Để trường đại học thành đại học: Mở thế nào?

Tại Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 của Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị nhà trường sớm có đề án đổi tên trường thành ĐH Sức khỏe TPHCM. Chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Sinh viên trong giờ thực hành. Ảnh minh họa/ Internet

Sinh viên trong giờ thực hành. Ảnh minh họa/ Internet

Có ý kiến cho rằng, Bộ trưởng nói như vậy không sai vì luật đã cho phép và “mở cửa” để các trường ĐH trở thành ĐH đa lĩnh vực nếu hội đủ các điều kiện.

Luật đã cho phép

Lý giải về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: ngoài việc xây dựng đề án tự chủ ĐH, Trường ĐH Y Dược TPHCM đang xây dựng đề án thành lập ĐH Sức khỏe. Hiện nay, Trường ĐH Y Dược có các khoa như: Y, Nha… Nếu trở thành ĐH Sức khỏe sẽ có các trường ĐH thành viên. Ý tưởng thành lập ĐH Sức khỏe với nhiều trường ĐH thành viên là việc làm mang tính khoa học và thực tế nhiều nước đã có mô hình này. Đây là việc làm phù hợp với xu hướng phát triển, hội nhập và cũng là cơ hội để Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh phát triển thành một ĐH.

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, ĐH là cơ sở GD ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành ĐH cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Điều 15 Luật này có nêu: Cơ cấu tổ chức của ĐH gồm: Trường ĐH, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của ĐH. Cơ cấu tổ chức cụ thể của ĐH, mối quan hệ, mức độ tự chủ của đơn vị thành viên và đơn vị thuộc, trực thuộc ĐH được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH.

“Đối với trường ĐH có thể hạn chế hơn vì quy mô về sinh viên, ngành nghề nhỏ hơn và sự đa dạng về nghiên cứu trong lĩnh vực ĐH cũng không nhiều. Tuy nhiên những hạn chế này chính là lợi thế của mô hình ĐH. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới phát triển hệ thống ĐH theo chiều dọc, đòi hỏi mỗi một lĩnh vực phải có nhiều ngành đóng góp. Chẳng hạn: Ngành y khoa cần có đóng góp của ngành công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu... Đây chính là thế mạnh của mô hình ĐH để có thể đáp ứng yêu cầu này” - TS Võ Thanh Hải dẫn giải.

Liên quan đến vấn đề này, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) nêu ý kiến: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH cho phép, trường ĐH có thể trở thành ĐH nếu đủ các điều kiện. Mỗi mô hình đều có những thuận lợi và khó khăn riêng nhưng khi trường ĐH trở thành ĐH thì quy mô sẽ lớn hơn, số ngành nghề đa dạng hơn và việc phát triển theo diện rộng có nhiều thuận lợi hơn các trường ĐH. Bởi khi trở thành ĐH sẽ tập hợp được nhiều ngành nghề, giải quyết bài toán tổng thể hơn so với các trường ĐH chuyên ngành; đồng thời phát triển nguồn nhân lực đồng đều hơn.

Xu hướng ĐH đa lĩnh vực

Nếu trường ĐH bảo đảm các điều kiện cần và đủ thì có thể trở thành ĐH. Ảnh: Minh Phong

Nếu trường ĐH bảo đảm các điều kiện cần và đủ thì có thể trở thành ĐH. Ảnh: Minh Phong

Theo TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, ĐH đa lĩnh vực là mô hình trường phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại Anh quốc, các quốc gia Bắc Mỹ như: Hoa Kỳ, Canada, các nước Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... và khu vực Đông Nam Á gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia...

Nét nổi trội của các ĐH đa lĩnh vực là bao quát được nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau nên huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết các nhiệm vụ to lớn về đào tạo, nghiên cứu khoa học mà một trường ĐH chuyên ngành không thể đảm đương nổi. Đó là: Tạo cơ hội cho mọi giảng viên được đi sâu vào chuyên môn của mình, cho phép người học được lựa chọn để học với những người thầy giỏi nhất, nhà trường mở ra các chương trình liên ngành một cách nhanh nhất.

“Chính vì vậy, ĐH đa lĩnh vực thường được nhiều nước trên thế giới ưu tiên lựa chọn. Tại nhiều nước, đặc biệt ở các nước đang phát triển, có khuynh hướng chuyển đổi các ĐH chuyên ngành thành các ĐH đa lĩnh vực” - TS Lê Viết Khuyến cho hay.

GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) trao đổi: ĐH đa lĩnh vực sẽ có nhiều ưu thế hơn so với trường ĐH đơn ngành. Thứ nhất là bảo đảm đào tạo tốt về kiến thức GD đại cương, hay còn gọi là GD khai phóng. Thứ hai, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu liên ngành nhằm phục vụ xã hội. Vì nếu trường ĐH đơn lĩnh vực thì không đủ sức để làm nghiên cứu phục vụ liên ngành, đa ngành. Thứ ba, ĐH đa lĩnh vực dễ thích nghi với thị trường lao động luôn vận động không ngừng.

“Trên thế giới phần lớn đều xây dựng theo hướng ĐH đa lĩnh vực. Ở Việt Nam, luật đã cho phép, nên trường nào đủ điều kiện có thể phát triển thành ĐH đa lĩnh vực là hoàn toàn hợp lý” - GS Lâm Quang Thiệp nêu quan điểm.

Theo TS Võ Thanh Hải, dù là trường ĐH hay ĐH thì mỗi mô hình đều có những thế mạnh riêng và chúng ta cần phát huy những thế mạnh đó. Vấn đề là, khi các trường ĐH có quy mô đủ lớn và bảo đảm đầy đủ các điều kiện về nguồn lực cũng như cơ sở vật chất thì có thể trở thành ĐH vì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã cho phép điều này.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/de-truong-dai-hoc-thanh-dai-hoc-mo-the-nao-4034583-b.html