Để nâng cao giá trị cho sản phẩm chè

Khoảng 90% sản lượng chè của Việt Nam xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu.

Thời gian gần đây, trên thị trường chè thế giới cung đang vượt cầu, ảnh hưởng tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của chè Việt Nam. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2019, mặc dù xuất khẩu chè tăng cả về lượng và giá trị nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu chè những tháng đầu năm 2019 đạt 57,1 nghìn tấn, trị giá 99 triệu USD, tăng 1,4% về lượng và 8,7% trị giá so với cùng kỳ.

DN cần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm chè

DN cần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm chè

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chè Việt Nam, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu chè đang phải đối mặt sự cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều nước có thị phần lớn. Bên cạnh đó, giá chè trên thế giới có xu hướng giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị xuất khẩu của ngành chè.

Sản phẩm chè của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Pakistan, đạt 17,2 nghìn tấn, trị giá 34,6 triệu USD; Giá chè xuất khẩu bình quân sang thị trường này đạt 2.007,9 USD/tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp theo là thị trường Đài Loan đạt 8,5 nghìn tấn, trị giá 13,3 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 5,4% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.559,9 USD/tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Trong khi đó, xuất khẩu chè sang nhiều thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Đức, Nga, Indonesia… lại có xu hướng giảm. Anh hiện đang là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 4 thế giới, sau Pakistan, Nga và Hoa Kỳ. Đây được cho là cơ hội cho các DN xuất khẩu chè Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang là thị trường cung cấp chè lớn thứ 20 tại quốc gia này. Tuy nhiên, trong quý I/2019, xuất khẩu chè sang Anh chỉ đạt 105 tấn, trị giá 244 nghìn USD, giảm 53,3% về lượng và giảm 51,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tương tự, xuất khẩu chè sang Nga trong 6 tháng đầu năm đạt 6,5 nghìn tấn, trị giá 10,1 triệu USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè nhưng giá trị thu về lại không cao. Thực tế cho thấy, nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Trong khi đó, khoảng 90% sản lượng chè của Việt Nam xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng ngành chè cần nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và phải cải thiện mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, mặc dù là nước xuất khẩu lớn nhưng chè Việt Nam vẫn chưa tạo được thương hiệu trên thế giới.

Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh nâng cao giá trị cho các sản phẩm chè, Bộ NN&PTNN cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách quy hoạch phát triển ngành chè theo hướng sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các dự án tập trung vào việc giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm về thâm canh chè, nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu... Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung, đưa khoa học kỹ thuật để sản xuất ra chè chất lượng cao như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An… Cùng với đó, thí điểm xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Có thể thấy, nhằm nâng cao giá trị chè xuất khẩu và khẳng định thương hiệu chè Việt Nam, bên cạnh xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng thì việc các DN đầu tư mạnh vào dây chuyền hiện đại để chế biến sản phẩm chè chất lượng cao là hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, thời gian tới ngành chè cần tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng mới và mở rộng các nhà máy chế biến chè được đầu tư công nghệ hiện đại. Đồng thời có những chiến lược quảng bá nâng cao thương hiệu chè Việt Nam. Các DN sản xuất và xuất khẩu chè cần đầu tư sâu hơn nữa vào phát triển chuỗi giá trị, đặc biệt là quan tâm sát sao đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè để có thể thay đổi được hình ảnh chè Việt, cũng như giúp chè Việt khẳng định được vị thế trên trường quốc tế.

Nguyễn Minh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/de-nang-cao-gia-tri-cho-san-pham-che-90651.html