Đề nghị nên cho hoán đổi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, không bị trừ 2% lương hưu

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị cho phép người lao động nghỉ hưu sớm tối đa là 5 năm so với tuổi nghỉ hưu, cho phép hoán đổi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, không bị trừ 2% lương hưu mỗi năm do nghỉ hưu sớm.

Thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 27/5, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn tỉnh Cà Mau) tán thành với nhiều nội dung Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp chiều nay về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Toàn cảnh phiên họp chiều nay về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Từ ý kiến đại biểu...

Theo đại biểu, đây là dự án luật khó, nhiều chính sách mới, phức tạp liên quan đến cải cách tiền lương đang được đông đảo người lao động, người sử dụng lao động và dư luận xã hội quan tâm.

Đáng quan tâm, về giảm trừ tiền lương hưu do nghỉ hưu sớm, đại biểu cho biết, qua thực tế tìm hiểu nguyện vọng của người lao động và ý kiến của nhiều hiệp hội ngành nghề trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đề nghị nghiên cứu kế thừa quy định Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm được nghỉ hưu sớm và mỗi năm nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ 1%.

“Theo tôi, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần bổ sung quy định cho phép người lao động nghỉ hưu sớm và thời gian nghỉ sớm tối đa là 5 năm so với tuổi nghỉ hưu theo lộ trình quy định tại Bộ luật Lao động.

Theo đó, nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035 và đã đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội đối với nữ và 32 năm đối với nam thì được nghỉ hưu, hưởng mức tối đa 75% và bổ sung quy định hoán đổi thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu sớm, không bị trừ 2% lương hưu mỗi năm do nghỉ hưu sớm.

Theo đó, nếu tính từ năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 31 trở đi đối với nữ và thứ 33 trở đi đối với nam thì cứ tăng thêm 1 năm đóng bảo hiểm xã hội được hoán đổi một năm nghỉ trước tuổi”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho biết, kiến nghị này xuất phát từ thực tiễn hàng trăm nghìn công nhân trên độ tuổi 50 đến 55 sau nhiều năm trực tiếp đứng xưởng sản xuất, sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng nhu cầu công việc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trẻ đáp ứng yêu cầu sản xuất nên cũng cho một bộ phận lao động nghỉ việc ở độ tuổi 40 đến 45.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quốc hội.

Việc điều chỉnh linh hoạt như vậy mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần ở những người đã có đóng từ 20 đến 25 năm đóng bảo hiểm xã hội. Do thời gian chờ đợi hưởng lương hưu quá dài, như hiện nay, đa số công nhân lao động khó có thể tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi độ tuổi nghỉ hưu là 62 đối với nam và 60 đối với nữ.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng góp ý về mức độ hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hỗ trợ đối với nhóm lao động yếu thế được tính trên chuẩn nghèo khu vực nông thôn hiện nay là quá thấp.

Giai đoạn 2021-2025, chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng, theo đó hộ nghèo được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và đối tượng khác được hỗ trợ 10%, số tiền cụ thể tương ứng là 99.000 đồng/tháng, 82.500 đồng/tháng và 33.000 đồng/tháng.

Mức hỗ trợ thấp như vậy không đủ động lực với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, dù được triển khai từ năm 2008, nhưng đến nay số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 1,4 triệu người, bằng 3,17% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đã có bước phát triển, vì vậy, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung, quy định về việc nâng mức hỗ trợ Nhà nước lên cao hơn và căn cứ tính hỗ trợ là mức chuẩn nghèo khu vực thành thị hoặc mức lương tối thiểu vùng thấp để nông dân lao động khu phi chính thức, người thu nhập thấp, nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn.

...Đến ý kiến cử tri

Ông Đinh Sỹ Phúc thay mặt đoàn viên Công đoàn Công ty Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai) phát biểu kiến ngị liên quan đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 28/7/2023 tại Diễn đàn Người lao động. (Ảnh: Mai Quý)

Ông Đinh Sỹ Phúc thay mặt đoàn viên Công đoàn Công ty Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai) phát biểu kiến ngị liên quan đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 28/7/2023 tại Diễn đàn Người lao động. (Ảnh: Mai Quý)

Nhớ lại tại Diễn đàn người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn” tổ chức ngày 28/7/2023 tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai) nêu ý kiến: Gần đây, khi một số Công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở lấy ý kiến công nhân lao động về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có nhiều ý kiến băn khoăn như sau: Qua những lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội gần đây, dường như quyền lợi của người lao động đang có xu hướng suy giảm. Ví dụ như nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động để được hưởng mức tối đa 75% lên 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ; mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định, người lao động bị giảm 2%, trước đây chỉ giảm 1%. Đây là những băn khoăn, lo lắng người lao động.

“Trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành các quy định để không làm suy giảm quyền lợi của người lao động; tạo sự linh hoạt, hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội” - ông Phúc đề xuất.

Đồng quan điểm này, tại thời điểm các đại biểu Quốc hội đang thảo luận, cho ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một bác sĩ nêu thực tế với phóng viên. Trừ các ngành đặc thù, ra trường phân công công tác được hưởng lương và đóng bảo hiểm xã hội, thậm chí đóng bảo hiểm xã hội khi còn là học viên. Tuy nhiên, với những ngành nghề khác, đặc biệt thế hệ 6x, 7X, trong đó có ngành Y, để vào làm việc ở các bệnh viện tuyến Trung ương, một sinh viên phải mất gần 10 năm học (6-7 năm sinh viên, 3 năm nội trú), ra trường “xin chán” mới được làm việc chính thức. Các ngành khác tuy thời gian học ít hơn, nhưng ra trường trong quá trình xin việc cũng gian truân không kém. Làm hết chỗ này, chỗ kia, đến khi được “cập bến” chính thức mới được đóng bảo hiểm xã hội. Chu kỳ chung phải mất từ 5-6 năm mới ổn định công việc.

Những người lao động thuộc thế hệ 7x vì nhiều lý do khách quan; những ngành nghề đặc thù như bác sĩ do quá trình đào tạo tốn nhiều thời gian mới có thể làm việc, nhưng quy định phải đủ 35 năm công tác với nam, đủ 30 năm công tác với nữ, nếu không bị trừ 2%/năm là rất thiệt thòi cho người lao động. (Ảnh minh họa)

Những người lao động thuộc thế hệ 7x vì nhiều lý do khách quan; những ngành nghề đặc thù như bác sĩ do quá trình đào tạo tốn nhiều thời gian mới có thể làm việc, nhưng quy định phải đủ 35 năm công tác với nam, đủ 30 năm công tác với nữ, nếu không bị trừ 2%/năm là rất thiệt thòi cho người lao động. (Ảnh minh họa)

Vị bác sĩ phân tích và dẫn chứng thêm các trường hợp bạn anh (thế hệ 7X). Ra trường, xin việc ở một số cơ quan, đa số họ ký hợp đồng lao động ngắn hạn, nhìn trên hợp đồng cũng “điền” thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. Vì mưu sinh, chẳng ai quan tâm đến vấn đề này, nhưng đến khi làm việc chính thức ở cơ quan khác (ký hợp đồng dài hạn) mới tả hỏa, những năm tháng làm việc tại các cơ quan cũ (đa số làm 1 năm đến 2 năm) chủ sử dụng lao động không đóng bảo hiểm cho người lao động. Kiện cũng khó. Đành chấp nhận bị thiệt 5-6 năm không đóng bảo hiểm. (Nay quy định về pháp luật lao động chặt chẽ hơn lại có công nghệ thông tin, nên người lao động dễ dàng biết được chủ sử dụng lao động có đóng bảo hiểm xã hội hay không, nên thường không bị thiệt thòi. Chiếu theo quy định hiện hành, nam phải đủ 35 năm công tác, nữ đủ 30 năm, nếu khi đến tuổi về hưu mà không đủ số năm công tác, mỗi năm sẽ bị trừ 2% như thế là quá cao.

Từ thực tế này, một số người đề xuất nội dung liên quan đến số năm công tác và khấu trừ tiền nên để Chính phủ quy định trong Nghị định. Trong đó, đa số người lao động kiến nghị không nên cứng nhắc con số đủ 35 năm công tác đối với nam, 30 năm công tác đối với nữ mà chỉ ghi đủ 30-35 năm công tác đối với nam, 26-30 năm công tác đối với nữ thì được hưởng 75% lương hưu. Hoặc nếu bị khấu trừ, chỉ nên trừ mức 1% như trước thay vì mức 2% như hiện tại.

Phương Thảo -PV

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-nghi-nen-cho-hoan-doi-thoi-gian-dong-bao-hiem-xa-hoi-khong-bi-tru-2-luong-huu-171312.html