoặc một số địa phương lân cận khác thì nguồn thu xấp xỉ 1.000 tỷ mỗi năm chỉ tính ở hai khu công nghiệp Phú Hội và Lộc Sơn thì Lâm Đồng lại có quyền tự hào ở mức trung bình khá.

Nông nghiệp là thế mạnh, du lịch là thương hiệu, tuy nhiên về lâu dài hai lĩnh vực quan trọng này của Lâm Đồng không thể tạo ra những bước đột phá về nguồn thu ngân sách. Thực tế cũng đã chứng minh, không có bất cứ một quốc gia, hay một địa phương nào ở trong nước có được bước đột phá, thay đổi nhanh chóng hay phát triển ngoạn mục nếu chỉ dựa trên hai lĩnh vực này. Nông nghiệp và du lịch có thể đem lại đời sống ổn định, phần nào đó là thu nhập cao cho một bộ phận người dân, tuy nhiên, để có đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước chắc chắn là không thể. Nếu không có những đột phá và thay đổi về chính sách đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển, Lâm Đồng rất dễ rơi vào tình trạng “tỉnh nghèo - dân giàu”. Với giá trị về đất đai lớn, có thể mang lại cho người nông dân Lâm Đồng đời sống khấm khá, nhưng để đóng góp cho ngân sách nhà nước lại rất hạn chế. Bởi nhìn trên phương diện tổng quát, thu nhập của người sản xuất nông nghiệp chỉ có thể đóng góp gián tiếp mà không thể trực tiếp cho ngân sách nhà nước một nguồn thu lớn.

Mỗi một địa phương nếu không có nguồn thu ngân sách lớn, không tự cân đối được ngân sách, hoàn toàn dựa vào sự điều phối của Trung ương mà không có sự đóng góp cho Nhà nước sẽ dễ rơi vào trạng thái bị động trong mọi giai đoạn phát triển. Đó là chưa kể trong những thời điểm nền kinh tế và đời sống xã hội bị chi phối, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và những tác động tiêu cực khách quan khác.

Bài toán trên sẽ chỉ có lời giải khi Lâm Đồng thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Khẳng định điều đó, bởi dù là một địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với nguồn thu từ một đơn vị diện tích đất sản xuất luôn nằm trong top đầu của cả nước, nhưng hiện tại, cả tỉnh lại không có một doanh nghiệp lớn hay một tập đoàn đa quốc gia nào thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến hiện diện.

Theo ông Đỗ Xuân Kiên - Phó Trưởng ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện tại tỉnh có hai khu công nghiệp (KCN) lớn, đó là Phú Hội (huyện Đức Trọng) với 109 ha, thành lập gần 13 năm và KCN Lộc Sơn (TP Bảo Lộc) với 183 ha, thành lập cách đây 15 năm. Diện tích các KCN đã được lấp đầy, khái niệm lấp đầy ở đây được hiểu theo từng giai đoạn. Đối với giai đoạn 1, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng và tỉnh đã giao đất. Tuy nhiên, hiện nay ở các KCN vẫn còn những khoảng đất trống là bởi hai năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên việc xây dựng nhà máy của các doanh nghiệp vẫn có những khoảng trễ bởi phải đầu tư theo từng giai đoạn. Phần nữa, vẫn có một số doanh nghiệp cố tình chậm trễ bởi họ chờ đợi để chuyển đổi mục đích hoặc tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đây cũng là tình trạng chung của các KCN trong cả nước và Chính phủ cũng đã có ý kiến về tình trạng đất trống ở các KCN. Nếu doanh nghiệp nào không triển khai theo đúng thời gian quy định, bắt buộc phải thu hồi, tuy nhiên cái khó là thu hồi cũng phải theo quy trình, theo những quy định của pháp luật”.

“Dù có diện tích nhỏ, nhưng nguồn thu ngân sách từ các KCN lại mang đến nhiều tín hiệu khả quan. Với xấp xỉ gần một 1.000 tỷ, nguồn thu này chỉ chiếm khoảng 1/10 ngân sách của tỉnh, nhưng giá trị ở chỗ, đây hoàn toàn lại là thuế phí. Bởi thuế phí của cả tỉnh chỉ rơi vào khoảng 5.200 tỷ, có nghĩa nguồn thu của từ các KCN đã chiếm tới 1/5 thuế phí của cả tỉnh. Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan cần phải duy trì và vượt mức thu này. Dù bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những tác động khách quan, tuy nhiên, theo tình hình thực tế và tiến độ, năm nay nguồn thu này sẽ đạt và có thể vượt”, ông Đỗ Xuân Kiên cho biết thêm.

(CÒN NỮA)

TUẤN LINH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/de-cong-nghiep-thuc-su-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-3074254/