Để Thủ đô phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ mới với sự phát triển và cạnh tranh toàn cầu, Thủ đô Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức về phát triển bền vững, cần có những cách tiếp cận mới để giữ vững vị thế trong nước và hội nhập quốc tế thành công.

 Thủ đô Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội và thách thức về phát triển bền vững. Ảnh: Nguyễn Quang

Thủ đô Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội và thách thức về phát triển bền vững. Ảnh: Nguyễn Quang

Thủ đô Hà Nội trong 70 năm qua luôn phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn và nổi bật. Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước; đồng thời tập trung phát triển cả kinh tế và văn hóa, xã hội. Đặc biệt, tại Kỳ họp tháng 5.2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; tạo nền tảng cơ bản để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ mới với sự phát triển và cạnh tranh toàn cầu, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức về phát triển bền vững, cần có những cách tiếp cận mới để giữ vững vị thế trong nước và hội nhập quốc tế thành công.

Thực tế cho thấy, các thành phố tạo ra hơn 80% GDP toàn cầu trong khi chỉ chiếm khoảng 3% diện tích đất của trái đất. Hơn nữa, các thành phố ngày nay không chỉ là trung tâm kinh tế mà được xem là một tập hợp các giá trị, lợi ích đa dạng. Sức hấp dẫn của một thành phố là sản phẩm của các nguồn lực do chính quyền thành phố và hệ sinh thái kinh tế - xã hội - môi trường của thành phố chủ động tạo ra. Do đó, các thành phố hàng đầu thế giới luôn phải thúc đẩy việc tạo vốn, như Ngân hàng Thế giới đã lưu ý: “Một thành phố cạnh tranh là thành phố tạo điều kiện thành công cho các công ty và ngành công nghiệp của mình tạo việc làm, nâng cao năng suất và tăng thu nhập của người dân theo thời gian”. Nguồn vốn của thành phố và sự tương tác giữa các hình thức khác nhau của nó quyết định chất lượng cuộc sống đô thị hiện tại và khả năng sinh sống của thành phố.

Với cách tiếp cận đô thị như vậy, chúng ta có thể đề xuất 5 giải pháp để Thủ đô phát triển bền vững hơn nữa nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước.

Một là, cần xác định và tập trung huy động toàn diện 5 nguồn lực của Thủ đô đến từ các nguồn vốn cơ bản. Cụ thể, với nguồn vốn kinh tế (được tạo ra thông qua các loại phí, thuế, tiền thuê đất, trái phiếu và các khoản thu khác), chúng ta có thể dùng để tái đầu tư để tạo ra thêm vốn kinh tế (ví dụ như đầu tư cơ sở hạ tầng) và hỗ trợ hoặc tăng cường các hình thức vốn khác.

Với nguồn vốn tự nhiên là những nguồn lực tự nhiên của Thủ đô như mặt nước, đất đai và cây xanh… Các khoản đầu tư vào vốn tự nhiên, chẳng hạn như công viên, thường tác động trực tiếp đến các hình thức vốn khác, đặc biệt là vốn con người. Vì vậy, cần nghiên cứu và đầu tư mạnh mẽ vào các khu vực sông, hồ của Hà Nội để phát huy tối đa hiệu quả vốn tự nhiên này.

Vốn con người (bao gồm các kỹ năng, kiến thức và năng lực sản xuất giúp cá nhân tạo ra thêm vốn) đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế; và giáo dục chính là cách thức cơ bản để tích lũy vốn con người. Vì thế, đầu tư vào giáo dục là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguồn vốn xã hội đến từ quy mô và chất lượng của thể chế kinh tế chính trị, môi trường pháp lý, kinh doanh, văn hóa, giáo dục, tổ chức xã hội và gia đình. Với dân số gần 8,5 triệu người (2022), đứng thứ 2 cả nước, Hà Nội có một nguồn lực xã hội và con người vô cùng to lớn nếu như chúng ta quản trị và phát huy tối đa các nguồn lực này. Phát triển tốt vốn xã hội sẽ thúc đẩy uy tín, danh tiếng và thương hiệu của Thủ đô để thu hút đầu tư, di cư của nhân tài và các hình thức vốn khác.

