Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh Bắc Kạn (13/4/1947 – 13/4/2022)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; vai trò của LLVT kết hợp với sức mạnh tổng hợp phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân cả nước đã làm nên cách mạng Tháng Tám thành công; chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, đã mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc ta.
Song, với bản chất hiếu chiến, chủ nghĩa thực dân cũ dã tâm quay lại xâm lược nước ta lần thứ 2 nhằm xóa bỏ chính quyền non trẻ mới ra đời. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; Nhân dân ta nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước yêu cầu ngày càng phát triển của cuộc kháng chiến, Đảng ta đã chủ trương thành lập các Tỉnh đội Bộ dân quân ở các địa phương làm tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cơ sở tổ chức xây dựng lực lượng, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Thực hiện Chỉ thị của Chính Phủ và Thông tư của Bộ Quốc phòng, ngày 13/4/1947 tại đồi Độc Lập, thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn), Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bộ dân quân tỉnh Bắc Kạn được thành lập (nay là Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn) do đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ- Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được bổ nhiệm làm Tỉnh đội trưởng kiêm Chính trị viên Tỉnh đội; đồng chí Triệu Văn Tịnh được bổ nhiệm Tỉnh đội phó phụ trách xây dựng lực lượng.
Sự ra đời của cơ quan Tỉnh đội Bộ dân quân đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của LLVT tỉnh nhà. Từ đây Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có cơ quan tham mưu phụ trách công tác quân sự địa phương, giúp cấp ủy, chính quyền củng cố và phát triển lực lượng, xây dựng các kế hoạch tác chiến, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu và hoạt động quân sự của địch, làm nòng cốt trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Nhân dân giao phó, Tỉnh đội Bộ dân quân Bắc Kạn đã bắt tay ngay vào việc củng cố, tổ chức xây dựng lực lượng. Đến giữa năm 1947, toàn tỉnh đã xây dựng được 17 đại đội dân quân, du kích với 1.500 cán bộ, chiến sĩ, được trang bị vũ khí tương đối đầy đủ, chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ kháng chiến. Sự phát triển cả về tổ chức và xây dựng lực lượng, đã góp phần bẻ gãy “gọng kìm” của thực dân Pháp tiến công lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, làm nên chiến thắng Thu - Đông năm 1947, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan trọng yếu trên địa bàn Bắc Kạn.
Chiến công nối tiếp chiến công, bằng sự mưu trí, sáng tạo, phát huy lợi thế vùng núi non hiểm trở trên địa bàn, Tỉnh đội Bộ dân quân đã lãnh đạo, chỉ huy lực lượng quân sự, du kích phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, tổ chức nhiều trận phục kích, tập kích làm cho quân Pháp ăn không ngon, ngủ không yên, hành quân không đến được địa điểm, gây tổn thất lớn cho quân địch như các trận phục kích ở Cao Kỳ, cầu Ổ Gà, Yên Đĩnh (Chợ Mới); Nà Đinh, Nà Mày (Chợ Đồn); đặc biệt là nhiều trận phục kích trên Đèo Giàng (Bạch Thông)… đã làm cho quân Pháp kinh hoàng, bạt vía. Cùng với các trận phục kích là các trận quấy rối, cường tập, mật tập ở khắp các vị trí đóng quân của thực dân Pháp với quy mô từ nhỏ đến lớn, từ quấy rối để trinh sát đến đánh công kích bằng hỏa lực; tiêu biểu là trận đánh tại đồn Phủ Thông, là lần đầu tiên Quân đội ta sử dụng lực lượng cấp tiểu đoàn để đánh địch; một lần nữa chúng ta lại làm cho quân Pháp khốn đốn buộc phải co cụm lại một số điểm và sau đó phải rút khỏi Bắc Kạn ngày 09/8/1949.
Đến ngày 24/8/1949, tại sân bay Cầu Phà Bắc Kạn, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh tổ chức mít tinh chào mừng tỉnh Bắc Kạn được giải phóng. Đây là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến của dân tộc, một thị xã quan trọng được giải phóng, đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của LLVT cả nước nói chung, LLVT tỉnh Bắc Kạn nói riêng, là tỉnh đầu tiên trong cả nước được giải phóng, từ đây Bắc Kạn trở thành hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Tin tưởng vào lòng dân, vào LLVT, vào sự che chở đùm bọc của đồng bào các dân tộc và núi rừng Việt Bắc; Bắc Kạn đã trở thành căn cứ địa cách mạng của Đảng, Bác Hồ, các cơ quan Trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến. Sau khi được giải phóng, LLVT tỉnh Bắc Kạn lại cùng đồng bào các dân tộc bắt tay vào tiến hành củng cố địa phương, tiêu diệt thổ phỉ, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng. Các địa danh như: Đồi Nà Pậu, Bản Ca nơi Bác Hồ ở và làm việc, Khuổi Lim, Nà Quân căn cứ của Trung ương Đảng; Bản Bẳng nơi làm việc của các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái… hay đồi Khau Mạ nơi làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng Chính Phủ, luôn được an toàn tuyệt đối. Chính từ nơi đây nhiều chủ trương, đường lối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được truyền đi khắp mọi miền của Tổ quốc.
