Để FTA không 'ngủ quên' với doanh nghiệp nội

Việc tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra cơ hội lớn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tận dụng cơ hội từ FTA mới chỉ diễn ra với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp nội, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tận dụng thời cơ còn hạn chế. Vì thế, để hỗ trợ doanh nghiệp, theo các chuyên gia, cần thiết có những chương trình hỗ trợ riêng cho từng thị trường, từng hiệp định.

Nhiều cam kết hỗ trợ doanh nghiệp

Trong hàng loạt các giải pháp nhằm mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các Bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tận dụng hết cơ hội từ các Hiệp định FTA.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tận dụng hết cơ hội từ các Hiệp định FTA.

Ở góc độ Bộ Công Thương, đề cập đến kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tận dụng cơ hội từ các FTA, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, cho biết, kế hoạch lên các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA đều đã có ngay từ trong các điều khoản cam kết. Đơn cử như, trong cam kết của Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có riêng một chương về doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là khi đàm phán thì các nước cũng đã quan tâm đến việc làm thế nào để tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thể hiện sự khác biệt về phương thức hỗ trợ với các doanh nghiệp lớn. Đây chính là cơ sở cam kết quốc tế để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thêm các thuận lợi khác như không chỉ là các chính sách vĩ mô mà chính trong kế hoạch thực thi FTA, Chính phủ cũng đã quy định rõ phải có các biện pháp hỗ trợ đểdoanh nghiệp tận dụng FTA. Bên cạnh đó, thực tế, hiện lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng đã có tư duy và nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. “Có thể thấy hỗ trợ doanh nghiệp đã trở thành một xu hướng trong suy nghĩ của Chính phủ hay của các cơ quan Bộ, ngành, hiệp hội”, ông Khanh nói.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang có kế hoạch rà soát để sửa đổi Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đưa ra những chính sách dành riêng cho các nhóm doanh nghiệp này và đi theo các gói hỗ trợ chuyên sâu, chuyên biệt hơn, sẽ không hỗ trợ chung chung như hiện nay. Đặc biệt, góc độ tín dụng.

Tuy nhiên, theo ông Khanh, nếu muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả tận dụng FTA thì cần phải suy nghĩ đến một chương trình hỗ trợ thống nhất từ Trung ương xuống địa phương cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay các doanh nghiệp nói chung tận dụng các FTA thế hệ mới. Cụ thể như việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA (FTA Việt Nam -châu Âu) hay CPTPP phải có những biện pháp, chính sách khác nhau bởi vì mỗi thị trường có những quy định riêng, những đặc thù riêng.

Đề cập vấn đề này, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), khẳng định, Chính phủ và các bộ ngành đều có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ, Bộ KH&ĐT đã triển khai những hoạt động, như đào tạo, tư vấn, nâng cấp doanh nghiệp thông qua hoạt động cử chuyên gia tư vấn để đánh giá doanh nghiệp về những điểm yếu, những điểm chưa đạt được, qua đó chuyên gia sẽ giúp cho doanh nghiệp xây dựng lại các kế hoạch kinh doanh, những chiến lược định hướng về thị trường, thậm chí cả việc tiếp cận thị trường ngách ra sao, cách thức hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của các FTA.

Xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho từng thị trường

Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, có thể thấy, bên cạnh việc tận dụng lợi thế từ các FTA, tìm kiếm thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, thì các biện pháp và giải pháp chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý nghĩa rất lớn. Điều này sẽ góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu và khả năng tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần xây dựng các chương trình hỗ trợ riêng cho từng thị trường.

Cần xây dựng các chương trình hỗ trợ riêng cho từng thị trường.

Bà Bùi Thu Thủy cho rằng, các cơ quan Trung ương và địa phương đã và đang thực hiện rất nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng đã đến lúc phải rà soát lại để những hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan Nhà nước thường rất mong muốn hỗ trợ, thiết kế những chính sách cho doanh nghiệp nhưng thực tế đến lúc thực thi thì vướng rất nhiều lý do. Do đó, các Bộ, ngành cần phải phối hợp với các hiệp hội để bàn xem đưa ra những chính sách nào thì doanh nghiệp sẽ phát huy được hơn những ưu thế, những cơ hội của FTA.

Ngoài ra, bà Thủy cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang có kế hoạch rà soát để sửa đổi Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đưa ra những chính sách dành riêng cho các nhóm doanh nghiệp này và đi theo các gói hỗ trợ chuyên sâu, chuyên biệt hơn, sẽ không hỗ trợ chung chung như hiện nay. Đặc biệt, góc độ tín dụng.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp rất chặt chẽ với các ngành và các hiệp hội để thiết kế lại các cách thức hỗ trợ cũng như sẽ phải phối hợp với bên ngành tài chính để có quy trình cũng như cách thức để doanh nghiệp hấp thụ tốt hơn những chính sách hỗ trợ”, bà Thủy thông tin.

Ông Ngô Chung Khanh cũng cho rằng, từ góc độ của cơ quan quản lý, Bộ Công Thương nhận thấy, phải có chương trình hỗ trợ dành riêng cho các FTA. Đồng thời, phải phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương để làm sao thống nhất được các chương trình và tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có. Chúng tôi hy vọng có thể phối hợp được để xây dựng chi tiết hơn cho từng hiệp định. Thị trường thì khó nhưng hỗ trợ theo từng hiệp định sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa được các nguồn lực.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-fta-khong-ngu-quen-voi-doanh-nghiep-noi-180214.html