Để truyền thống 'Tôn sư trọng đạo' được lan tỏa

Nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2021), phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Quát, Chủ tịch Hội cựu giáo chức tỉnh để hiểu rõ hơn về truyền thống 'tôn sư trọng đạo' được giữ gìn và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các thế hệ học trò và toàn xã hội. Sau đây là nội dụng cuộc trao đổi

Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: Minh Quang

Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên: Xin ông cho biết, truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam đã được gìn giữ và phát huy như thế nào?

Ông Nguyễn Đăng Quát: Trong quá trình dựng nước, giữ nước của cha ông ta, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong xã hội xưa, vai trò của người thày rất được coi trọng, cha con các thế hệ bảo nhau "Không thày đố mày làm nên" hay "Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thày", "Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thày"... "Tôn sư trọng đạo" không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Bác coi trọng việc trồng người cần lâu dài "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang"; "Những thày giáo tốt là những anh hùng vô danh".

Trong công cuộc phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam rất coi trọng vai trò của ngành Giáo dục và Đào tạo. "Giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển", "Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh. Giáo viên phải có đủ đức, tài". Do đó, trong xã hội học tập và mọi người được học tập như hiện nay, vai trò người thầy ngày càng quan trọng. Ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã có rất nhiều những thầy, cô giáo vì sự nghiệp trồng người, vì các thế hệ tương lai của đất nước. Khi đã về hưu, những người thầy tiếp tục mang tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của mình tham gia hoạt động Hội Cựu giáo chức, góp phần thực hiện chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo phục vụ nhiệm vụ CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phóng viên: Là nhà giáo đã giảng dạy và công tác trong ngành Giáo dục, tham gia các hoạt động của Hội Cựu giáo chức tỉnh nhiều năm qua, theo ông, đạo thầy trò xưa và nay có gì khác?

Ông Nguyễn Đăng Quát: Với học trò xưa, điều kiện sống, học tập rất thiếu thốn nhưng luôn chủ động, tự giác trong học tập, nỗ lực vượt qua khó khăn để phấn đấu học tập tốt. Tuy nhiên, học trò xưa vẫn e dè, nhút nhát trong giao tiếp, chưa có sự gần gũi với thầy cô trong quá trình học cũng như chia sẻ những điều băn khoăn trong cuộc sống. Rất hiếm gặp sự xung đột giữa học sinh với nhau hoặc giữa thầy cô với ọc trò. Thầy cô là người chủ động truyền kiến thức cho học trò, có những học trò nghèo hiếu học được thầy cưu mang dạy dỗ... Sự tri ân học trò với thầy cô xưa kín đáo, tạc dạ trong lòng, như thời phong kiến, học trò lập Hội đồng môn để họp lại với nhau, chăm sóc thầy cô khi đau yếu, tang lễ khi thầy mất...

Đối với học trò hiện nay, trong điều kiện đất nước phát triển, các em có điều kiện học tập tốt hơn, thông minh, nhanh nhẹn, bạo dạn, áp lực học tập nhiều hơn. Học sinh hiện nay rất chủ động, sáng tạo trong học tập, gần gũi hơn với thầy cô, có thể tâm sự, trao đổi với thầy cô về những băn khoăn hay cách làm mới ở mỗi bài học, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Việc tri ân thầy cô với học sinh thời nay phong phú, tế nhị, đa dạng hơn, phù hợp với điều kiện phát triển xã hội hiện đại.

Mặc dù mỗi thế hệ học trò có cách ứng xử phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhưng đạo thầy trò xưa và nay vẫn luôn giữ nét đẹp truyền thống "Tôn sư trọng đạo" muôn đời. Bao thế hệ học trò đã làm rạng danh vùng đất Cố đô.

Trong đó, chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học được củng cố, nâng cao. Năm học 2020-2021, chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt điểm trung bình các bài thi 6,903, xếp thứ 3 toàn quốc; tham gia kỳ thi HSG Quốc gia, có 33 học sinh đạt giải; tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia, có 2/2 dự án đạt giải, gồm 1 giải Nhất, 1 giải Tư; có 1 học sinh tham gia cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" đạt giải Nhất vòng chung kết (tổ chức tháng 9/2020).

Phóng viên: Để giữ gìn truyền thống "Tôn sư trọng đạo" song hành với sự đổi mới của giáo dục hiện nay, theo ông, cần những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Đăng Quát: Thuận lợi của ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình là có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu dạy và học, liên tục được đào tạo chuẩn hóa và nâng chuẩn về trình độ theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành. Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh có 5 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo ưu tú. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về đào tạo trở lên ở các cấp học đạt cao. Cơ sở vật chất được tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 88,3%. Tính đến hết tháng 7/2021, toàn tỉnh có 94,7% trường học đạt chuẩn quốc gia; 140/143 xã, phường, thị trấn, 6 huyện, thành phố có 100% trường mầm non, tiểu học, THCS công lập đều đạt chuẩn quốc gia.

Tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ năm 1995, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS năm 2002; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2003.

Đến nay, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố vững chắc. Tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở các mức độ cao nhất. Cùng với lực lượng nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, Ninh Bình có đông đảo lực lượng cựu giáo chức tham gia vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Hiện 8/8 huyện, thành phố, 43/143 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội cựu giáo chức, với trên 6.600 hội viên.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội, vì vậy, để giữ gìn truyền thống "Tôn sư trọng đạo" song hành với sự đổi mới giáo dục hiện nay, đòi hỏi nhà trường thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả nội dung, chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoạch định.

Đồng thời, coi trọng hơn nữa việc giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh; phát huy hiệu quả học tập, tham quan tại nhà truyền thống và biên soạn, ấn hành cuốn sách lịch sử nhà trường; xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tích cực, chủ động tham gia với Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào cách mạng tại địa phương. Đối với mỗi nhà giáo, phải rèn đức, luyện tài; phải trở thành tấm gương về đạo đức, tự học, sáng tạo; phải có kỷ cương - tình thương - trách nhiệm; gương mẫu trước học sinh và trong cộng đồng dân cư, mỗi gia đình giáo viên phải là gia đình hiếu học, gia đình văn hóa ở địa phương.

Bên cạnh đó, sự tham gia của xã hội là nhân tố tác động tích cực trong việc giáo dục học sinh, nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em; phấn đấu rèn luyện con em đạt danh hiệu con ngoan, trò giỏi của gia đình, nhà trường; tạo điều kiện để con em thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tại nhà trường. Tham dự đầy đủ các buổi họp phụ huynh học sinh; thường xuyên liên lạc với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm về tình hình, kết quả học tập của con em; bình tĩnh lắng nghe và tỏ rõ chính kiến về việc con em phản ánh những biểu hiện tiêu cực của nhà trường hoặc của nhà giáo nơi con em học tập... Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình nhà trường, nhà giáo, tạo điều kiện để nhà trường, nhà giáo thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó...

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Hồng Vân (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-truyen-thong-ton-su-trong-dao-duoc-lan-toa/d20211119075230904.htm