Đề nghị bỏ ngay Quỹ bảo trì đường bộ

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bãi bỏ ngay Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ phòng chống thiên tai; xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu...

Tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018".

Trong báo cáo kết quả giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày cho thấy việc thành lập và hoạt động của các quỹ đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ổ gà, ổ voi có thời gian xuất hiện dày đặc trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ TP Quảng Ngãi đến huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: Tử Trực

Ổ gà, ổ voi có thời gian xuất hiện dày đặc trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ TP Quảng Ngãi đến huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: Tử Trực

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hệ thống pháp luật và công tác quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khá phức tạp, tản mạn, thiếu rõ ràng và chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các Quỹ. "Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ tài chính ngoài ngân sách còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao"- ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ, một số quỹ trong quá trình thực hiện các chức năng nhiệm vụ không mang lại hiệu quả kỳ vọng, hoặc rất khó đánh giá hiệu quả một cách tích cực, không đạt được mục tiêu hoặc phải thay đổi mục tiêu, hoặc chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ đặt ra theo quy định.

Báo cáo giám sát cũng kiến nghị bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ, toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách cấp hằng năm. Quỹ Phòng chống thiên tai cũng được Đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ Quỹ và bỏ quy định về cơ chế thu đối với khoản thu này. Việc chi thực hiện phòng chống thiên tai được cấp từ ngân sách nhà nước, thông qua dự phòng ngân sách hằng năm của ngân sách trung ương và địa phương.

Đồng thời, đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với một số Quỹ sau: Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết theo thống kê đến thời điểm hiện tại có 48 quỹ (28 quỹ ở Trung ương và 20 quỹ ở địa phương), phần lớn được thành lập trước khi Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc thành lập quỹ cơ bản đúng với quy định của pháp luật, góp phần tích cực trong việc huy động, phân bổ nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động thuộc chức năng của nhà nước, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như báo cáo giám sát mà đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã nêu ở trên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá hệ thống pháp luật về hình thành, quản lý, sử dụng các quỹ phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch, rõ ràng, không phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 đã có quy định nhưng rất chung chung, chưa có cơ quan nào thống nhất quản lý các quỹ và có quá nhiều quỹ làm phân tán nguồn lực nhà nước.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH ban hành Nghị quyết giám sát, trong đó, Nghị quyết có đánh giá thực trạng các quỹ, hiệu quả mang lại, những hạn chế tồn tại và đưa ra định hướng cần phải rà soát, đánh giá kỹ lại các quỹ và đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình sắp xếp, sáp nhập, giải thể các quỹ theo nguyên tắc quỹ hoạt động không rõ mục đích, không hiệu quả. Đồng thời xem xét quỹ nào hoạt động hiệu quả, đúng mục đích thì tiếp tục tạo điều kiện phát triển.

Sau phiên thảo luận, UBTVQGH thống nhất việc ban hành Nghị quyết giám sát để tăng cường quản lý các quỹ và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo đó, sẽ giao Chính phủ rà soát, đánh giá tác động, hiệu quả của từng quỹ và trình Quốc hội rà soát sắp xếp, tổ chức lại các quỹ thuộc thẩm quyền của Quốc hội. UBTVQH cũng thống nhất sẽ loại bỏ quỹ không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, không cần thiết và không thành lập mới các quỹ.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/de-nghi-bai-bo-quy-bao-tri-duong-bo-vi-hieu-qua-hoat-dong-chua-cao-20190814094933214.htm