Đề thi phân hóa cao, CSGDĐH nên đưa Công nghệ-Công nghiệp vào tổ hợp xét tuyển

Khi Công nghệ - Công nghiệp có trong tổ hợp xét tuyển sẽ giúp cho trường tuyển được các em có niềm yêu thích, năng lực và nền tảng về công nghệ, kỹ thuật tốt.

Để đảm bảo công tác ôn tập tốt nhất cho học sinh - lứa đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngày 18/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 18 đề thi tham khảo của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trong đó có đề thi môn Công nghệ - Công nghiệp.

Đề thi tham khảo tập trung vào chủ đề liên quan công nghệ điện, điện tử - những lĩnh vực đang được quan tâm tại Việt Nam

Theo nhiều thầy cô đánh giá, đề thi tham khảo môn Công nghệ - Công nghiệp tuân thủ đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cấu trúc, định dạng của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Đề thi gồm 28 câu hỏi với tổng số 40 lệnh hỏi. Trong đó, 24 câu trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn (tương đương với 24 lệnh hỏi) và 04 câu trắc nghiệm dạng đúng - sai (tương đương 16 lệnh hỏi).

Hơn nữa, đề thi thể hiện đầy đủ 3 cấp độ tư duy, bảo đảm tỉ lệ 40% cấp độ biết, 30% cấp độ hiểu và 30% cấp độ vận dụng. Cụ thể, các câu từ 01 đến 12, và 04 nhận định a) trong câu đúng - sai đánh giá cấp độ tư duy ở mức biết; các câu từ 13 đến 20, và 04 nhận định b) trong câu đúng - sai đánh giá cấp độ tư duy ở mức hiểu; các câu từ 21 đến 24, và 08 nhận định c), d) trong câu đúng - sai đánh giá cấp độ tư duy ở mức vận dụng.

Qua đề thi tham khảo có thể đánh giá tương đối đồng đều, toàn diện các năng lực công nghệ, bám sát các yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể, số lệnh hỏi cho từng năng lực thành phần của năng lực công nghệ gồm: nhận thức công nghệ (10 lệnh hỏi), giao tiếp công nghệ (12 lệnh hỏi), sử dụng công nghệ (10 lệnh), đánh giá công nghệ (03 lệnh hỏi), thiết kế kĩ thuật (07 lệnh hỏi). Tỉ lệ các lệnh hỏi trên tương đối sát, phù hợp với nội dung môn Công nghệ - Công nghiệp ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Đặc biệt, đề thi đã bám sát nội dung chương trình môn Công nghệ - Công nghiệp, tập trung vào lớp 12 với hai chủ đề lớn là công nghệ điện và công nghệ điện tử, những lĩnh vực đang rất được quan tâm trong chiến lược phát triển nhân lực bán dẫn Việt Nam trong giai đoạn tới. Nội dung đề thi phản ánh tương đối toàn diện các mạch nội dung của môn học, thể hiện được những nội dung cốt lõi, nền tảng, trọng tâm làm nổi bật vai trò, ý nghĩa quan trọng của môn Công nghệ - Công nghiệp trong việc định hướng, trang bị tri thức nền tảng, năng lực cốt lõi cho học sinh có xu hướng lựa chọn ngành nghề liên quan tới khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học (ngành nghề STEM).

Nhằm phản ánh tương đối đầy đủ và toàn diện năng lực công nghệ, cấp độ tư duy, bám sát chương trình môn Công nghệ - Công nghiệp, đề thi đã làm nổi bật được tính đại cương, cơ sở, nền tảng của kĩ thuật công nghệ, phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học (STEM).

Đề thi có thể đảm bảo tính chính xác, khoa học và ý nghĩa, hoàn toàn xứng đáng và cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng lựa chọn môn Công nghệ - Công nghiệp như một môn học thuộc tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025 từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Sẽ đề xuất đưa môn Công nghệ - Công nghiệp vào tổ hợp xét tuyển năm 2025

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, đề thi tham khảo môn Công nghệ - Công nghiệp đã đạt được yêu cầu của môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi thể hiện được cả kiến thức của cả 3 lớp 10, 11, 12 (số câu chủ yếu nằm ở kiến thức lớp 12 nhiều hơn).

