Để sản xuất hồ tiêu bền vững

Gần đây, hiện tượng chết nhanh chết chậm trên cây tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên khiến người nông dân thiệt hại lớn, kiệt quệ về kinh tế. Theo các chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân của tình trạng này là do người nông dân không trồng tiêu theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Các kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học - kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho thấy, người nông dân cần phải thay đổi thói quen canh tác sao cho phù hợp. Đơn cử, sử dụng cây trụ sống cho cây tiêu leo bám mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường. Các nghiên cứu chứng minh rằng, chu kỳ khai thác của hồ tiêu trồng trên trụ sống sẽ dài hơn so với trồng trên trụ chết từ 20 - 50%; năng suất ổn định, tuổi thọ vườn cây được kéo dài. Trồng tiêu trên trụ sống sẽ giảm chi phí đầu tư trong thời kỳ trồng mới. Do vậy, giúp giảm giá thành, hạn chế rủi ro cho người trồng tiêu khi gặp điều kiện khô hạn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cùng với cách chọn trụ, theo WASI, việc quản lý đất và dinh dưỡng là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng góp phần thúc đẩy sinh trưởng, phát triển của cây hồ tiêu. Theo đó, cần tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ kết hợp với chế phẩm sinh học để cải thiện độ phì nhiêu của đất. Phương pháp này sẽ tăng cường hệ vi sinh vật có ích đối kháng với nấm bệnh, tuyến trùng trong đất giúp cho cây hồ tiêu sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và kéo dài tuổi thọ của vườn cây.

WASI cũng cho rằng, cần tạo bóng mát cho cây tiêu, do cây hồ tiêu có nguồn gốc mọc dưới tán rừng thưa nên ánh sáng tán xạ nhẹ phù hợp với yêu cầu sinh lý của cây hơn là trực xạ. Bóng mát sẽ điều tiết sự ra hoa quả, làm cây không ra hoa quả quá độ, do vậy ổn định được năng suất và duy trì được tuổi thọ của vườn cây. Cùng với việc sử dụng hệ thống kết hợp tưới phun dưới tán, cùng với việc bón phân khoáng qua hệ thống tưới sẽ làm tăng sự sinh trưởng, phát triển của cây tiêu; đồng thời làm tăng năng suất và chất lượng hạt cao hơn so với tưới bồn truyền thống, bón phân khoáng rải trực tiếp trên đất.

Hệ thống này đã được WASI thiết kế, cải tiến mang nhiều ưu điểm tốt, phù hợp cho tưới nước, bón phân trên cây hồ tiêu. Kết quả cho thấy, tốc độ ra lá, tốc độ ra cành đều cao hơn so với tưới nước thông thường.

Cùng đó, là ứng dụng các phương pháp phòng ngừa sâu bệnh hợp lý. Đó là, phòng trừ sâu bệnh bằng sinh học đã và đang được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và cho ra các chế phẩm sinh học đầy triển vọng. Các kết quả nghiên cứu về khả năng phòng trừ nấm bệnh của các chế phẩm từ nấm, vi khuẩn như Trichoderma sp., Metarhiziumsp., Pseudomonassp., Bacillussp... và các loại thuốc thảo mộc cho kết quả rất khả quan.

Theo WASI, hiện các mô hình này đang được phát triển nhanh chóng tại huyện Cư Kuin, Cư M’gar (Đăk Lăk). Giải pháp này cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích. Góp phần phát triển cây hồ tiêu bền vững, vừa giảm được bệnh, tăng năng suất cây trồng; tuổi thọ của cây cũng được cải thiện, tăng thu nhập cho nông dân.

Thái Hòa

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/de-san-xuat-ho-tieu-ben-vung-93161.html