Để trở thành tinh hoa của đất nước
Kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024, có tỷ lệ chọi rất cao, áp lực lớn. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, kỳ thi này được đánh giá là 'căng thẳng' hơn xét tuyển vào đại học, bởi chỉ có khoảng 55% đến 70% học sinh giành được 'tấm vé' vào lớp 10 các trường công lập.
Nguyên nhân sâu xa của kỳ thi này liên quan đến Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025": Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Vậy nên, chỉ tiêu vào lớp 10 mỗi năm ở các địa phương sẽ giảm dần.
Chủ trương là như vậy, nhưng tư tưởng "học để tiến thân" đã in hằn trong tâm trí của không chỉ nhiều thế hệ phụ huynh mà cả học sinh đã đẩy các em vào tâm thế cảm thấy số phận của mình được quyết định bởi một kỳ thi chứ không phải do chính bản thân. Bởi vậy, nhiều gia đình quyết chí và tìm mọi cách cho con học để vào đại học, thay vì chọn ngành phù hợp với năng lực và sự yêu thích của các em. Nên thực tế kỳ thi này cạnh tranh rất gay gắt, còn mục tiêu phân luồng vẫn không đạt được.
Bên cạnh đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế, nếu học trường tư, học phí rất cao, đa số phụ huynh không theo được hoặc phải cố theo nên sẽ gặp áp lực chi phí, nên vào được trường công vẫn là mục tiêu số 1. Điều mà phụ huynh băn khoăn nhất là nếu con không học lên lớp 10 thì sẽ đi đâu, làm gì?
Hoang mang, thậm chí là bế tắc, cảm thấy mù mịt khi biết năng lực con em mình khó có thể đỗ vào trường trung học phổ thông công lập... có cách nào khác để giải quyết được vấn đề này để giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh, nhà trường và xã hội?
Tình trạng thi cử nặng nề, gây sức ép lớn với nhà trường, học sinh, phụ huynh ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… có nguyên nhân chính ở việc thiếu phân luồng sau trung học cơ sở. Trước thực tế kỳ thi khốc liệt như vậy, cần phải tăng cường tư vấn cho học sinh, phụ huynh không chỉ tập trung vào việc "làm sao để thi đỗ" mà nên đặt ra cả tình huống "khi thi trượt".
Mục tiêu đặt ra là 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp trong trường công vẫn chưa được chú trọng, việc hướng nghiệp chưa đủ tốt. Các trường trung học cơ sở rất ít khi được tiếp cận với các trường đào tạo nghề, không có thông tin để tư vấn, định hướng cho phụ huynh, học sinh cơ hội hiểu biết về điểm mạnh, điểm yếu, về các cơ hội học tập và con đường tiếp theo... để trẻ có những lựa chọn khác ở tâm thế chủ động. Chính điều này càng khiến cho đa phần học sinh học hết lớp 9 không tính đến con đường khác ngoài mục tiêu phải vào trung học phổ thông, gây quá tải cho hệ thống công lập.
Tư vấn tốt sẽ giúp cha mẹ và học sinh hiểu rõ để chủ động chọn lối đi khác mà không nhất thiết phải lao vào kỳ thi "một mất, một còn" này. Tạo hóa rất công bằng và luôn trao cho mỗi con người một khả năng và kèm theo đó là những cơ hội để đảm bảo mỗi người sinh ra đều có thể tồn tại và phát triển, cùng nhau tạo nên một xã hội cân bằng, lành mạnh. Có người lao động trí óc thì cũng cần rất nhiều người lao động chân tay để xã hội có thể tồn tại và phát triển.
Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong xã hội những người đạt được thành công, danh vọng mà không nhất thiết phải học cao, đó là một người thợ thủ công tài hoa trở thành một doanh nhân thành đạt, một người công nhân "có bàn tay vàng", một nông dân sản xuất giỏi, một vận động viên điền kinh đẳng cấp quốc tế, rồi cả những nghệ sĩ, ca sĩ được số đông đảo người hâm mộ nhờ tự học… Họ đều là tinh hoa của đất nước. Điều này chứng tỏ rằng, một người bình thường, không cần bằng cấp nhưng vẫn luôn có thể trở thành tinh hoa trong nghề nghiệp của mình nếu như cá nhân ấy không ngừng học hỏi, phấn đấu, có đam mê và quyết tâm biến những ước mơ của mình thành sự thật. Tuy nhiên, chúng ta chưa thấy trên đời này có một ai thành công dù là một chút mà không học cả, trái lại họ còn học rất rất nhiều.
Ngày nay, xã hội cần nhiều người có trình độ cao được đào tạo bài bản ở các trường đại học để phát triển đất nước nhưng cũng rất cần nhiều người thành thạo chuyên môn, tay nghề vững chắc, chuyên nghiệp trở thành người lao động có trình độ tiên tiến. Một xã hội coi trọng việc học là xã hội văn minh, tất cả các công dân đều sẵn sàng lao động và tự hào vì sự lao động trung thực, chân chính của mình nhất định sẽ là một xã hội no ấm, hạnh phúc.