Để không phải 'giải cứu' nông sản
Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam bị dư thừa nguồn cung khiến giá giảm mạnh, nông dân thua lỗ. Trước thực trạng đó, các địa phương đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản nhưng do liên kết còn lỏng lẻo nên hiệu quả chưa như mong muốn.
Vẫn khó khâu tiêu thụ
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) Đặng Bá Thắng cho biết, mặc dù sản phẩm rau của HTX được trồng theo quy trình an toàn nhưng đến nay, HTX cũng chỉ mới ký kết được hợp đồng với một số nhà hàng, khách sạn và bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện, với khối lượng tiêu thụ từ 1,5 - 2 tạ/ngày. Khi vào chính vụ, sản lượng rau có thể đạt hơn 10 tấn/ngày, người dân phải bán ra chợ đầu mối để tránh bị thua lỗ.
Trong khi người sản xuất không thể tiêu thụ được nhiều sản phẩm thì DN lại gặp khó khăn trong khâu thu mua nông sản. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho biết, DN không thể trực tiếp ký kết hợp đồng với từng người dân mà phải thông qua HTX để có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, năng lực một số HTX còn yếu nên không cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ cho DN khi bao tiêu sản phẩm. Điều đó dẫn đến tình trạng số lượng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhỏ giọt, gây khó khăn cho cả DN và người sản xuất.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước đã xây dựng và phát triển 1.642 chuỗi liên kết với 2.346 sản phẩm và 2.991 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản an toàn thực phẩm. Đáng nói, thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng phải "giải cứu" nông sản (dưa hấu, củ cải…). Nguyên nhân chủ yếu do quy mô sản xuất nông nghiệp một số nơi còn nhỏ lẻ, manh mún, rất khó cho việc tổ chức ký hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm với quy mô lớn.
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Để thúc đẩy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản và giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua đề nghị, chính quyền địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chủ động tổ chức lại các HTX, tổ hợp tác làm đầu mối kết nối với DN, qua đó hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Như vậy, rõ ràng vai trò cầu nối của chính quyền địa phương và các HTX trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản rất quan trọng. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, các tỉnh, TP cần rà soát, ban hành chính sách nhằm tạo điều kiện để DN, HTX đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất. Đồng thời cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh từng địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Về phía Bộ NN&PTNT, trong năm 2021, Bộ xác định việc phối hợp với các địa phương trong việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ. Cùng với đó, tiếp tục khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, trang trại liên kết với DN chế biến, tiêu thụ ở cả hai thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nhằm tiếp tục đầu tư, phát triển đúng mức đối với liên kết chuỗi giá trị nông sản, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-khong-phai-giai-cuu-nong-san-411817.html