Để người dân yên tâm, ủng hộ

ĐBP - Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, người dân rất phấn khởi, nhất là những hộ dân trong vùng dự án. Đồng tình với chủ trương của Nhà nước trong việc thu hồi đất phục vụ dự án, người dân cũng bày tỏ mong muốn sớm được bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

Gia đình ông Nông Văn Sánh, tổ dân phố 1, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) mong muốn sau khi chuyển đến nơi ở mới sẽ có công việc ổn định.

Việc thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên đã ảnh hưởng đến cuộc sống của 1.599 hộ dân trên địa bàn huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ; trong đó có 885 hộ có đất ở (bao gồm 650 hộ có nhà ở và 235 hộ không có nhà ở), và 714 hộ có đất sản xuất nông nghiệp. Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, mà trước hết là công tác giải phóng mặt bằng, ngay sau khi có chủ trương đầu tư, cùng với các cấp chính quyền, các hộ dân bị ảnh hưởng đã tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, kiểm đếm, lên phương án đền bù, bồi thường nhằm tạo mặt bằng sạch để bàn giao cho đơn vị triển khai thi công.

Phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) có hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, phải di dời đến nơi ở mới để dành quỹ đất xây dựng nâng cấp, mở rộng sân bay. Thời gian đầu, một số hộ dân không đồng thuận với các phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, thế nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích, đến nay các hộ dân trong vùng quy hoạch đều hiểu và đồng thuận, sẵn sàng di dời.

Gia đình ông Đàm Văn Hải, tổ dân phố 1, phường Thanh Trường là một trong những hộ bị ảnh hưởng bởi dự án và phải di dời, nhường đất cho sân bay. Ông Hải cho biết: “Thực hiện dự án, gia đình tôi phải di dời và bị thu hồi gần 3.000m2 đất, trong đó có 400m2 đất ở, còn lại đất vườn và đất lúa. Gia đình đã được chính quyền địa phương nhiều lần tuyên truyền, vận động về kế hoạch giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để nhường đất cho dự án mở rộng, nâng cấp sân bay, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác trong tổ dân phố đều ủng hộ việc nâng cấp, mở rộng sân bay, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực hiện”.

Cũng là một trong những hộ trên địa bàn phường Thanh Trường bị thu hồi đất để phục vụ dự án, ông Nguyễn Văn Hưng, tổ dân phố 10, phường Thanh Trường chia sẻ: “Tính đến nay, gia đình tôi đã 27 năm gắn bó với mảnh đất này, khi nghe tin phải di dời, giải tỏa để xây dựng sân bay, cả gia đình không tránh khỏi cảm giác băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên chúng tôi cũng đồng ý di dời để thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước. Theo đó gia đình tôi bị thu hồi 2.400m2 đất, trong đó có 2.200m2 đất ruộng, còn lại là đất ở. Đến nay các cơ quan chức năng đã thực hiện xong phần kiểm đếm, đo đạc, khi có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng hợp lí thì gia đình sẽ sớm di chuyển”.

Đa số người dân đều đồng tình với chủ trương của Nhà nước để thực hiện dự án, song không khỏi có những thắc mắc, băn khoăn. Một số người tỏ ra băn khoăn, lo lắng về cơ chế đền bù, tái định cư và công ăn việc làm, ổn định cuộc sống khi chuyển đến nơi ở mới.

Sớm ổn định cuộc sống là mong mỏi của gia đình ông Nông Văn Sánh, tổ dân phố 1, phường Thanh Trường. Ông Sánh cho biết: Thực hiện dự án, gia đình bị thu hồi 400m2 đất ở, chưa bao gồm đất ruộng. Chúng tôi đồng tình với việc thực hiện dự án, đồng thời sẵn sàng di chuyển để bàn giao mặt bằng cho thành phố nhưng chỉ lo một điều là khi chuyển về khu tái định cư thì không có đất để sản xuất, chăn nuôi. Hiện nay cả gia đình phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong khi đang phải nuôi 1 người con khuyết tật bẩm sinh, vì vậy mong muốn lớn nhất của gia đình tôi là sớm có đất tái định cư, xây dựng nhà để bắt đầu cuộc sống mới và có việc làm ổn định.

Cũng như ông Nông Văn Sánh, hầu hết các hộ dân mong muốn địa phương và ngành chức năng nhanh chóng hoàn thành đền bù, hỗ trợ tái định cư; đồng thời có chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho người dân trong vùng dự án. Trong số 1.599 hộ dân phải di dời thì phần lớn mưu sinh dựa vào sản xuất nông nghiệp nên bà con mong muốn được cấp đủ đất để làm nhà ở và sản xuất. Đây là một thách thức khi tư liệu sản xuất chính của nhiều hộ dân trong vùng dự án bị thu hồi. Mặt khác, để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp thì mỗi người dân cần phải được trang bị kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, ý tưởng phù hợp điều kiện thực tế. Mong muốn của người dân sớm được bố trí đất tại khu tái định cư để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống là chính đáng. Khi người dân chấp hành tốt chủ trương thu hồi đất, sẵn sàng bàn giao đất cho Nhà nước thì trách nhiệm của các cấp chính quyền, ngành chức năng phải đảm bảo quyền, lợi ích cho người dân theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186606/de-nguoi-dan-yen-tam-ung-ho