Hơn nữa, đề thi còn có mức độ phân hóa rõ rệt, nhằm hướng tới mục tiêu để các cơ sở giáo dục đại học đào tạo lĩnh vực khoa học, công nghệ sử dụng kết quả môn thi Công nghệ - Công nghiệp trong tổ hợp xét tuyển. Cấu trúc đề thi phù hợp với tỷ lệ giữa các câu lựa chọn, lựa chọn đúng sai, câu hỏi nhận biết, hiểu, vận dụng, đồng thời còn rất sát với kiến thức chương trình giáo dục phổ thông 2018 của nhiều bộ sách giáo khoa.

 Đề thi tham khảo môn Công nghệ - Công nghiệp của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025

Đề thi tham khảo môn Công nghệ - Công nghiệp của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025

Đối với riêng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Hồng bày tỏ, phần lớn các ngành học của nhà trường là các ngành về khoa học, công nghệ, kỹ thuật gắn với kiến thức nền tảng về công nghệ, công nghiệp. Do đó, khi môn này có trong tổ hợp xét tuyển sẽ giúp nhà trường tuyển được các em có niềm yêu thích, năng khiếu, năng lực, nền tảng về công nghệ, kỹ thuật tốt.

Không những vậy, với cách thức tổ chức thi mới cùng việc xây dựng đề thi như vậy, thầy Hồng cho rằng đây sẽ là “cú hích” rất tốt cho năm 2025 khi thí sinh sẽ quan tâm và lựa chọn thi môn Công nghệ - Công nghiệp nhiều hơn. Bởi, lựa chọn này vừa giúp các em phát huy năng khiếu, vừa là cơ hội để các em xét tuyển vào các trường đại học khối khoa học, công nghệ mà bản thân mong muốn. Ngoài ra, đề thi này thể hiện định hướng nghề nghiệp đúng đắn mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã đặt ra.

Thầy Hồng cho rằng các trường đại học khối kỹ thuật, công nghệ nên xem xét đưa môn Công nghệ - Công nghiệp vào tổ hợp xét tuyển để tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các em học sinh có năng khiếu về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các trường trung học phổ thông nên bám sát vào đề thi tham khảo môn Công nghệ - Công nghiệp để ôn tập cho những học sinh có nhu cầu.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam - Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đề thi tham khảo môn Công nghệ - Công nghiệp đảm bảo đánh giá được năng lực, phẩm chất của học sinh và phủ được kiến thức môn học này ở cấp trung học phổ thông. Hơn nữa, đề thi còn thể hiện rõ nét đặc trưng môn Công nghệ, giúp đánh giá được thí sinh về tư duy về kỹ thuật, khả ứng ứng dụng thực tiễn trên sản phẩm công nghệ, tư duy thiết kế ra sao. Điều này là rất đúng với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi đề thi không chỉ đề cập đến lý thuyết mà cả tính vận dụng thực tiễn.

Trên thực tế, các trường đại học đào tạo khối STEM, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật rất cần tố chất về công nghệ của những sinh viên tương lai. Do đó, những cơ sở này nên lưu ý đến việc đưa môn này vào tổ hợp xét tuyển của mình. Riêng đối với khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Nam bày tỏ, là một đơn vị đào tạo về giáo viên Công nghệ, chắc chắn khoa sẽ đề xuất Nhà trường đưa môn Công nghệ - Công nghiệp vào đề án tuyển sinh năm 2025. Tuy nhiên, vấn đề làm sao để cho nhiều đơn vị cũng đào tạo về công nghệ, kỹ thuật tương tự đưa môn này vào tổ hợp xét tuyển lại không phải đơn giản.

Việc có môn thi trong tổ hợp xét tuyển phù hợp với khả năng của người học và mục tiêu, chiến lược đào tạo của trường đại học sẽ tạo hứng thú học tập hơn cho các em sinh viên. Từ đó, tránh được câu chuyện chọn nhầm ngành học gây lãng phí nguồn lực của gia đình, xã hội, của nhà trường.

Cũng theo thầy Nam, độ phân hóa của đề thi tham khảo môn Công nghệ - Công nghiệp vừa đáp ứng được các yêu cầu chung vừa có một số câu ở mức độ cao hơn như vận dụng vào bối cảnh thực tiễn đòi hỏi độ hiểu sâu, thể hiện ý tưởng liên quan đến những thiết kế để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Ngoài câu chuyện đánh giá, phân loại được thí sinh, đề thi này còn giúp định hướng cho giáo viên bậc trung học phổ thông phải chú trọng đến việc phát triển về năng lực, phẩm chất cho người học trong quá trình giảng dạy. Trước đây, tâm lý chung của xã hội vẫn coi môn Công nghệ là môn phụ, không mấy chú ý. Tuy nhiên, bám sát theo đề thi tham khảo như vậy và nếu môn Công nghệ - Công nghiệp nằm trong tổ hợp xét tuyển đại học, mỗi giáo viên tất yếu phải thay đổi phương pháp giảng dạy đúng đắn, phù hợp hơn thay vì chỉ giảng dạy cho người học đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như trước đây.

