Để thành phố thông minh trở nên... đáng sống

Thành phố Songdo của Hàn Quốc là một trong những thành phố thông minh nhất thế giới với các cảm biến trên đường phố giám sát luồng giao thông và quản lý chất thải. Tuy nhiên, thành phố vẫn thưa thớt vì dân cư vẫn chỉ đạt gần một nửa mục tiêu mong muốn là 300.000 người. Điều này cho thấy mặc dù một thành phố có thể thông minh nhưng nó lại không… đáng sống.

Tạo ra một thành phố vừa thông minh vừa đáng sống là thách thức chính được các diễn giả nhấn mạnh tại một số hội thảo về thành phố thông minh tại Lễ hội Đổi mới 2024 do GovInsider, một cộng đồng xuyên Thái Bình Dương quan tâm đến lĩnh vực công, tổ chức. Trong đó, các chuyên gia về thành phố thông minh và các nhà quy hoạch đô thị đã nói về cách sử dụng công nghệ để xây dựng thành phố lấy người dân làm trung tâm, có khả năng ứng phó với khủng hoảng khí hậu đồng thời đáp ứng nhu cầu đô thị ngày càng tăng.

Cách Seoul chỉ 1,5 giờ lái xe, thành phố thông minh đầu tiên của Hàn Quốc Songdo hiện vẫn chưa thu hút được một nửa dân số như dự kiến

Cách Seoul chỉ 1,5 giờ lái xe, thành phố thông minh đầu tiên của Hàn Quốc Songdo hiện vẫn chưa thu hút được một nửa dân số như dự kiến

Lấy người dân làm trung tâm

Viện Toàn cầu McKinsey báo cáo, công nghệ thông minh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị từ 10 đến 30%. Tuy nhiên, chiến lược quy hoạch thành phố thông minh phải giải quyết được nhu cầu và mối quan tâm của người dân. Mỗi thành phố đều có những nhu cầu, thách thức cụ thể và công nghệ có thể giúp nhà chức trách xác định và giải quyết những thách thức này.

Có thể lấy ví dụ về thành phố Nakhon Si Thammarat, miền Nam Thái Lan, nơi công nghệ giúp giải quyết tình trạng lũ lụt thường xuyên xảy ra. Cơ quan Xúc tiến Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) của thành phố đã thiết kế “Thành phố của tôi” - một ứng dụng lấy công dân làm trung tâm, qua đó công dân có thể báo cáo vấn đề trực tiếp với chính quyền thành phố. Từ thông tin cập nhật trong ứng dụng, người dân có thể biết khi nào cần sơ tán, khi nào là lúc quay về do lũ rút. Theo Tiến sĩ Non Arkaraprasertkul, chuyên gia cao cấp của Cục Xúc tiến Thành phố Thông minh Thái Lan, 70% người dân ở Nakhon Si Thammarat hiện sử dụng ứng dụng này để truyền đạt nhu cầu của mình. Cuộc chiến chống lũ lụt cho thấy những lợi ích thiết thực của hệ thống giải pháp thông minh của thành phố. Thông qua việc sử dụng sáng tạo dữ liệu thời gian thực và sự tham gia của cộng đồng, Nakhon Si Thammarat đã giảm đáng kể thiệt hại và chi phí liên quan đến lũ lụt. Cách tiếp cận này không chỉ thể hiện khả năng phục hồi của thành phố mà còn nhấn mạnh cách công nghệ có thể được tận dụng để giải quyết vấn đề môi trường thách thức một cách hiệu quả.

Tiến sĩ Non Arkaraprasertkul nhấn mạnh, để cải thiện các thành phố, chính phủ nên “nghĩ lớn và hành động thiết thực”. Ông nêu ví dụ, việc lắp đặt các cột 5G ở Thái Lan là không hiệu quả vì hầu hết người dân thiếu nguồn lực để sử dụng cơ sở hạ tầng đó. Tiến sĩ Non cho rằng, công nghệ tiên tiến phải được triển khai có mục đích nhằm mang lại lợi ích cho người dân.

Ngoài việc giải quyết những mối lo ngại trước mắt, các thành phố cần được thiết kế để chống chọi với những thách thức lâu dài nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp tục tận hưởng cuộc sống chất lượng cao. Theo các chuyên gia, đối với một thành phố đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của khủng hoảng khí hậu như Singapore, các dự án dựa trên dữ liệu có thể tăng cường khả năng phục hồi và thúc đẩy tính bền vững. Bà Shermaine Wong, Giám đốc cấp cao của Bộ phận quận thông minh thuộc Tập đoàn JTC, cho hay, Nền tảng Kỹ thuật số Mở (ODP) sẽ là hệ điều hành cho Quận Kỹ thuật số Punggol (PDD) đi vào hoạt động trong năm nay. ODP sẽ tích hợp dữ liệu thời gian thực để giúp người quản lý cơ sở tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng với hệ điều hành kết nối với hệ thống làm mát của khu vực, hệ thống chiếu sáng thông minh và các công cụ quản lý cơ sở thông minh.

Giải quyết hài hòa các lợi ích

Các chuyên gia đều cho rằng, để mang lại “hơi thở cuộc sống” cho các thành phố, người dân phải là người tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi đô thị bằng cách tiếp cận thông tin và nền tảng để chia sẻ phản hồi. Điều này giúp các chính phủ hiểu và giải quyết các xu hướng chính đang diễn ra. Ông

Bernardus Djonoputro, Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý đô thị Rebana của Indonesia, đã chỉ ra rằng cơ quan chức năng có thể sử dụng dữ liệu và công nghệ để vạch ra các mục tiêu nhằm giải quyết các mối quan tâm khác nhau của người dân ở mỗi thành phố. Điều này hoàn toàn có thể làm được khi công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin và cộng tác giữa các cơ quan, cho phép thực hiện các biện pháp tổng thể để giải quyết hài hòa các lợi ích khác nhau.

Tiến sĩ Mark Findlay, thành viên cao cấp danh dự của Viện Luật so sánh và Quốc tế Anh, cho rằng, trong một thế giới kỹ thuật số ngày càng phát triển, công nghệ giúp “tích cực tương tác với mọi người” là điều cần thiết để hồi sinh các thành phố. Trường hợp như Songdo cho thấy, không phải thành phố thông minh nào cũng phát triển mạnh nhờ công nghệ tiên tiến.

Việc xây dựng, chuyển đổi thành phố thông minh cần được điều chỉnh để giải quyết các nhu cầu cụ thể của từng cộng đồng, bởi công nghệ không phải lúc nào cũng là cách tiếp cận chung cho tất cả. Bởi vậy, các chuyên gia đều đồng ý rằng quy hoạch thành phố thông minh chiến lược phải giải quyết được nhu cầu và mối quan tâm của người dân.

Theo GovInsider

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-thanh-pho-thong-minh-tro-nen-dang-song-post578334.antd