Khi tỉnh nhà trở thành hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, LLVT tỉnh lại đứng trước những thử thách và nhiệm vụ lớn hơn, nặng nề hơn; đó là vừa phải ổn định sản xuất cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, vừa phải thực hiện nhiệm vụ tiễu phỉ đưa lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân, và vừa đảm bảo con đường huyết mạch số 3 - con đường chính chi viện cho chiến trường biên giới đang ngày đêm bị địch đánh phá. Hơn 500 tên phỉ được Pháp nuôi dưỡng, cung cấp vũ khí, chúng đang ngày đêm hoành hành, cướp phá khu vực phía Bắc Ba Bể, giết hại đồng bào hòng cướp lại chính quyền. Nhiệm vụ của LLVT tỉnh được đặt ra là phải chiến đấu bảo vệ chính quyền, bảo vệ Nhân dân; nhiều cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã chiến đấu, hy sinh anh dũng, tiêu biểu là chiến sĩ du kích: Nguyễn Văn Y (Đại đội Ba Bể) đã cướp súng giặc, giết giặc tại Phủ Thông, khi tiễu phỉ, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại xã An Thắng (Pác Nặm), tấm gương của anh đã được Nhân dân xã An Thắng lấy tên Văn Y đặt cho xã mình, Tỉnh đội Bộ dân quân Bắc Kạn đã lấy tên liệt sĩ Nguyễn Văn Y đặt cho Trường Huấn luyện quân sự tỉnh. Các địa danh cầu Ổ Gà, cầu Phà Bắc Kạn, Đèo Giàng… nơi diễn ra những trận phục kích lớn mang lại chiến thắng to lớn, thì đấy chính là những trọng điểm bắn phá của máy bay địch, hòng ngăn chặn sự tiếp tế của ta. Nhưng bom đạn địch không thắng nổi ý chí, tinh thần, nghị lực của Nhân dân ta. Chỉ tính riêng phục vụ Chiến dịch Biên giới năm 1950, Nhân dân Bắc Kạn đã góp 12.796.900 đồng và 610 tấn thóc, LLVT tỉnh đã cùng Nhân dân sửa được 275km mặt đường, 150 chiếc cầu với tổng chiều dài 1.267m. Do làm tốt công tác cầu, đường, bảo đảm giao thông, quân và dân Bắc Kạn đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 3 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua danh dự.
Rất vinh dự cho quê hương Bắc Kạn và là niềm tự hào của thanh niên cả nước nói chung, thanh niên Bắc Kạn nói riêng, ngày 28/3/1951 Bác Hồ đến thăm lực lượng thanh niên xung phong đơn vị 312 làm đường bên cầu Nà Cù (xã Cẩm Giàng- Bạch Thông), Người đã tặng 4 câu thơ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lập biển
Quyết chí ắt làm nên”.
Bốn câu thơ của Bác đã trở thành phương châm hành động của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, động viên khích lệ quân và dân Bắc Kạn quyết tâm vượt qua mọi gian nan thử thách bằng chính sức lực của mình, tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến. Niềm tin đó đã tiếp sức cho LLVT tỉnh tích cực củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất ổn định đời sống, tiếp tục chi viện mọi mặt cho chiến trường với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, LLVT tỉnh Bắc Kạn đã huy động được 4.789kg thực phẩm, 992 cán bộ, chiến sĩ, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi; Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, đi lên xây dựng CNXH. Miền Nam tạm thời dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Nhận thức đúng đắn về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta là: Xây dựng CNXH ở Miền Bắc, đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam. Quán triệt sâu sắc đường lối lãnh đạo của Đảng, nắm rõ thực tiễn công tác quốc phòng - quân sự của địa phương và tình hình kinh tế - xã hội. Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bộ dân quân đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác xây dựng lực lượng dân quân, du kích, phát triển kinh tế - xã hội, tích cực tham gia vào các công trình kinh tế quốc phòng, giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống…
Chỉ tính trong năm 1955, Tỉnh đội Bộ dân quân đã huy động được 2.421 dân công sửa chữa đường từ thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông) đi thị trấn Chợ Rã (Ba Bể); tham gia xây dựng đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, làm kè sông Cầu và xây dựng kho tàng của Chính phủ. Đặc biệt trong đợt lũ tháng 6 năm 1956, đã huy động 187 cán bộ, chiến sĩ tham gia chống lũ cùng Nhân dân, cứu sống được 29 trẻ em, giữ được nhiều tài sản có giá trị. Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự ban hành tháng 4/1960, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bộ dân quân đã làm tốt công tác đăng ký và đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho Nhân dân hiểu rõ mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về gọi thanh niên nhập ngũ theo chế độ nghĩa vụ quân sự. Đồng thời cùng với đồng bào các dân tộc trên địa bàn làm tròn trách nhiệm của hậu phương lớn, đối với tiền tuyến lớn, ngoài việc củng cố, xây dựng lực lượng, tuyển gọi thanh niên nhập ngũ, tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến, LLVT và đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, củng cố bảo vệ hậu phương vững chắc, đồng thời làm thất bại âm mưu xâm lược, phá hoại của địch. Ngày 04/9/1963 đế quốc Mỹ đã thả 1 toán biệt kích xuống cánh đồng Nà Hái, Nà Phải thuộc xã Chiến Thắng (nay là thị trấn Phủ Thông), huyện Bạch Thông gồm 06 tên. Nhưng chúng không ngờ bằng sự cảnh giác sẵn sàng chiến đấu của Nhân dân và LLVT tỉnh Bắc Kạn, chỉ sau 64 tiếng đồng hồ, toán biệt kích đã bị ta tiêu diệt và bắt sống.
