Để logistics trở thành ngành dịch vụ thúc đẩy liên kết vùng

Với thế mạnh về quỹ đất nông nghiệp, thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa, Gia Lai đã trở thành một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước, điển hình là phát triển trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả, trong đó một số mặt hàng nông sản có sản lượng lớn như cà phê, điều, tiêu, chanh dây…

Trong quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, tỉnh định hướng xây dựng 2 trung tâm logistic và 2 cảng cạn để phục vụ cho việc phát triển dịch vụ logistic, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt là Trung tâm kho vận quốc tế logistics Tây Nguyên tại huyện Mang Yang với quy mô hạng II, diện tích 511 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2026-2030, kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá để thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo thế cho Gia Lai trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực, thúc đẩy các tỉnh khác trong vùng cùng phát triển.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16-12-2022 của Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics, để chủ động triển khai các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, ngày 17-5-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1130/KH-UBND về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, UBND tỉnh, Sở Công thương đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức thành công hội nghị triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh với hơn 300 đại biểu tham dự nhằm định hướng và thúc đẩy phát triển ngành logistics một cách hiệu quả bền vững, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của nông sản và các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Hiện nay, so với mặt bằng chung của cả nước, dịch vụ logistics của tỉnh vẫn còn khó khăn nhất định. Các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ cho thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật… hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư.Trên địa bàn cũng chưa có cao tốc kết nối các điểm nút đầu ra của nền kinh tế (cảng biển, đường sắt...), mật độ đường giao thông nội tỉnh thấp hơn nhiều so với các vùng trên cả nước nên hạn chế về năng lực kết nối các vùng sản xuất nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hồ Liên Nam-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy liên kết vùng, Cảng Quy Nhơn xác định Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung là những vùng thị trường lớn. Cảng Quy Nhơn nằm ở km số 0 của quốc lộ 19, kết nối giữa Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên, cảng đã có các hãng tàu lớn của thế giới ghé và hiện nay đang có đa dạng các dịch vụ đi các khu vực châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á. Đây là điểm thuận lợi cho luồng hàng xuất khẩu của Gia Lai.

“Thời gian qua, chúng tôi đã kết nối với Gia Lai để tiếp cận các khách hàng có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn. Vì vậy, trong việc phối hợp, đồng hành với khách hàng, Cảng Quy Nhơn sẽ cung cấp các giải pháp logistics tốt nhất, để hàng hóa của Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung được xuất khẩu ra các nước thuận lợi, tiết giảm chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.

Gia Lai hiện có 2 phương thức vận tải chính là đường bộ và hàng không. Tỉnh có 1 cửa khẩu chính thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa với Vương quốc Campuchia, nằm trong Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Trên địa bàn hiện có khoảng 300 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, cùng hệ thống các chi nhánh công ty Bưu chính, chuyển phát.

Theo đánh giá của PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Gia Lai đang có các động thái rất tích cực trong khoảng 2 năm trở lại đây. UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đã rất nỗ lực để tìm ra các giải pháp phát triển hệ thống logistics, thu hút các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics để Gia Lai có thể trở thành trung tâm logistics của khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, thì cơ sở hạ tầng như đường sá, cảng, kho, bãi… cũng đang là thách thức để thu hút luồng hàng, tập trung vào một đầu mối. Hàng hóa được tập trung vào một đầu mối sẽ là một yêu cầu rất quan trọng để có thể thực hiện được việc giảm chi phí logistics. Bên cạnh đó, các quy định về chính sách cũng còn những chồng chéo, vấn đề là làm sao cởi được nút thắt đó. Ngoài ra, cần thiết phải thúc đẩy được doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn, sau đó sẽ thu hút được các doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Theo Kế hoạch số 1130/KH-UBND ngày 17-5-2023 về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra các nhóm nội dung cụ thể, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện nhằm hướng đến mục đích xây dựng và phát triển dịch vụ logistics thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử, tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh trên thị trường; phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại-dịch vụ, đưa Gia Lai trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng.

VŨ THẢO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/de-logistics-tro-thanh-nganh-dich-vu-thuc-day-lien-ket-vung-post296820.html