Để doanh nghiệp làm thật không chết từ trong 'trứng nước'

Từ câu chuyện về nghi vấn gian lận xuất xứ của Asanzo, hàng loạt câu hỏi được đặt ra, như: doanh nghiệp Việt Nam liệu có bao nhiêu sự lựa chọn về nguồn nguyên liệu giá rẻ nếu không nhập từ Trung Quốc? Có bao nhiêu động lực và cơ hội để minh bạch xuất xứ?...

TBKTSG đã đặt những câu hỏi này với ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch Công ty cổ phần May Sơn Việt.

 Dệt may là một trong những ngành nhập nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Ảnh: Hùng Lê

Dệt may là một trong những ngành nhập nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Ảnh: Hùng Lê

TBKTSG: Nhìn ở tất cả các ngành sản xuất, dường như doanh nghiệp Việt Nam gần như không có lựa chọn nào khác nếu không nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Ông có thấy như vậy không?

 Ông Hà Xuân Anh.

Ông Hà Xuân Anh.

- Ông Hà Xuân Anh: Đó là thực trạng không thể chối cãi. Nền sản xuất yếu kém, chủ yếu là gia công lắp ráp, lại không có ngành công nghiệp phụ trợ nên các doanh nghiệp đang phải nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên vật liệu đầu vào.

Và đa phần chúng ta đang phải nhập từ Trung Quốc, từ nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, chất dẻo, cao su, gỗ và hóa chất đến nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu như bông, vải, da, linh kiện điện tử...

Nguyên nhân thì rất đơn giản. Trung Quốc gần Việt Nam nên việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng và chi phí thấp. Quan trọng không kém là hàng hóa từ Trung Quốc rất phong phú, đa dạng và giá rẻ, nên nếu chuyển sang nhập khẩu từ các nước khác thì doanh nghiệp sẽ phải đối mặt ngay tới vấn đề mang tính sống còn đó là giá thành sản phẩm sẽ đội lên cao, mất khả năng cạnh tranh.

Đó là lý do doanh nghiệp đang phải chấp nhận phụ thuộc vào Trung Quốc dù rất rủi ro, nhất là khi Trung Quốc có những điều chỉnh về chính sách thương mại.

TBKTSG: Như vậy có thể nói, nhà nhà nhập khẩu, người người sử dụng nguyên vật liệu Trung Quốc. Vấn đề còn lại chỉ là minh bạch thông tin về xuất xứ hàng hóa?

- Hiện nay chúng ta đang phát động phong trào “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng thế nào là “hàng Việt” chưa có quy định rõ ràng. Người tiêu dùng dường như đang bị lạc vào “mê hồn trận”, chưa phân biệt được thế nào mới là hàng “made in Vietnam”. Họ đang sử dụng hàng “made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào sự quảng bá, cam kết của doanh nghiệp.

Trên thị trường hiện nay, ngoài hàng lậu từ Trung Quốc nhập về rồi gắn nhãn mác Việt Nam, thì cũng có không ít hàng nhập chính ngạch cũng được “bùa phép” thành hàng “made in Vietnam”. Lại có cả hàng Trung Quốc nhập về mang danh “thương hiệu đến từ Hàn, Nhật, Mỹ, Ý, Đức...”.

Lấy ví dụ ở mặt hàng nội y, có những nhãn hiệu trong nước đặt một số ít sản phẩm ở nhà máy của chúng tôi và một số nhà sản xuất trong nước khác, với mục đích lấy hóa đơn nhằm hợp thức hóa toàn bộ hàng của họ là “made in Vietnam”, trong khi thực tế thì 90% số còn lại là nhập khẩu. Một số doanh nghiệp ban đầu có thể có chủ đích tốt nhưng do áp lực tồn tại khiến họ phải thay đổi.

TBKTSG: Như ông đã biết, việc không minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đối với doanh nghiệp, là rủi ro rất lớn và thậm chí có thể dẫn đến sụp đổ trong nháy mắt. Nhưng vì sao nhiều doanh nghiệp lại đang sợ sự minh bạch này?

- Theo tôi, nguyên nhân chính là do tâm lý người Việt không ưa chuộng hàng có xuất xứ Trung Quốc, trừ những thương hiệu quốc tế nổi tiếng. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã và đang ủng hộ hàng Việt từ cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực hiện nhiều năm qua.

