Để không còn 'những nỗi đau Cửa Đại'

Việc cấp phép tàu chạy mỗi ngày tưởng chừng bài bản với sự quản lý, phân cấp cho các đơn vị. Ai ngờ sau 'nỗi đau Cửa Đại' lộ hàng loạt lỗ hổng.

Đọc những thông tin liên quan vụ chìm tàu QNa-1152 khiến 17 người tử vong giữa biển Cửa Đại, anh Vinh (quê Đà Nẵng, đang làm giám đốc một doanh nghiệp xây lắp ở TP.HCM) nói, chưa kể ám ảnh sau vụ tai nạn, chắc không mấy ai dám quay lại đi tàu ra Cù Lao Chàm lần 2.

Con tàu chìm làm 17 người chết tại Quảng Nam. Ảnh: Đại Thắng

Con tàu chìm làm 17 người chết tại Quảng Nam. Ảnh: Đại Thắng

“Anh em mình đi một lần rồi khiếp tới già. Tàu gì mà chạy như tên lửa, về đến bờ tim đập, chân run”, anh Vinh nói.

Không riêng anh Vinh, chia sẻ trên báo chí, nhiều hành khách từng đi tàu cao tốc không khỏi giật mình vì những cuộc “đua tốc độ” trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm.

Các clip du khách quay lại cho thấy, nhiều con tàu lao với vận tốc “siêu tốc”, gần ½ thân tàu phía trước như nhấc khỏi mặt nước, cắt sóng lao như bay.

Thậm chí có thuyền trưởng còn “khoe chiến tích” khi tàu có thể chạy đến 80km/h. Lúc vào gần bờ, chỉ cần giảm xuống 50km/h. Chỉ chừng 15 phút, con tàu kết thúc hành trình dài 18km.

Giật mình! Bởi đối chiếu với thông số đăng kiểm, tàu QNa-1152 mang tên Phương Đông 5 này cũng như hàng loạt tàu cao tốc đóng kín khác phục vụ du khách trên biển Cửa Đại chỉ có tốc độ thiết kế tối đa 37km/h. Nếu đi đúng tốc độ, mỗi tàu phải mất ít nhất gần 30 phút mới có thể kết thúc hành trình.

Bàng hoàng hơn, bởi những dấu hiệu vi phạm tốc độ này lâu nay cứ vô tư lọt qua quy trình TTKS, xử lý của lực lượng chức năng. Chỉ khi con tàu QNa-1152 gặp tai nạn thương tâm, nhiều “lỗ hổng” trong xử lý vi phạm, giám sát tốc độ… mới lộ ra.

Lạ lùng không kém, dù có hẳn một đơn vị cấp phòng là lực lượng CSGT đường thủy trực thuộc Công an tỉnh (so với nhiều địa phương khác, chỉ lập cấp Đội CSGT đường thủy - NV), nhưng lâu nay lực lượng chuyên trách này mới chỉ… tập trung công tác tuyên truyền.

Việc xử lý “gặp khó” bởi cả thiết bị đến quy trình triển khai đều thiếu tính kết nối thông tin trong thời đại công nghệ 4.0.

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, từ đầu năm 2021, tàu QNa-1152 không bật thiết bị giám sát hành trình AIS, khiến trạm thu phát tín hiệu AIS trên bờ không bắt được tín hiệu phương tiện, cơ quan chức năng, CSGT thiếu kết nối thông tin để xử lý.

Và thật khó hiểu, từ lâu nay chẳng cơ quan hay đơn vị địa phương nào nên tiếng về vấn nạn này. Chỉ đến khi vụ lật tàu xảy ra!

Nếu chỉ nhìn vào các quy định thông thường, con tàu QNa-1152 tưởng chừng đảm bảo hồ sơ từ đăng kiểm tàu đến bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của đội ngũ thuyền viên, thuyền trưởng.

Việc cấp phép tàu chạy mỗi ngày tưởng chừng rất bài bản với sự quản lý, phân cấp cho các đơn vị Biên phòng, TTGT, xã Tân Hiệp, TP Hội An. Trong đó, Biên phòng Cửa Đại cấp lịch chạy tàu hàng ngày căn cứ trên dự báo thời tiết.

Ai ngờ, “lỗ hổng” cũng từ chính quy trình này khi cơ quan chức năng có dấu hiệu phớt lờ cảnh báo của Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam về thời tiết nguy hiểm trên biển.

Bản tin phát 4h sáng ngày 26/2. Nhưng 7h cùng ngày, Biên phòng Cửa Đại vẫn cấp lịch chạy tàu với lý do “thời tiết bình thường”.

Nếu hôm đó, tàu QNa-1152 không được chạy thì sao? Câu trả lời nhanh nhất là “không có vụ tai nạn thương tâm, 17 nạn nhân không tử vong”.

Trao đổi với Phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, dù đã nghe các báo cáo và trực tiếp đến hiện trường khắc phục nguyên nhân vụ tai nạn, thậm chí không khỏi bất ngờ trước những thông tin liên quan “bản tin thời tiết nguy hiểm trên biển ngày 26/2”. Ông Thanh cho hay, đã giao cơ quan công an điều tra làm rõ thông tin này.

Vụ việc còn chờ kết luận điều tra. Tuy nhiên, để không còn xảy ra những vụ việc đau lòng, chắc hẳn không chỉ một vài đơn vị, cá nhân liên quan có thể giải quyết được.

Nó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao nhất, sự nỗ lực cao nhất trong việc bịt các “lỗ hổng” liên quan đến chạy tàu cao tốc.

Xuân Huy

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-khong-con-nhung-noi-dau-cua-dai-d544504.html