Đề nghị bãi bỏ một số quy định không cần thiết

Sáng 10/11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội XIII tiếp tục thảo luận ở hội trường để nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi)

Sửa đổi một số điểm về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (các điều 6, 7 và 8), nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể tại Luật Đầu tư các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Có ý kiến đề nghị Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, cũng có một vài ý kiến đề nghị giao cho Chính phủ quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành tập hợp, rà soát và xây dựng danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo hai nguyên tắc: Rà soát, loại bỏ các quy định trùng lặp tại danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, danh mục lĩnh vực cấm đầu tư theo Luật Đầu tư, danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo Luật Thương mại và các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đồng thời hợp nhất các danh mục này để quy định các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Luật Đầu tư; Quy định tiêu chí xác định danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và ban hành danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện kèm theo dự thảo Luật (Điều 7 và Điều 8).

Theo đó, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được rà soát, xây dựng theo hướng: bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý nhà nước hoặc bị trùng lặp, đồng thời bổ sung một số ngành, nghề cần thiết; cập nhật, chuẩn xác tên gọi một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và hệ thống hóa các ngành, nghề theo nhóm lĩnh vực thay vì theo bộ, ngành quản lý nhằm phản ánh chính xác, minh bạch các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tránh trùng lặp và tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này; xác định rõ danh mục “loại trừ” về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (gồm cả những ngành nghề theo Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác) nhằm bảo đảm tính minh bạch trong việc áp dụng pháp luật.

Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (mục 2 Chương IV), một số ý kiến đề nghị cần quy định chi tiết những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung quy định về dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội trên cơ sở kế thừa, luật hóa quy định của Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội; quy định về dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở luật hóa Nghị quyết số 49/2010/QH12 và Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Quy định thẩm quyền chấp thuận đầu tư của UBND cấp tỉnh với các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bổ sung quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng chuẩn hóa và cải cách thủ tục hành chính. Trên thực tế quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ được lồng ghép với quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, do vậy sẽ không phát sinh thêm thủ tục cho nhà đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội)

Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) góp ý: Về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật Đầu tư lần này khá ngắn gọn, chỉ có 7 Chương 76 Điều. Đặc biệt, có đến 4 phụ lục trong đó đã quy định rất rõ các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Việc tích hợp trên cơ sở rà soát lại đã thu hẹp 51 lĩnh vực, ngành nghề cấm đầu tư xuống còn 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, giảm từ 386 xuống còn 272 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đây là một điểm tiến bộ vượt bậc trong Luật Đầu tư lần này. Tuy nhiên do điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với 272 ngành nghề này sẽ được quy định tại các Nghị định mà Luật Đầu tư dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2015. Do đó tôi đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành chi tiết việc công bố kiểm soát các điều kiện đầu tư kinh doanh để dự án Luật sớm đi vào cuộc sống.

Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An)

Theo đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An): Đối với vốn đầu tư, khoản 7 tại Điều 3 cần quy định cụ thể vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh; khoản 6 Điều 35 quy định tổng vốn của đầu tư kinh doanh gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động. Hiện nay pháp luật đã có quy định cụ thể về tỉ lệ góp vốn đầu tư của chủ đầu tư trong một số dự án thuộc lĩnh vực BĐS. Cụ thể đầu tư BĐS phải đảm bảo tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% so với mức đầu tư dự án có quy mô thấp hơn 20ha và không thấp hơn 20% so với mức đầu tư của những dự án có quy mô lớn hơn 20ha trở lên… Về vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư, thời gian qua mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau. Vì vậy để có cơ sở thống nhất Luật Đầu tư với chức năng để điều chỉnh các hoạt động đầu tư với kinh doanh cần quy định cụ thể về vấn đề này.

Vũ Chiến

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/de-nghi-bai-bo-mot-so-quy-dinh-khong-can-thiet.html