Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2019, do nhiều nguyên nhân gồm cả khách quan lẫn chủ quan, các dự án đầu tư công ở TP Hồ Chí Minh chưa đạt hiệu quả và tiến độ giải ngân như mong muốn. Vì vậy, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình hình trong thời gian tới…
Tại TP Hồ Chí Minh có 10 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA (được thành phố theo dõi) đang triển khai thực hiện. Theo thống kê của UBND thành phố, vốn vay ODA giải ngân trong năm 2019 đạt 93,27% kế hoạch vốn được giao, tuy nhiên trong đó tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đối ứng chỉ đạt 81,66% kế hoạch vốn được giao.
Một lĩnh vực quan trọng là hạ tầng giao thông có tỷ lệ giải ngân thấp, chỉ đạt 87% (với nguồn ODA) và 77,3% (với nguồn vốn đối ứng). Đặc biệt, Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) có tỷ lệ giải ngân khá thấp, chỉ đạt gần 52% (với vốn ODA) và 10,53% (vốn đối ứng) kế hoạch vốn được giao năm 2019.
Theo giám sát của HĐND thành phố Hồ Chí Minh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2019, tình hình thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ cũng có kết quả thấp. Trong năm 2019, tỷ lệ giải ngân vốn đến tháng 11 chỉ đạt 18 tỷ đồng, bằng 1,29% kế hoạch vốn được giao.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, đến hết ngày 31-12-2019, tổng lượng vốn giải ngân thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2019 đạt 85% kế hoạch vốn được giao, trong đó, vốn trung ương đạt 84% kế hoạch, vốn ngân sách thành phố đạt 85% kế hoạch. Căn cứ hồ sơ về khối lượng hoàn thành và báo cáo của các đơn vị, Kho bạc Nhà nước TP Hồ Chí Minh dự báo kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công cả năm 2019 (tính theo niên độ tài chính đến hết ngày 31-1-2020) là đạt 24.617 tỷ đồng, bằng 93,6% kế hoạch; trong đó, dự kiến vốn trung ương đạt 98%, vốn ngân sách thành phố đạt 93% kế hoạch.
Thực tế cho thấy, kết quả giải ngân các tháng không đồng đều, tỷ lệ cao chủ yếu tập trung vào các tháng cuối năm. Bên cạnh các yếu tố khách quan, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân là do việc đăng ký nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực hiện; chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định; công tác thiết kế, thi công, mời, tổ chức đấu thầu và việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa bảo đảm tiến độ đã được phê duyệt…
Năm 2020, TP Hồ Chí Minh tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách cả năm từ 90% trở lên. Để kết quả thực tế đạt được như mong muốn, cần sự nỗ lực tự thân của từng đơn vị; sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Theo đó, các chủ đầu tư, nhà thầu cần nâng cao trách nhiệm thực hiện công tác quyết toán theo quy định đối với dự án đã hoàn thành. Những dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020, các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu. Đối với các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020, các chủ đầu tư tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý; nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán cho các nhà thầu.
Những dự án khởi công mới, các chủ đầu tư khẩn trương lập hồ sơ thiết kế và dự toán theo đúng quy định; phê duyệt và lựa chọn nhà thầu để sớm thi công; phối hợp các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Với dự án chuẩn bị đầu tư, căn cứ chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư được giao, các cơ quan, đơn vị chủ chương trình, chủ đầu tư khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng thời gian, trình tự và thủ tục quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các nghị định liên quan…
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất, cần phải tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ nhằm bảo đảm thời gian thực hiện đúng như chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công nhằm góp phần đưa hoạt động đầu tư công thực hiện có hiệu quả, bảo đảm đúng quy định.
Các chủ đầu tư phải theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án, kiên quyết đề xuất điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để kiến nghị điều chuyển sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm hoặc dự án đã có khối lượng hoàn thành, tránh để việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn vào cuối năm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2020.
Các sở quản lý chuyên ngành, UBND các quận, huyện định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư thuộc phạm vi quản lý; kịp thời chấn chỉnh các sai sót, xử lý vi phạm nếu có; có biện pháp xử lý kịp thời nguyên nhân chậm giải ngân, quyết toán dự án…