Sau thất bại liên tiếp trên các chiến trường Miền Nam, đế quốc Mỹ đã leo thang bắn phá Miền Bắc bằng không quân, hải quân hòng cứu vãn tình thế, khiến cho chiến tranh ngày càng lan rộng trên khắp Miền Bắc. Trong tình thế chung ấy, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân khu trong tình hình mới, ngày 21/4/1965 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định hợp nhất 2 tỉnh Bắc Kạn – Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Theo đó ngày 04/6/1965 Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Tỉnh đội Bắc Thái. Từ đây lực lượng vũ trang Bắc Thái cùng chung sức bảo vệ bầu trời, bảo vệ Nhân dân và thực hiện nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Chiến công đầu tiên của quân và dân Bắc Thái mở màn cho hàng loạt các chiến công khác đó là việc bắn rơi chiếc máy bay Mỹ vào ngày 05/9/1965 trên địa bàn xã Xuất Hóa, huyện Bạch Thông (nay là phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn) và là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên địa bàn Quân khu. Với chiến công đó quân và dân trong tỉnh đã vinh dự được đón nhận Cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Hồ Chủ tịch. Chiến công đầu đánh thắng giặc Mỹ đã làm nức lòng quân và dân trong tỉnh, càng hăng hái thi đua chiến đấu bảo vệ trật tự trị an, tích cực khắc phục hậu quả đánh phá của địch, tiêu diệt nhiều máy bay, bảo vệ vững chắc vùng trời, góp phần cùng cả nước đánh bại cuộc leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc Kạn đã động viên được 8.029 thanh niên lên đường đánh giặc. Nhiều đồng chí là con em đồng bào các dân tộc Bắc Kạn đã lập công xuất sắc, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT có 3 đồng chí: Nguyễn Văn Tấn, Hà Văn Vấn, và Liệt sĩ Nguyễn Văn Thoát. Có 2.121 liệt sĩ là con em đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã anh dũng hy sinh góp phần giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân. Sự hy sinh của các chiến sĩ mãi mãi là niềm kiêu hãnh, tự hào, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ các thế hệ nối tiếp hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ghi nhận những công lao đóng góp của quân và dân Bắc Kạn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng cho quân, dân Bắc Kạn Huân chương Hồ Chí Minh, 01 Huân chương Quân công hạng Nhất, 02 Huân chương độc Lập hạng Nhì, trên 8.700 huân, huy chương kháng chiến các loại tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Đại thắng mùa xuân năm 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; non sông đất nước được thu về một mối, thỏa lòng mong ước của Nhân dân hai miền Bắc – Nam và Bác Hồ kính yêu. Cả nước đi lên xây dựng CNXH với hai nhiệm vụ chiến lược là: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, LLVT tỉnh Bắc Kạn lại cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, giải quyết chính sách hậu phương quân đội, điều chỉnh lực lượng, xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ khă năng SSCĐ; phát huy truyền thống vẻ vang qua các cuộc kháng chiến, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; cùng quân, dân cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước, LLVT tỉnh Bắc Kạn luôn tỏ rõ sự vững vàng về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; tập trung xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thị xã (nay là thành phố) vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết của Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX ngày 06/11/1996 về việc tách Tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên; ngày 01/01/1997 tỉnh Bắc Kạn được tái lập. Theo Quyết định số 2683/QĐ-QP ngày 26/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn được thành lập. Kế thừa và phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống vẻ vang của LLVT nhân dân trong suốt chặng đường kháng chiến gian khổ. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tổ chức biên chế… Song, LLVT tỉnh Bắc Kạn được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội, và tình thương yêu đùm bọc của quần chúng nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Cấp ủy, chỉ huy cơ quan quân sự các cấp đã luôn làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của trên, cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả về nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Làm tốt công tác giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng đạt kết quả tốt; hàng năm hoàn thành chỉ tiêu công tác tuyển quân; chủ động bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quân sự địa phương; phối hợp tham gia thực hiện có hiệu quả xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh ở địa phương.
