Để vùng biển lại căng tràn sức sống
Miền biển dạo này trầm lắng quá. Phía ấy, có những con tàu nằm bờ đã lâu không ra khơi, có những ngư dân bỏ nghề bởi nhiều lý do, cũng có những người thiết tha bám biển nhưng tuổi đời đã xế chiều. Một số lão ngư nói với tôi rằng thế hệ trẻ ngày nay không còn mặn mà với biển, nhưng lão mong một ngày nào đó, lớp trẻ sẽ thổi một làn gió mới vào nghề biển, để vùng biển lại căng tràn sức sống…
Ai sẽ tiếp nối nghề biển?
Ở Quảng Trị, câu chuyện này tuy không còn mới nhưng vẫn thấm đẫm “chất thời sự”, đó là tình trạng thiếu lao động biển. Theo lão ngư Bùi Đình Được, ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, lý do những người trẻ không tiếp nối nghề biển, ngư dân cũng dần bỏ biển là vì nghề này thu nhập bấp bênh, nguy hiểm và rất vất vả.…
Bao đời nay, ngư dân luôn gắn phận mình với sóng, với gió ngoài biển khơi. Biển nuôi nấng, che chở cho họ bởi những mùa về tôm cá đầy khoang. Nhưng dần dần lớp trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống của ông cha mình. Ông Được nói bằng giọng đầy ưu tư: “Ngày trước vùng biển này nhộn nhịp lắm. Thanh niên trai tráng trong làng ai cũng háo hức ra khơi. Bây giờ thì rất khó để kiếm được người trẻ đi biển. Họ chủ yếu đi xuất khẩu lao động, số còn lại thì vào Nam làm công nhân, hoặc học nghề gì đó cho thu nhập ổn định hơn. Còn nghề biển lúc có, lúc không, thu nhập bấp bênh, lại nguy hiểm và vất vả nên ít ai theo”.
Ông Được cũng đã từng dành hơn nửa đời đi biển, gắn bó và yêu biển như mạng sống của mình. Ông có 4 người con trai, nhưng cũng chỉ có 1 người theo nghề biển, 3 người con còn lại không muốn kế nghiệp cha. Dù tôn trọng chọn lựa của con mình, nhưng ông vẫn sợ một ngày nào đó, sợi dây nghề truyền thống sẽ đứt đoạn giữa chừng.
Ông nói với tôi rằng, đời ngư phủ có rất nhiều chuyện buồn vui. Mỗi chuyến đi biển là một chuyến phiêu lưu. Ông Được chẳng còn nhớ bao lần đã giương cờ, dong thuyền bám biển. Đôi bàn tay ông dường như đã quá quen với con nước nông sâu. Tất cả những kỹ năng đối phó với sóng dữ, nước xoáy hay ở những vùng gió thường xuyên đảo chiều…ông đều nắm rất vững.
Ngày ấy, ngư cụ đánh bắt còn thô sơ, không có máy dò cá hay la bàn, định vị, ngư dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm được truyền từ đời cha ông.Trong ký ức của ông, đó là những chuyến phiêu lưu hấp dẫn bằng trải nghiệm, những vất vả đổi lấy niềm vui tôm cá đầy khoang. Không chỉ mưu sinh, biển còn là quê hương, là tình yêu và niềm tự hào của ngư dân.
Giờ đây, ngành khai thác thủy sản của tỉnh Quảng Trị đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực. Nhiều chủ tàu lâm vào khó khăn do không tìm được bạn thuyền đi biển, số tàu khác phải ra khơi với lao động ít ỏi được tuyển chọn từ địa phương khác đến.
Thậm chí, đã có nhiều trường hợp không tìm được người lao động, neo bờ quanh năm suốt tháng, không có tiền bù lỗ chi phí, buộc phải bỏ nghề. Ông Được bộc bạch: “Quảng Trị có 75 km bờ biển trải dài trên 4 huyện.
Đó là lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ. Kinh tế biển sẽ đánh thức tiềm lực phát triển của địa phương. Tuy nhiên nếu không giữ lấy nghề biển sẽ có một ngày Quảng Trị sẽ phải nhập hải sản từ nơi khác về tiêu thụ, hậu cần nghề cá cũng sẽ chết dần, du lịch, dịch vụ cũng sẽ ảnh hưởng”.
