Để vụ mùa năm 2020 bội thu

Thời điểm đầu tháng 7, vụ mùa năm 2020 đã bắt đầu, cần đầu tư những gì để có được bội thu.

Trải hàng ngàn năm canh tác lúa nước, người Việt đúc kết kinh nghiệm sản xuất thành tục ngữ, cao dao “Nhất nước, nhì phân, tam cần tứ giống” hoặc “Nhất thì, nhì thục” v.v… Tuy nhiên, trước những thay đổi về quan hệ sản xuất, tiến bộ khoa học công nghệ và biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan thì không thể chỉ áp dụng kinh nghiệm mà cần đổi mới cách thức canh tác nhằm thích ứng với những biến đổi nói trên.

Từ sau thực hiện khoán 10, nhiều nơi đã dồn điền đổi thửa, nhưng đến nay ruộng đất cơ bản vẫn manh mún, một hộ có đến năm ba thửa, các thửa ở những vị trí cách xa nhau. Tình trạng này cản trở đáng kể đến hoạt động cơ giới. Máy làm đất khó quay trở trên những thửa ruộng diện tích nhỏ. Phần đất máy không cày được khá nhiều, lại phải tay cuốc, chân dẫm làm nốt. Vấn đề đặt ra là vận động các hộ nhường nhịn, tự thỏa thuận để có những thửa đủ lớn, thuận tiện cho cơ giới hóa.

Hiện tại, ở hầu hết các hợp tác xã từng hộ vẫn tự lo làm mạ. Trên khắp các cánh đồng không kể lớn, nhỏ lô nhô những dược mạ với nhiều giống lúa khác nhau. Sâu bệnh phát sinh trên mỗi giống lúa khác nhau vào thời điểm khác nhau dẫn đến không thể phun thuốc đồng loạt. Vì thế sâu bệnh dễ lây lan, hiệu quả diệt trừ kém. Do các hộ cấy những giống khác nhau, trên cùng một cánh đồng còn xảy ra hiện tượng thửa chín sớm, thửa chín muộn. Có trường hợp thửa chín sớm ở giữa cánh đồng, máy không có đường vào, phải chờ. Đến khi được gặt thì lúa chín quá bị rơi rụng nhiều.

Vai trò của người đứng đầu hợp tác xã, của cán bộ khuyến nông cần được phát huy sao cho trên một cánh đồng, mỗi vụ chỉ gieo một đến hai giống lúa. Như thế thuận tiện cả khâu chăm sóc lẫn thu hoạch.

Nhiều năm trở lại đây, nông dân hầu như chỉ dùng phân vô cơ bón ruộng, gây nên tình trạng đất càng ngày càng bị thoái hóa. Dù đã áp dụng cơ giới trong hầu hết các khâu công việc, vẫn nên khuyến khích nuôi trâu bò, trong điều kiện có thể. Như vậy vừa làm phong phú nguồn thực phẩm, tăng thu nhập vừa có nguồn phân chuồng. Rất nên phục hồi làm phân xanh, nguồn phân hữu cơ lâu nay bị lãng quên. Chỉ có như vậy cây trồng mới tăng năng suất được.

Dứt điểm không dùng thuốc diệt cỏ để làm quang bờ ruộng, bờ vùng, bờ thửa

Chuột là kẻ thù nguy hiểm số một. Chúng ăn lương thực là thứ nuôi sống con người, phá hoại mùa màng hơn cả sâu bệnh. Người xưa xếp chuột lên đầu 12 con giáp chính là để nhắc nhớ điều này. Diệt chuột còn khó hơn diệt hổ. Loài chuột đẻ nhanh và nhiều, tập tính rất tinh ranh.

Có lần, khi nói về công tác bảo vệ, Bác Hồ dẫn câu tục ngữ xứ Nghệ: Bán chu mua chó, bán ló mua mèo. (Tiếng Nghệ: "chu" là trâu, "ló" là lúa)

Có thể phải bán cả “đầu cơ nghiệp” để có con vật giữ nhà, chống trộm

Mấu chốt là phải diệt chuột, chứ không phải ngăn chuột. Cách dùng ni lông vây quanh từng thửa ruộng như đã làm trong vụ vừa qua là rất không ổn. Ruộng này che, chuột chạy sang cắn lúa ruộng khác. Bắt đầu vụ mới cần phát động chiến dịch diệt chuột bảo vệ mùa màng. Từng hợp tác xã, từng thôn bản, đồng loạt ra quân diệt loài vật nguy hại này. Các chi đoàn thanh niên phát động mùa hè tình nguyện diệt chuột; huy động lực lượng học sinh nghỉ hè tham gia chiến dịch. Lần lượt trên các cánh đồng bờ vùng, bờ thửa phải phát quang; đào hang, hun khói, xua chó đánh hơi phát hiện hang, ổ chuột. Săn bắt, diệt chuột phải quyết liệt như diệt giặc, diệt sạch, diệt tận gốc.

Bảo vệ trước, trong và sau thu hoạch, giảm tối đa thất thoát

Rất nên tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp. Chẳng hạn sản xuất nấm từ rơm, rạ. Không đốt rơm, rạ vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện đồng bộ và tổng hợp các biện pháp từ khâu giống, mạ, chăm sóc, đến thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch mới mong có được vụ mùa bội thu.

Phù Ninh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/nhip-cau-ban-doc/de-vu-mua-nam-2020-boi%C2%A0thu-134102.html