Trong khi đó, nhập hàng từ Trung Quốc giá rẻ như thế nào, mẫu mã nhanh ra làm sao... thì ai cũng biết rồi. Vì vậy, doanh nghiệp nếu chọn lựa sự thuận tiện và giá rẻ bằng cách nhập hàng từ Trung Quốc, nếu minh bạch về xuất xứ thì không bán được hàng trong khi mù mờ hoặc gian lận thì sống tốt. Đó là một cám dỗ không phải ai cũng vượt qua.

TBKTSG: Nhưng còn cơ quan quản lý, kiểm soát thị trường. Các doanh nghiệp sẽ chịu nhiều sự kiểm tra mà?

- Hiện nay quy định về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa, điều kiện ghi nhãn xuất xứ chưa thật cụ thể, rõ ràng. Cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng dựa vào thực thi vì vậy hạn chế. Đó là chưa kể công tác thực thi còn nhiều vấn đề khác...

Trong khi đó, đang có quá nhiều các tổ chức đứng ra cấp giấy chứng nhận các danh hiệu về chất lượng, uy tín... cho hàng Việt, nhưng các tổ chức này không đủ nguồn lực và chức năng để đánh giá, kiểm chứng thật giả, cấp danh hiệu chỉ trên cơ sở cam kết của doanh nghiệp hoặc số tiền “tài trợ, đóng góp” của doanh nghiệp.

Chính điều này cũng tiếp tay cho nhiều thương hiệu “trà trộn” và khiến cho người tiêu dùng tin lầm. Thật giả lẫn lộn như vậy nên dù nhãn hiệu sản phẩm của chúng tôi được cấp rất nhiều danh hiệu nhưng đã từ rất lâu chúng tôi không còn sử dụng bất kỳ danh hiệu nào để in lên bao bì, nhãn sản phẩm.

Còn tại các điểm bán tập trung như siêu thị, quy trình kiểm soát xuất xứ hàng hóa của các nhà phân phối thường là rất sơ sài, thậm chí một số siêu thị chỉ quan tâm đến lợi nhuận còn vấn đề xuất xứ hàng hóa là trách nhiệm của doanh nghiệp.

TBKTSG: Vậy ông có đề xuất gì để ngăn chặn tình trạng này?

- Thứ nhất, Nhà nước phải ban hành ngay quy định cụ thể, rõ ràng về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa đối với cả hàng trong nước và hàng xuất khẩu, phải nói rất rõ thế nào là “made in...”, “produced in...” hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng, cụ thể như “designed by/in..., assembled in..., processed in..., packaged in..., imported by/for”.

Đồng thời, phải có chế tài xử phạt thật nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai xuất xứ hàng hóa. Một khi quy định đã rõ ràng, chế tài đã đủ mạnh thì mới hy vọng ngăn chặn được những doanh nghiệp có ý định gian dối. Còn nếu nhà nước không có những chính sách và giải pháp quản lý chặt chẽ ngay tức thời thì nền sản xuất Việt Nam không thể phát triển, các doanh nghiệp làm thật sẽ chết từ trong “trứng nước” vì không có đủ thời gian tồn tại để hoàn thiện mình trước những áp lực cạnh tranh bất bình đẳng như trên.

Thứ hai, phải xây dựng được hàng rào kỹ thuật, tăng cường được năng lực kiểm soát với hàng từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Một nguy cơ khá hiển hiện là hàng Trung Quốc có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia hoặc sử dụng xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu không có biện pháp kiểm soát tốt thì có thể dẫn đến việc Việt Nam bị các nước khiếu kiện, trừng phạt...

Thứ ba là từ chính các doanh nghiệp. Muốn đa dạng được nguồn cung nguyên liệu, giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc thì các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng năng suất lao động, nhắm vào những phân khúc thị trường cao hơn thay vì chỉ cạnh tranh về giá. Tất nhiên, để làm được điều đó cần có yếu tố then chốt là vai trò định hướng và quản lý của Nhà nước.

Minh Tâm thực hiện

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290983/de-doanh-nghiep-lam-that-khong-chet-tu-trong-trung-nuoc-.html