Về nguồn vốn sản phẩm, đây là nguồn lực nền tảng và mục đích của nền kinh tế phát triển bền vững. Do vậy, cần có chính sách thúc đẩy và phát triển các sản phẩm “made in Vietnam” cốt lõi trong các ngành sản xuất công nghiệp chiến lược quốc gia, để bảo đảm chỗ dựa vững chắc cho nguồn lực đầu vào của các dự án then chốt trong các ngành ưu tiên như nông nghiệp, năng lượng và giao thông hiện đại… cũng như lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Hai là, xây dựng chính quyền là đối tác hiệu quả với hệ thống sinh thái của Thủ đô để chủ động phát triển các nguồn vốn. Quá trình xây dựng mô hình hệ thống Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa không chỉ đòi hỏi kiến thức mà còn cần trí sáng tạo, đổi mới và đột phá trong tư duy của lãnh đạo chính quyền. Là thực thể then chốt của thành phố, vai trò của chính quyền là xây dựng mô hình và hệ thống tạo ra vốn giúp tăng năng suất vốn của các thành viên khác trong hệ sinh thái, giúp nuôi dưỡng những người đổi mới để thúc đẩy sự sáng tạo về phát triển các nguồn lực.

Thủ đô Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội và thách thức về phát triển bền vững

Thủ đô Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội và thách thức về phát triển bền vững

Ba là, thiết lập khung ngân sách vốn - bao gồm hàng loạt quy trình được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, các dự án nhằm phát triển Thủ đô. Thiết lập khung ngân sách sẽ giúp quản lý tốt ngân sách và tái cơ cấu đầu tư công, đồng thời cũng đánh giá được hiệu quả các chính sách công đã đặt ra.

Bốn là, xây dựng mô hình quản trị Thủ đô. Ở đây được chia thành 4 cấp độ quản lý. Đó là cấp độ chiến lược: đặt ra một kế hoạch dài hạn cho việc phân chia việc tạo vốn, cách thành phố sẽ đầu tư vào việc tạo vốn để tạo điều kiện cho hệ sinh thái của Thủ đô phát triển các nguồn lực. Cấp độ hành động: biến các mục tiêu thành các kế hoạch cụ thể bằng cách phát triển quan hệ đối tác với các thành viên chủ chốt của hệ sinh thái Thủ đô để xây dựng cơ sở hạ tầng cứng và mềm.

Cấp độ phân tích và hệ thống hóa: hỗ trợ việc ra quyết định của hai cấp độ trên bằng cách báo cáo về tình trạng hiện tại, dự kiến tương lai của thành phố thông qua kho dữ liệu và thiết lập các tiêu chuẩn dữ liệu, quy trình tạo, duy trì và truy cập dữ liệu. Cấp độ quản trị hiệu suất liên tục: bảo đảm hoạt động liên tục 24/7 của các dịch vụ cốt lõi của Thủ đô, đặc biệt là trong thời điểm khủng khoảng và cấp thiết.

Năm là, định vị Thủ đô trong mạng lưới đô thị quốc gia và khu vực. Hà Nội cần định vị trong mối quan hệ không gian với các tỉnh, thành phố cả nước nói chung và ở khu vực tam giác tăng trưởng phía Bắc nói riêng, đặc biệt là kết nối cửa ngõ thông thương ra Biển Đông với cụm cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) lớn nhất cả nước. Ngoài ra, cần có quan hệ đối tác chiến lược trọng điểm với các trung tâm kinh tế, Thủ đô của 8 nước phát triển có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Thực hiện tốt các giải pháp trên, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần xây dựng được Thủ đô Hà Nội xứng đáng với niềm tin vào một đất nước có vị thế cạnh tranh mạnh mẽ và phát triển bền vững ở khu vực cũng như thế giới trong nửa đầu của kỷ nguyên công nghệ mới.

TS. Đoàn Duy Khương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/de-thu-do-phat-trien-ben-vung-trong-ky-nguyen-moi-post392711.html