Nhìn về phía biển, ông Được bùi ngùi: “Không biết sau này còn ai vươn khơi, bám biển không?”. Câu hỏi của ông khiến tôi thoáng buồn…
Nghề biển cần phải đổi mới
Có những ngư dân vẫn còn yêu biển, muốn giữ nghề truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân phải chọn giữa đam mê và mưu sinh, thì bên nặng phải là mưu sinh. Vì thế, họ phải bỏ nghề. “Từ năm 13 tuổi tôi đã theo cha lênh đênh cùng con sóng. Cứ ngỡ đây sẽ là cái nghiệp gắn với mình cả đời. Nhưng có những thời điểm nghề biển khó làm ăn, nhiều chuyến đi biển thất thu, không đủ kinh tế lo cho gia đình nên tôi bỏ biển và tìm cho mình một công việc khác là kinh doanh quán cháo cá.
Tình yêu dành cho biển thì vẫn còn đó, nhưng trên vai tôi là gánh nặng gia đình, là mẹ già, vợ con nheo nhóc. Nếu một ngày nào đó, khi nghề biển trở thành một nghề phát triển bền vững, có thu nhập ổn định, thì có thể tôi sẽ quay trở lại hoặc xa hơn là khuyến khích con cái mình theo nghề cha ông”, anh Võ Văn Ánh, ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt tâm sự.
Để “bài toán” giữ chân ngư dân có lời giải, thì nghề biển cần phải đổi mới từ gốc đến ngọn. Gốc là phải đổi mới từ con người. Ngọn là phải đổi mới cách thức phát triển. Đối với yếu tố con người, lão ngư Nguyễn Thanh Ngữ, ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt chia sẻ, ngư dân muốn bám biển lâu dài và đánh bắt hiệu quả hơn thì phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phải tâm huyết và trau dồi kỹ năng nghề. Cần phải tự tìm kiếm, học hỏi, đầu tư và làm chủ các trang thiết bị đánh bắt hiện đại.
Hiện đại hóa nghề cá giúp ngư dân phát huy hết công năng đánh bắt hải sản, nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, giảm thiểu lao động chân tay, yên tâm bám biển, giảm chi phí, thu được giá trị kinh tế cao sau khai thác. Đặc biệt, ngư dân phải hướng đến một nghề biển có trách nhiệm, loại bỏ cách thức khai thác kiểu tận diệt để phục hồi và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản. Phải giữ nghề để nghề biển không bị “mất gốc” trong tương lai.
Những hiệu quả kinh tế biển sẽ khơi dậy sức sống từ nghề biển. Đối với giải pháp đổi mới cách thức phát triển nghề biển bền vững, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh nhận định, trong tương lai, nghề biển cần chuyển đổi, cơ cấu lại ngành nghề đánh bắt hải sản.
Đã đến lúc chọn lọc phát triển nghề nào có định hướng, phân vùng, phân tuyến khai thác hợp lý hơn. Qua công tác khuyến ngư, các cấp chính quyền cần quan tâm hỗ trợ ngư dân về vay vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả kinh tế mỗi chuyến đánh bắt. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ cho ngư dân cần phải thiết thực, phù hợp với người dân để tạo động lực giúp dân vươn khơi, bám biển.
Hiện nay, ngư dân đánh bắt xa bờ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm theo kiểu “cha truyền con nối”, không có sáng tạo hay cải tiến gì. Do vậy, cần phải có các lớp đào tạo nghề bài bản, nâng cao nghiệp vụ nghề cá. Bên cạnh đó, thành lập các tổ liên kết đội thuyền, ngoài hỗ trợ giúp nhau khi sóng to gió lớn trên biển thì các thành viên trong tổ có trách nhiệm thông tin cho nhau về ngư trường khai thác để cùng đánh bắt, khai thác đạt hiệu quả cao hơn. Quan trọng là những nhà quản lý, chủ tàu phải có cơ chế quản lý, đãi ngộ lao động hiệu quả. Một khi có thu nhập ổn định, lao động mới gắn bó với nghề, với chủ phương tiện.
Hình ảnh lá cờ Tổ quốc đỏ thắm trước mũi tàu nhắc cho tôi nhớ bài học về niềm tự tôn, tự hào dân tộc. Khi những chiếc thuyền hướng ra biển lớn, họ là những chấm đỏ, những cột mốc trong hành trình mấy ngàn năm giữ gìn chủ quyền biển đảo Việt Nam. Hy vọng ngư dân sẽ giữ lấy nghề truyền thống cha ông. Bởi, miền biển vẫn luôn mong đợi một cuộc hồi sinh. Đó là khi những thanh niên trai tráng sẽ ra khơi, những chiếc tàu sẽ rẽ sóng, mạnh mẽ hơn nữa…