Để giảm thiểu tai nạn lao động: Cần nêu cao công tác đánh giá rủi ro

Nguy cơ mất an toàn lao động hiện hữu ở nhiều nơi và trong nhiều lĩnh vực đã trở thành nỗi ám ảnh khi cướp đi tính mạng hoặc làm suy yếu, mất sức lao động đối với người lao động.Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chung tay của cả người sử dụng lao động và người lao động để tạo lập một môi trường lao động an toàn, hiệu quả.

Nguy cơ luôn thường trực

Tai nạn lao động đã trở thành nỗi ám ảnh khi cướp đi tính mạng hoặc làm suy yếu, mất sức lao động đối với người lao động. Trong thời gian qua, những nguy cơ mất an toàn lao động vẫn còn hiện hữu ở nhiều nơi, có thể xảy đến bất cứ lúc nào.Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn lao động vẫn xảy ra tại các công ty, doanh nghiệp, công trình xây dựng ảnh hưởng đến tinh thần và khả năng làm việc của nhiều công nhân lao động.

Môi trường làm việc của người lao động cần được đánh giá những yếu tố rủi ro để hạn chế tối đa tai nạn lao động.

Môi trường làm việc của người lao động cần được đánh giá những yếu tố rủi ro để hạn chế tối đa tai nạn lao động.

Gặp anh Trần Văn Bảo (công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long) khi anh đang gắng khôi phục lại tinh thần sau lần bị tai nạn lao động tương đối nghiêm trọng từ tháng 10/2018. Với vóc dáng rụt rè, gương mặt vẫn thoảng nét buồn, anh cho biết trong quá trình vệ sinh máy cuốn thép, do sơ suất, trục máy vẫn tiếp tục hoạt động nên cuốn theo cả hai bàn tay của anh vào máy.Sự cố đã khiến tay anh bị thương nặng. Được xác định thương tật 57%, mặc dù đã được phẫu thuật nối gân, nhưng đến nay đôi bàn tay anh vẫn chưa cử động được. Buồn nản, mặc cảm, thời gian đầu, anh định trở về quê, từ bỏ cuộc đời công nhân. Được sự hỗ trợ, động viên của công ty, anh tiếp tục kiên trì điều trị để ổn định sức khỏe.

Cũng trong hoàn cảnh tai nạn lao động, cuộc sống chị Nguyễn Thị Hiền (công nhân một Công ty thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng) cũng khiến nhiều người thương cảm. Do gặp sự cố với máy đột dập, chị Hiền bị tai nạn lao động với tỷ lệ thương tật 51%. Bàn tay nay chỉ còn 1 ngón duy nhất. Dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tai nạn này cũng để lại nỗi đau tinh thần, thể chất không bao giờ nguôi đối với chị Hiền. Trải qua quá trình điều trị đầy gian nan, hiện tại Hiền đã phục hồi được một bàn tay và được công ty hỗ trợ việc làm.

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn Thành phố xảy ra 694 vụ tai nạn lao động, trong đó có 190 vụ làm chết người, tăng 74,3% số vụ việc, tăng 200% số vụ có người chết và tăng 77% số người thương vong so với giai đoạn trước đó.Năm 2019, số vụ tai nạn lao động vẫn trên đà tăng khi toàn thành phố xảy ra 452 vụ (bằng 65% số vụ so với cả giai đoạn 2016-2018), làm 464 người bị nạn.

Không chỉ trong quá trình sản xuất, thời gian qua, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng trở nên đáng lo ngại khi đang có xu hướng gia tăng về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng.Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội liên tiếp xảy ra một số vụ tai nạn đau lòng ở lĩnh vực xây dựng. Điển hình là sự cố mất an toàn lao động tại công trình số 16 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) làm 4 người tử vong.Đa số nạn nhân của các vụ tai nạn lao động là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nên khi không may gặp tai nạn, họ không được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội, gây thiệt thòi về nhiều mặt.