Duy trì nghiêm túc các chế độ SSCĐ; phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình; làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị – TTATXH, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt phương châm huấn luyện, không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng huấn luyện, hằng năm đều hoàn thành kế hoạch, nội dung chương trình huấn luyện đề ra; kết quả huấn luyện hằng năm lực lượng thường trực đạt giỏi, DQTV, DBĐV đạt khá. Đã kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện chấp hành nghiêm kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, đổi mới phương pháp, tác phong công tác, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được nâng lên. Đặc biệt thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tốt các cuộc diễn tập KVPT tỉnh, huyện, thành phố; diễn tập chiến đấu phòng thủ và phòng thủ dân sự xã, phường, thị trấn đạt 100% kế hoạch. Qua đó tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng KVPT vững chắc, nâng cao khả năng SSCĐ của LLVT trong xử lý các tình huống góp phần quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố ngày càng vững chắc.
Chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT tỉnh được nâng lên, 100% cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của cấp trên, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt. Các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng luôn được kiện toàn, phát huy tốt chức năng, bảo đảm thực hiện tốt dân chủ trên các lĩnh vực, cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, yên tâm gắn bó xây dựng đơn vị, xây dựng địa phương, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Chú trọng xây dựng cấp ủy, chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm tốt công tác kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên, quan tâm chăm lo, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới.
LLVT tỉnh luôn chủ động, tích cực triển khai thực hiện công tác bảo đảm hậu cần, động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy tiềm năng, thế mạnh của đơn vị, địa phương, tự lực, tự cường khắc phục mọi khó khăn ổn định nơi ăn, ở, sinh hoạt. Thường xuyên bảo đảm lượng hậu cần dự trữ phục vụ cho nhiệm vụ SSCĐ và hoạt động thường xuyên của đơn vị. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra. Xây dựng doanh trại chính quy “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Xây dựng các dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc đạt hiệu quả, tổ chức tăng gia chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá trị thu hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng, góp phần thiết thực nâng cao đời sống của bộ đội. Công tác kỹ thuật đã thường xuyên thực hiện tốt chế độ bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất đúng quy định, bảo đảm tốt hệ số kỹ thuật, tích cực sửa chữa vừa và nhỏ, xây dựng củng cố hệ thống kho tàng, thực hiện tốt các phương án phòng chống cháy nổ, thiên tai bão lũ bảo đảm an toàn về vũ khí trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ SSCĐ và huấn luyện của LLVT tỉnh.
Đồng thời thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Quân khu và tỉnh về công tác tuyên truyền vận động Nhân dân trên địa bàn, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường xây dựng cơ sở chính trị vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, tham gia xóa đói, giảm nghèo, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn “DBHB”, “BLLĐ” của địch; bài trừ các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu, đấu tranh với các hoạt động truyền đạo trái phép… Tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt các cuộc vận động do trên phát động như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường tiềm lực để củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong 75 năm qua, LLVT tỉnh Bắc Kạn luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận công lao đóng góp to lớn ấy, Nhân dân và LLVT tỉnh Bắc Kạn cùng 6/8 huyện, thị xã (nay là thành phố), 38/122 xã, phường, thị trấn và 03 cá nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, 98 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, và hàng vạn các huân - huy chương được tặng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Đặc biệt từ khi tái lập tỉnh, đứng trước nhiều thời cơ và vận hội lớn đồng thời đan xen những nguy cơ thách thức, song LLVT tỉnh luôn tỏ rõ sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, ra sức xây dựng LLVT tỉnh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thành tích đó đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 1998; được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua năm 2010 năm 2011; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2012, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen năm 2017; Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua năm 2018, 2019; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng nền Quốc phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019 (năm 2021) và nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng, chiến sĩ thi đua.
Kết quả trên phản ánh sự nỗ lực cố gắng của quân và dân Bắc Kạn, thể hiện rõ ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đoàn kết kỷ luật, chấp hành nghiêm túc đường lối lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Suốt chặng đường lịch sử 75 năm (13/4/1947 - 13/4/2022) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT tỉnh Bắc Kạn là bản hùng ca, là động lực sức mạnh tiếp sức cho lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh không ngừng thi đua học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị, nguyện đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm sử vàng truyền thống và phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân các dân tộc trên quê hương cách mạng anh hùng./.