Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại Nghệ An thấm đẫm tình yêu thương của cha mẹ

Theo đánh giá của giáo viên, đề Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 tại Nghệ An sáng 3/6 khá hay, trúng với tâm lý của học sinh và tình cảm với mẹ, gia đình.

Sáng nay (3/6), học sinh tại Nghệ An đã chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 với môn thi đầu tiên là Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút. Kết thúc môn thi đầu tiên, đề thi Ngữ văn được học sinh, giáo viên đánh giá cao về cách ra đề phù hợp.

Nhận định về đề Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 tại Nghệ An được tổ chức vào sáng 3/6, cô Đỗ Khánh Phượng - giáo viên Ngữ văn (Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho rằng, đề khá hay, hoàn toàn có thể hình thành một trục chủ đề xuyên suốt là "Bóng cả yêu thương", độ phân hóa đạt yêu cầu, đáp ứng được mục đích của một kì thi tuyển sinh, phổ điểm có thể rơi vào mức 6 - 7.

Cô Phượng nhận xét về nội dung từng phần. Câu 1, đọc hiểu văn bản: Các câu hỏi ra đúng thứ tự mức tư duy. Hai câu hỏi nhận biết kiến thức Tiếng Việt và câu hỏi vận dụng nhẹ nhàng, mang tính khuyến khích học sinh. Câu hỏi thông hiểu chính là một nội dung quan trọng để phân hóa.

Chỉ tiếc đề thi không ghi rõ mức điểm của từng câu hỏi thành phần để dư luận có thể đánh giá chính xác hơn về mức độ phân hóa cũng như học sinh cũng có cơ sở để phân bổ thời gian làm bài thuận tiện hơn.

Đề thi Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 tại Nghệ An.

Đề thi Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 tại Nghệ An.

Câu 2 (Nghị luận xã hội): Vấn đề nghị luận không xa lạ nhưng cách nêu vấn đề khá hay, có sự nối kết chặt chẽ với nội dung văn bản đọc hiểu ở phần trên, đáp ứng tốt yêu cầu tích hợp đọc - viết (tiếp nhận văn bản - tạo lập văn bản), khơi gợi suy nghĩ, ý kiến từ những cảm xúc sâu sắc, tình cảm thiêng liêng dành cho cha mẹ.

Với độ tuổi của học sinh lớp 9, khi nhu cầu khẳng định bản thân đang dần hình thành, vấn đề nghị luận đã tạo ra "đất diễn" khá tốt để các em nói lên suy nghĩ riêng của mình. Đây cũng là câu hỏi phục vụ cho yêu cầu phân hóa của đề thi.

Câu 3 (Nghị luận văn học): Nội dung yêu cầu chọn một đoạn trích nói về cội nguồn sinh dưỡng, tuy yêu cầu đề đơn giản nhưng đây cũng là một đoạn thơ hay của tác phẩm, vừa khơi gợi tình cảm gia đình, vừa đào sâu mối liên hệ giữa cá nhân và cộng đồng.

"Nội dung đề bài có tính liên kết với hai phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, ngữ liệu quen thuộc, có nhiều yếu tố để khai thác, vừa giúp cho học sinh trung bình đạt được ngưỡng điểm khá ổn, vừa giúp học sinh khá giỏi có thể liên hệ kết nối, do vậy, vấn đề nêu ra an toàn nhưng vẫn có giá trị nhất định" - cô Phượng nhận xét.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/de-thi-ngu-van-vao-lop-10-tai-nghe-an-tham-dam-tinh-yeu-thuong-cua-cha-me-20210603161405124.htm