Thắt chặt hơn công tác giám sát

Đằng sau mỗi vụ tai nạn lao động không chỉ là thiệt hại về tài sản cho cá nhân, tổ chức mà còn là những nỗi đau mất người thân, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quan quản lý nhà nước, sự chung tay của cả người sử dụng lao động và người lao động để tạo lập một môi trường lao động an toàn, hiệu quả.

Nhận thấy trách nhiệm mang đến sự an toàn cho người lao động, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có ý thức cao hơn về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn lao động. Ông Phạm Hữu Hùng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long) cho biết, Công ty đã đánh giá khả năng nguy cơ khả năng rủi ro dẫn đến mất an toàn lao động, cải tiến kĩ thuật để công nhân được làm việc an toàn. Do vậy các năm tiếp theo, công ty đã không còn trường hợp đáng tiếc nào xảy ra nữa.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, một trong những công việc quan trọng để làm giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là phải nhận diện, phân tích các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện tại nơi sản xuất và từ đó có các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát các nguy cơ đó. Xét ở ý nghĩa sâu rộng hơn thì việc thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá rủi ro trong an toàn lao động ngay từ ban đầu chính là góp phần đảm bảo năng suất, lợi nhuận và uy tín của doanh nghiệp cũng như hạn chế gánh nặng đối với xã hội.

Suốt gần chục năm làm việc trong lĩnh vực giám sát an toàn xây dựng, kỹ sư Nguyễn Văn Giáp (Công ty TNHH Freyssinet) cho rằng, khi làm việc anh luôn có một phương châm duy nhất:“An toàn là con đường duy nhất để trở về với gia đình”.Nhiều năm qua, anh gắn bó với trách nhiệm là kỹ sư giám sát an toàn xây dựng các dự án khu vực toàn Miền Bắc, đồng thời là một trong những người tạo nền móng thiết lập hệ thống an toàn thi công công trình ngay từ khi công ty bắt đầu quan tâm đến ngành an toàn.

Anh Giáp nói, trong tất cả các ngành nghề có thể nói tỷ lệ gặp tai nạn trong lao động xây dựng là cao nhất do điều kiện làm việc của người công nhân xây dựng rất đặc thù.Đó là lao động trực tiếp ngoài trời với điều kiện thời tiết nắng, mưa thất thường, thường xuyên tiếp xúc với các loại vật liệu hóa chất độc hại và phải di chuyển liên tục theo từng tuyến đường, từng dự án. Những nguyên nhân chấn thương trong xây dựng rất da dạng nhưng chủ yếu là đi lại va vấp, ngã, sa hố đào, ngã từ trên cao xuống, tai nạn điện,...

Có nhiều trường hợp tai nạn xảy ra không chỉ do các thiếu sót hoặc vi phạm điều lệ an toàn trong quá trình thi công, mà còn do thiếu sót về thiết kế, kiến trúc, kết cấu, đặc biệt là trong thiết kế thi công.Vì vậy, đòi hỏi mỗi công trình phải có người kỹ sư giám sát an toàn, đánh giá rủi ro và phải có tầm hiểu biết mọi mặt, can thiệp vào tất cả quá trình xây dựng của một công trình.

“Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng công việc giám sát an toàn, đảnh giá rủi ro ở Việt Nam đang trong giai đoạn mới phát triển. Có thể hiểu đơn giản, người giám sát an toàn xây dựng sẽ không trực tiếp thi công mà chủ yếu dựa vào những biện pháp thi công để lập biện pháp an toàn, quản lý theo những biện pháp đã lập và đánh giá rủi ro, từ đó đề xuất những phương án hạn chế rủi ro và tai nạn lao động. Một công trình thành công không chỉ nằm ở thiết kế đẹp, hoàn thiện sớm mà còn đảm bảo được an toàn trong lao động”, anh Giáp chia sẻ.

Có thể thấy, những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần thắt chặt hơn công tác quản lý các vấn đề về an toàn lao động. Để công tác đánh giá rủi ro an toàn lao động thực sự mang lại hiệu quả, trên thực tế rất cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đánh giá rủi ro./.

P. Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-giam-thieu-tai-nan-lao-dong-can-neu-cao-cong-tac-danh-gia-rui-ro-116174.html