Để thị trường ổn định, lành mạnh
Đã thành thông lệ, dịp cuối năm thường là mùa cao điểm mua sắm. Năm nay, Tết Dương lịch lại cận với Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao hơn các dịp khác trong năm.
Để chuẩn bị cho đợt mua sắm cuối năm, cơ quan quản lý đã sớm xây dựng kế hoạch và yêu cầu các đơn vị phân phối chuẩn bị nguồn hàng, bố trí kho và dự trữ hàng hóa, cũng như phương án vận chuyển đến điểm cung ứng trong trường hợp lượng người mua tăng cao. Các doanh nghiệp sản xuất, nhất là những mặt hàng thiết yếu, được yêu cầu chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu, bố trí nhân lực để tăng sản lượng hàng ra thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối cũng liên kết với nhau xây dựng các chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu mua sắm.
Năm nay, cộng đồng doanh nghiệp lo ngại sức mua giảm. Từ đầu năm 2024 đến nay, mức tiêu thụ nhiều mặt hàng có phần chững lại, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phần nào phản ánh sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng là tiết giảm chi phí, chỉ ưu tiên cho hàng hóa thiết yếu.
Trong khi đó, người tiêu dùng lo ngại dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng tăng, nhất là vào cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, giá cả hàng hóa lại tăng theo. Chưa kể hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng có thể trà trộn đưa vào tiêu thụ. Rồi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng có thể phát sinh nếu không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ.
Giá cả hàng hóa cũng là vấn đề mà cơ quan quản lý lo ngại, bởi cung cầu không bảo đảm, giá cả hàng hóa không được kiểm soát tốt, tăng đột biến, có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá chung và mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm. Nếu lạm phát không được kiểm soát hiệu quả, chất lượng tăng trưởng kinh tế và đời sống của người dân sẽ bị tác động tiêu cực.
Vì thế, chủ động chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho dịp mua sắm cuối năm và dịp Tết từ sớm là việc quan trọng. Việc này, nhiều năm qua cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều đã có kinh nghiệm, như câu chuyện các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đã sẵn sàng dự trữ lượng hàng tăng từ 20% đến 30% so với ngày thường hoặc ký kết hợp đồng sớm để bảo đảm bình ổn giá. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các chương trình kích cầu cần được tổ chức sâu, rộng hơn; các chương trình khuyến mại, giảm giá cần nhiều hơn và thiết thực hơn. Thông qua hoạt động kích cầu mua sắm, khuyến mại, giảm giá, người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng xu hướng chi tiêu; đồng thời doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Trong các đợt cao điểm cung ứng hàng hóa, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi bán lẻ luôn phát huy vai trò bình ổn giá cả, bình ổn thị trường. Do đó, ngoài việc chủ động nguồn hàng, hệ thống phân phối này cần chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, linh hoạt giờ đóng mở cửa phục vụ người tiêu dùng, không để hàng trống trên quầy kệ, đặc biệt là bảo đảm chất lượng hàng, rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường triển khai các tuần hàng Việt, hội chợ hàng Việt, đưa hàng Việt đến khu vực ngoại thành, khu công nghiệp; kết nối với các địa phương để đưa hàng hóa chất lượng về Hà Nội tiêu thụ. Đây là dịp để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, đồng thời phát huy hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bình ổn thị trường.
Cùng với đó, các cấp, ngành chủ động kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần bảo đảm thị trường ổn định, lành mạnh.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-thi-truong-on-dinh-lanh-manh-683479.html