Để không còn nỗi ám ảnh da cam
PTĐT - Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau da cam vẫn còn hiện hữu trong biết bao số phận con người. Thế nhưng, chính trong những mảnh đời không may mắn ấy vẫn có nhiều người kiên cường vượt lên số phận, viết nên những câu chuyện đẹp giữa đời thường.
Kỳ I: Vượt qua nỗi đau
Ông Đỗ Văn Hồi sinh năm 1946 ở khu 9, xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam và Tây Nguyên, nơi Mỹ đã trút hàng tấn chất độc da cam/ dioxin. Vợ chồng ông Hồi có 7 người con nhưng chỉ có một cô con gái là Đỗ Thị Út sinh năm 1991. May mắn hơn em, các anh của Út đều lành lặn và đã yên bề gia thất, còn đối với Út việc nói đã khó, đôi tay bị liệt, đôi chân tuy cử động được nhưng yếu nên phải dùng xe lăn. Mọi sinh hoạt, Út đều phải sử dụng hai bàn chân và sự trợ giúp của bố mẹ. Không được đi học, được bay nhảy như bạn bè nhưng trong sâu thẳm Út luôn có một khao khát chảy bỏng là làm sao để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Bằng quyết tâm, nghị lực, Út đã nhờ các anh chị hướng dẫn tự học tại nhà, dùng chân luyện tập viết chữ, ăn cơm, bưng nước, giặt quần áo và khâu vá...Ngoài sự cố gắng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, Út còn muốn tìm đến niềm vui nho nhỏ thông qua thêu tranh chữ thập, tranh đính đá. Út chia sẻ: “Được các anh chị giới thiệu nhiều người thêu tranh chữ thập trong xã nên em đã tự đi xe lăn đến tận nơi tìm hiểu, học hỏi, lên mạng xem thêm cách học thêu và tự đi mua nguyên liệu về làm. Mỗi lần ngồi mấy tiếng đồng hồ thêu tranh nhức mỏi toàn thân nhưng em vẫn nhủ lòng phải quyết tâm, cố gắng. Tác phẩm đầu tiên mà em tự thêu được là bức tranh đồng hồ với đôi chim công được hoàn thiện sau 367 ngày mà mừng rơi nước mắt...”
Cũng giống như Đỗ Thị Út, chúng tôi đến thăm em Hoàng Thị Hạnh, sinh năm 1988, cũng là con gái út của gia đình ông Hoàng Thế Trung ở xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng bị teo hai chân, không đi lại được do di chứng chất độc da cam/dioxin, em phải di chuyển bằng đôi tay hoặc ra khỏi nhà thì đi bằng xe lăn. Ấn tượng đầu tiên khi gặp Hạnh là cô gái tuy đôi chân tật nguyền nhưng lại khá nhanh nhẹn. Vừa mời chúng tôi vào uống nước em vừa làm công việc hàng ngày là bán hàng cho khách như người bình thường, thâm chí lúc rảnh rỗi, em còn nhận thêm đơn đan mành để kiếm thêm thu nhập. Ông Trung, bố của Hạnh chia sẻ: “Thương con gái nên tôi mở đại lý tạp hóa ngay tại nhà cho Hạnh bán, vừa để con có việc làm, vừa tạo thêm niềm vui cho con trong cuộc sống...”.Đôi tay cầm hai chiếc ghế nhựa mà nâng được cả cơ thể để di chuyển một cách nhanh nhẹn thì quả là sự nỗ lực không ngừng của Hạnh. Em tâm sự: Từ lúc mới sinh ra, đôi chân em đã không được bình thường, bố mẹ thương lắm. Nhưng cũng rất may mắn ở xã có lớp học cho trẻ tật nguyền, bố em đã ngày ngày cho con gái đến trường học chữ bất kể mưa hay nắng...Sau lớn hơn bố lại cho em theo học nghề đan mành và mở thêm cửa hàng tạp hóa cho em quản lý, mọi thu chi, hoạch toán em đều tự làm lấy. Trước đây, muốn nhập hàng gì thì nhờ bố, anh trai nhập hộ, còn giờ thiếu gì chỉ cần nhấc điện thoại là họ chở đến tận nơi nên cũng đỡ vất vả...”
Với những người lính mang trong mình chất độc da cam, vượt lên bất hạnh của cuộc đời, họ tìm cho mình niềm lạc quan, vui sống để quên đi “vết thương” chiến tranh bằng nhiều cách khác nhau. Ông Hà Kim Duyệt, sinh năm 1950, hiện đang là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin huyện Yên Lập đã nỗ lực hết mình tham gia công tác hội. Sinh năm 1950, nhập ngũ năm 1971, ông Duyệt tham gia vào chiến trường miền Nam, Tây Nguyên...Năm 1976, ông được về phép lấy vợ rồi sinh được 3 người con. Con gái đầu của ông do di chứng chất độc da cam, sinh ra không được bình thường, ngày càng ốm yếu, hệ thống xương teo dần rồi mất. Năm 1982, ông Duyệt xuất ngũ trở về quê hương với sức khỏe chỉ còn 65% nhưng vẫn mang trong mình ý chí của người chiến sỹ năm xưa, tiếp tục cống hiến, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương suốt 27 năm liên tục. Từ năm 2011 đến nay, ông là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Yên Lập.
Không chỉ tham gia công tác, ông Duyệt còn phát triển kinh tế theo mô hình VAC với quy mô hơn 1ha gồm 500 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, trên 1.000 con gà thịt, 500 vịt đẻ trứng, đồng thời thả thêm cá, nuôi ong lấy mật, nuôi trâu, bò...đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/ năm. Với cương vị vừa là Chủ tịch Hội, vừa là nạn nhân chất độc da cam nên ông thường xuyên thăm hỏi, động viên những hội viên, con hội viên lúc ốm đau; giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đạt nhiều thành tích trong các phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông tâm sự: Phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tuy sức khỏe đã yếu nhưng tôi luôn động viên bản thân và gia đình khi còn được làm việc, được cống hiến thì hãy luôn cố gắng, vừa tạo động lực cho bản thân vừa làm chỗ dựa cho nhiều hội viên phấn đấu...Chia tay ông Duyệt nhưng tôi vẫn văng vẳng bên tai câu nói “Nếu cuộc đời lấy đi thứ gì của ai đó thì sẽ bù đắp cho họ thứ khác”. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau và hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng. Chất độc da cam/dioxin ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, có người hứng chịu trực tiếp, có người ảnh hưởng gián tiếp từ ông bà, cha mẹ. Tuy vậy, họ vẫn kiên cường vượt qua số phận để vươn lên ổn định cuộc sống, trở thành những tấm gương sáng, viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Kỳ II: Cộng đồng trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202103/de-khong-con-noi-am-anh-da-cam-176002