Để doanh nghiệp thời trang Việt không lép vế trên sân nhà

Sự xuất hiện ngày một nhiều thương hiệu thời trang ngoại từ phân khúc cao cho đến trung bình khiến cuộc chiến cạnh tranh trên thị trường nội địa của doanh nghiệp thời trang Việt Nam đã khó lại càng thêm khó.

Yếu thế cạnh tranh

Trong báo cáo mới công bố gần đây, Virac (Công ty CP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam) đánh giá, thương hiệu thời trang quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam ngày càng nhiều và chiếm ưu thế. Khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ phân khúc tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam. Sự “đổ bộ” của các thương hiệu này đã đẩy doanh nghiệp thời trang nội vốn chỉ có thị phần khiêm tốn giờ lại bị thu hẹp hơn.

Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, trên thị trường thời trang Việt Nam, không có doanh nghiệp nào nắm quá 2% thị phần tiêu thụ. 3 doanh nghiệp đứng đầu đều thuộc sở hữu nước ngoài, trong đó Adidas Group chiếm thị phần lớn nhất với 1,5%. Theo sau top 3 mới là các doanh nghiệp Việt Nam sở hữu với các thương hiệu quen thuộc như Biti’s, Canifa, Việt Tiến, May 10 …

Việt Nam vẫn được biết đến là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu nhưng thị trường thời trang Việt Nam vẫn còn xa lạ trên bản đồ thời trang thế giới, kể cả trong khu vực. Cho dù chất lượng sản phẩm được đánh giá cao nhưng chủ yếu là gia công xuất khẩu cho các thương hiệu lớn nên thời trang Việt Nam vẫn chưa được biết tới.

Cũng theo Virac, trên sân nhà, doanh nghiệp thời trang nội địa đang yếu thế thế cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế. Nguyên do, mẫu mã nghèo nàn, quy mô sản xuất nhỏ. Hàng giả, hàng nhái luôn là vấn đề nhức nhối. Phần lớn các chợ, cửa hàng thời trang, thậm chí cả trên những kênh mua sắm thời trang online bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, với mẫu mã đa dạng và quan trọng là giá rẻ hơn rất nhiều so với mặt hàng thời trang chính hiệu.

Thị trường thời trang Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt

Thị trường thời trang Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt

Cùng đó, dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thời trang giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đóng cửa các chi nhánh bán lẻ khiến doanh nghiệp thời trang nội địa đã khó nay lại càng thêm khó.

Tạo lối đi riêng

Một điều dễ nhận thấy, phần lớn các thương hiệu thời trang ngoại hiện diện tại Việt Nam đang theo xu hướng thời trang nhanh với việc liên tục cho ra các bộ sưu tập tạo sự hấp dẫn bằng yếu tố mới, tuy nhiên nhược điểm là vòng đời sản phẩm ngắn, sớm không được sử dụng và bị loại bỏ, tác động xấu tới môi trường. Trong khi đó, xu hướng thời trang bền vững - cung cấp, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thời trang được thiết kế theo phương thức đảm bảo sự bền vững về môi trường đang trở nên ngày một rõ nét. Đây có thể là một lối riêng tạo sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp thời trang Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Mặt khác, thời gian gần đây, người tiêu dùng đã chuyển sang kênh mua sắm online nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ việc quản lý chất lượng hàng hóa trên các trang thương mại điện tử đã tốt hơn, nhiều quy định chặt chẽ hơn về hình ảnh và mô tả sản phẩm giúp cải thiện lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm trên mạng. Do đó, thương mại điện tử cũng là một kênh bán hàng cũng như quảng bá hiệu quả sản phẩm thời trang của doanh nghiệp nội.

Theo ông Cao Hữu Hiếu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thị trường Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng, có nhiều dư địa phát triển. Với riêng mặt hàng dệt may - một trong các mặt hàng thời trang - nếu giả định một người dân tiêu trung bình 50 USD/năm cho quần áo thì quy mô thị trường dệt may khoảng 4-5 tỷ USD.

Cũng theo ông Cao Hữu Hiếu, thay vì lựa chọn sản phẩm giá rẻ, người tiêu dùng Việt Nam đã chuyển sang lựa chọn các sản phẩm chất lượng hơn. Nắm bắt cơ hội này, một số thương hiệu thời trang trong nước đã có những chiến lược kinh doanh cụ thể để khai thác và đã thành công với doanh thu nội địa hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

“Phát triển thị trường thời trang nội địa không thể làm ồ ạt, sẽ tạo sự cạnh tranh lẫn nhau. Do vậy, Tập đoàn Dệt may Việt Nam chủ trương khuyến khích phát triển mạnh những thương hiệu cũ vốn đã có lợi thế trong tâm thức người tiêu dùng Việt. Song song với đó là đầu tư vào các khâu thiết kế, marketing để phát triển những thương hiệu mới cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng chung hiện nay, đẩy mạnh các kênh phân phối rộng khắp và đầu tư thêm về cơ sở thông tin cho kênh thương mại điện tử”, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-doanh-nghiep-thoi-trang-viet-khong-lep-ve-tren-san-nha-156925.html