Để hát Xẩm trường tồn cùng thời gian
Khi 'báu vật dân gian' về hát Xẩm - Nghệ nhân, Nghệ sỹ Ưu tú Hà Thị Cầu ra đi, nhiều người lo ngại loại hình nghệ thuật dân gian này sẽ bị thất truyền, lãng quên. Nhưng, theo thời gian, với sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của những người được cụ Cầu trực tiếp truyền dạy hát Xẩm cũng như tình yêu tha thiết với Xẩm của chính mỗi người dân, hát Xẩm đã dần được khơi dậy và trở thành 'món ăn tinh thần' hấp dẫn không chỉ ở phạm vi huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình mà còn lan tỏa trong nước và dần đến với du khách quốc tế...
"Giữ lửa" cho Xẩm
Năm 2022 là năm những "chiếu Xẩm" của đất Yên Mô và các địa phương trên địa bàn tỉnh được trở lại với người dân nhiều hơn.
Trên những sân khấu lớn do tỉnh Ninh Bình tổ chức, từ Liên hoan hát Xẩm mở rộng năm 2022 tại Ninh Bình do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; Liên hoan các CLB nghệ thuật hát Xẩm tỉnh Ninh Bình; Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản..., hát Xẩm đã được các nghệ nhân, diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp và không chuyên thể hiện điêu luyện, đam mê, nhiệt huyết và được đón nhận nồng nhiệt, với tất cả niềm tự hào về mảnh đất được coi là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát Xẩm.
Điều đặc biệt là tại các kỳ Liên hoan, hội diễn lớn, đã xuất hiện nhiều thanh, thiếu nhi tham gia hát Xẩm "đa-zinăng" vừa hát, vừa gõ phách, kéo nhị... khẳng định được bản lĩnh "nghề Xẩm" từ rất sớm.
Em Lại Thùy Dương, 6 tuổi, thành viên CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu, xóm Phú Mỹ, xã Yên Phong (huyện Yên Mô), đạt giải khuyến khích tại Liên hoan hát Xẩm mở rộng năm 2022 tại Ninh Bình, cho biết: Cháu biết đến Xẩm và học hát từ khi mới 4 tuổi. Cháu yêu thích nên học hát Xẩm thường xuyên, ở mọi lúc có thể.
Hiện cháu đã thuộc lời và hát được độc lập một số bài Xẩm cổ như Thập ân, Tứ hải giao tình, Đêm rằm, Giọt nước cánh bèo... "Cháu được bà ngoại là bà Nguyễn Thị Mận, Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu truyền niềm đam mê và dạy dỗ, uốn nắn từng câu chữ, bài hát, nên thấy học hát không quá khó mà còn rất thích hát Xẩm. Cháu được cụ Vũ Xuân Năng, nghệ nhân ưu tú truyền dạy về đánh xênh, gõ trống mảnh, kéo nhị...
Hiện cháu cũng đã kết hợp vừa hát vừa sử dụng nhạc cụ một số bài Xẩm. Cháu sẽ tiếp tục vừa học văn hóa vừa học hát, học sử dụng nhạc cụ và không ngừng cố gắng để có thể trở thành một nghệ nhân, nghệ sỹ chuyên nghiệp về hát Xẩm, giữ gìn loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo mà cụ ngoại đã truyền lại..."- em Thùy Dương chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Mận, Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu, xã Yên Phong cho biết: Hiện CLB có trên 30 thành viên, trong đó hơn nửa là các em, các cháu ở độ tuổi dưới 20. Những năm gần đây, CLB đã nhận được một phần kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để tập luyện và hoạt động...
Đặc biệt, trong các kỳ liên hoan, hội diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật của huyện, của tỉnh, khu vực, toàn quốc..., nhiều thành viên trong CLB tham gia và đều đạt giải thưởng, từ đó có thêm nguồn kinh phí để CLB và các thành viên có thể yên tâm theo đuổi môn nghệ thuật dân gian mà mình yêu thích.
Ngày càng có nhiều người trẻ tham gia tập luyện và biểu diễn nghệ thuật hát Xẩm.
Tại huyện Yên Mô, trong các CLB hát Xẩm hiện nay, tỷ lệ người trẻ chiếm khá lớn, chứng tỏ sức sống và sự thu hút của Xẩm là không nhỏ. Đồng chí Lã Phú Trung, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết: Những năm qua, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, mở các lớp truyền dạy hát Xẩm cho các giáo viên thanh nhạc các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn nhằm đưa môn nghệ thuật truyền thống này vào trường học.
Vào các dịp hè, mở các lớp truyền dạy hát Xẩm cho các em học sinh, các thành viên các CLB hát Chèo, hát Xẩm trên địa bàn... Việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Xẩm nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Để Xẩm "sống" trong đời sống đương đại
Đồng chí An Đôn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Tại huyện Yên Mô, công tác bảo tồn Xẩm được quan tâm trong nhiều năm qua. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã mở 13 lớp truyền dạy hát Xẩm, trong đó có 1 lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc. Toàn huyện hiện có 26 CLB hát Chèo, hát Xẩm được thành lập và đi vào hoạt động có nền nếp, chất lượng; bình quân mỗi CLB có trên 30 thành viên.
Huyện rất quan tâm đến việc tìm hiểu, sưu tầm các tư liệu về hát Xẩm; đầu tư kinh phí cho việc tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy hát cũng như sử dụng nhạc cụ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong bảo tồn và phát huy giá trị hát Xẩm... Từng bước đưa hát Xẩm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu âm nhạc, để hát Xẩm có thể phát triển và lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong đời sống, thể loại nghệ thuật âm nhạc dân gian này rất cần sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, quỹ văn hóa, các nhà tài trợ và đặc biệt là trách nhiệm của những nghệ nhân, cộng đồng người dân yêu mến hát Xẩm.
Trong khi đó, để Xẩm có thể tồn tại trong điều kiện mới, rất cần khuyến khích và hỗ trợ việc duy trì, phát triển các CLB hát Xẩm, nhóm Xẩm, chiếu Xẩm, Trung tâm văn hóa... có sinh hoạt hát Xẩm. Đây chính là sân chơi cởi mở và linh hoạt để các nghệ nhân, nghệ sỹ và những người yêu thích Xẩm có thể sinh hoạt, gặp gỡ, giao lưu, trao truyền, phổ biến Xẩm.
Đặc biệt, việc tỉnh Ninh Bình triển khai làm hồ sơ đề nghị đưa hát Xẩm trên địa bàn tỉnh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần bảo vệ khẩn cấp là hành động trách nhiệm, thiết thực, kịp thời, đúng hướng, nhằm bảo vệ một di sản văn hóa đang cần được khôi phục và phát huy trong đời sống đương đại.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Để khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm một cách bền vững, trở thành một phần tất yếu trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2019- 2022".
Đồng thời, UBND tỉnh và ngành Văn hóa đã tổ chức nhiều hội thảo, các kỳ liên hoan nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về nghệ thuật hát Xẩm, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, phát triển, phát huy hữu hiệu loại hình nghệ thuật dân gian này trong đời sống đương đại.