Để những mục tiêu mà đề thi đã xây dựng và đặt ra, thầy Nam cho rằng, cần có sự tuyên truyền rộng rãi hơn về việc sử dụng môn Công nghệ - Công nghiệp vào tổ hợp xét tuyển đại học. Trong đó, cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của các cơ sở giáo dục đại học, nhất là những trường đào tạo khối STEM.

Đề thi có sự phân hóa thí sinh rõ ràng, hạn chế việc chọn đáp án ngẫu nhiên

Cùng đánh giá về đề thi tham khảo môn Công nghệ - Công nghiệp, thầy Trang Minh Thiên - giáo viên môn Công nghệ, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Việt Dũng, Quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ bày tỏ: Đề thi được xây dựng theo đúng tinh thần cấu trúc của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó, gồm 2 phần, 40 lệnh hỏi và thể hiện đầy đủ 5 năng lực Công nghệ của chương trình.

Trong đó Phần I gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn; Phần II gồm 4 câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai. Có thể nói, Đề thi minh họa môn Công nghệ - Công nghiệp được thiết kế để đánh giá năng lực toàn diện của học sinh, từ kiến thức lý thuyết đến khả năng áp dụng thực tế.

Trong đó, các hỏi trắc nghiệm đúng/sai giúp phân loại thí sinh rõ ràng hơn, hạn chế việc chọn đáp án ngẫu nhiên. Cụ thể, các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần, từ cơ bản đến nâng cao, giúp phân loại thí sinh dựa trên khả năng giải quyết vấn đề và tư duy logic. Trong phần I của đề, các câu hỏi từ 1-12 được xây dựng các câu hỏi ở mức độ Biết, từ câu 13-20 là các câu hỏi ở mức độ Hiểu và các câu còn lại từ 21-24 là câu ở mức độ vận dụng; Phần II, các câu hỏi đều được xây dựng theo những bối cảnh thực tiễn, có vấn đề và phân bố theo cấp độ tư duy với các lệnh hỏi a, b là Biết, Hiểu và c,d là các lệnh vận dụng kiến thức.

Cách ra đề như vậy nhằm yêu cầu thí sinh phải có kiến thức chắc chắn, giảm thiểu khả năng chọn đáp án ngẫu nhiên.

 Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Đặc biệt, theo thầy Thiên, đề thi cũng bám sát kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp học sinh và giáo viên có định hướng rõ ràng trong quá trình ôn tập. Theo đó, từ các nguyên lý cơ bản của công nghệ đến các ứng dụng thực tiễn trong công nghiệp. Đơn cử, ở chương trình lớp 10, 11, đề tập trung vào nội dung đại cương về công nghệ, khái quát về kĩ thuật thể hiện được tính tổng quát của chương trình và nội dung.

Hơn nữa, đề thi không chỉ kiểm tra lý thuyết mà còn đánh giá khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế, giúp thí sinh thể hiện được kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo, đặc biệt là ở các câu trắc nghiệm đúng sai, thông qua các bối cảnh có ý nghĩa về công nghệ và vận dụng kiến thức thực tiễn vào cuộc sống giúp học sinh tư duy mạnh mẽ hơn về môn học. Bên cạnh đó, các câu hỏi trong đề thi được thiết kế để chuẩn bị cho học sinh những kiến thức nền tảng cần thiết, khuyến khích học sinh phát triển tư duy kỹ thuật và khả năng phân tích, điều này rất quan trọng cho việc học tập và nghiên cứu ở bậc đại học.

Có thể nói, với những ưu điểm trên cho thấy đề thi tham khảo môn Công nghệ - Công nghiệp đã trở thành căn cứ đáng tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học đào tạo khối khoa học, công nghệ, kỹ thuật xem xét sử dụng, lựa chọn môn học này vào tổ hợp xét tuyển để đảm bảo chọn lọc được những thí sinh có nền tảng kiến thức vững chắc và kỹ năng thực hành tốt.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-thi-phan-hoa-cao-csgddh-nen-dua-cong-nghe-cong-nghiep-vao-to-hop-xet-tuyen-post246353.gd