Đề nghị đánh giá kỹ tình trạng bỏ cọc, lũng đoạn, đẩy giá đất tăng cao

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tình trạng 'bỏ cọc' sau khi trúng đấu giá đất, cũng như việc lũng đoạn, 'thổi giá', tạo sóng, đầu cơ, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ.

54 bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp

Sáng 21/10, thẩm tra báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ trình Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua, nhất là về tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn những vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công tăng chậm. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt khoảng 47,29% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Trong đó, có 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước. “Có ý kiến cho rằng, với cùng một hệ thống pháp luật, thực tế kết quả triển khai ở các cơ quan, đơn vị, địa phương là khác nhau. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng này”, ông Thanh nêu.

Một vấn đề khác được Ủy ban Kinh tế đề nghị lưu tâm là thị trường bất động sản thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.

Đặc biệt, tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.

“Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu.

Sớm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đất đai

Về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời; tính toán kỹ tác động, hiệu quả khi điều hành lãi suất, tỷ giá; kiểm soát rủi ro của thị trường chứng khoán, vàng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Các phiên đấu giá đất ở các huyện ngoại thành Hà Nội thời gian qua được đẩy lên cao và tình trạng bỏ cọc cũng xảy ra thường xuyên.

Các phiên đấu giá đất ở các huyện ngoại thành Hà Nội thời gian qua được đẩy lên cao và tình trạng bỏ cọc cũng xảy ra thường xuyên.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đất đai. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Với thị trường bất động sản, Ủy ban Kinh tế đề nghị có giải pháp ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu hoặc cầu có nhưng không có khả năng thanh toán.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-nghi-danh-gia-ky-tinh-trang-bo-coc-lung-doan-day-gia-dat-tang-cao-post1684220.tpo