Để xây dựng Đảng không còn là '3K'

Tuyên truyền về xây dựng Đảng là một trong những nội dung quan trọng của hệ thống báo chí cách mạng, nhất là báo Đảng. Không riêng gì báo địa phương mà ngay cả các báo Trung ương, báo ngành, chủ đề xây dựng Đảng luôn gắn liền với 3 chữ K, là 'khó', 'khô' và 'khổ'. Vì thế, mảng đề tài về xây dựng Đảng rất kén người viết. Và nếu được lựa chọn, sẽ rất ít phóng viên muốn về ban (phòng) Xây dựng Đảng.

Mảng đề tài “3K”

Đầu tiên là “Khó”. Ấy là bởi muốn viết về xây dựng Đảng, trước hết phóng viên phải hiểu rõ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, trong khi thực tế, nhiều phóng viên dù là đảng viên song chưa hiểu rõ về nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Mà không ai có thể viết đúng, viết hay về những vấn đề mà bản thân chưa hiểu rõ. Cái khó nữa là viết về những vấn đề mang tính chính luận, nhưng lại phải thể hiện bằng một ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, chọn lọc những chi tiết đắt giá, bình luận sắc sảo, gợi mở, hạn chế thấp nhất việc sử dụng những từ ngữ chuyên ngành khô khan, nặng tính báo cáo mà xa rời thực tiễn. “Khô” là bởi phải viết đúng đường lối, quan điểm, định hướng chính trị của Đảng với những dẫn chứng, số liệu cụ thể nhưng lại phải là những vấn đề bạn đọc, công chúng quan tâm. Còn “khổ” là bởi phóng viên không dễ tiếp cận được nguồn thông tin từ các ban xây dựng Đảng như ở các sở, ngành khác. Thực tế, nhiều phóng viên có nhiều tuổi nghề nhưng chưa một lần đặt chân đến một ban Xây dựng Đảng nào. Bên cạnh đó, những thuật ngữ về xây dựng Đảng, nếu không hiểu rõ thì rất dễ bị nhầm lẫn. Ví như trong công tác kiểm tra thì có kiểm tra của cấp ủy cùng cấp, cấp ủy cấp trên, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tự kiểm tra… Thế nên, có người đi dự hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng về tổ chức, kiểm tra, dân vận hay văn phòng cấp ủy về, cầm theo cả chồng báo cáo nhưng không khai thác được những thông tin, số liệu từ các báo cáo ấy mà chỉ viết được một mẩu tin về hội nghị vừa diễn ra. Nếu phóng viên hiểu rõ về công tác xây dựng Đảng, chỉ cần xoáy sâu vào một vài số liệu có sự thay đổi bất thường so với cùng kỳ năm trước hoặc nhiệm kỳ trước và quay trở lại làm việc với các ban xây dựng Đảng để làm rõ sự bất thường ấy, sẽ ra rất nhiều điều tích cực hoặc cần phải chỉnh đốn trong công tác xây dựng Đảng.

Các phóng viên BPTV tác nghiệp tại Nhà máy điện năng lượng mặt trời 1 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải tại huyện Lộc Ninh - Ảnh: Sỹ Hòa

Báo chí Bình Phước và sự bứt phá trong tuyên truyền xây dựng Đảng

Từ nhiều năm qua, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí ở Bình Phước đã xác định rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ tuyên truyền về xây dựng Đảng trên các loại hình báo chí.

Về phía cấp ủy địa phương, từ khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thì công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng càng được coi trọng. Ngay trong năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai 2 Đề án: “Phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng bộ tỉnh Bình Phước” và “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh Bình Phước”. Đây là 2 đề án quan trọng và là giải pháp thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Trong một thời gian dài, 2 cơ quan Báo Bình Phước, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước là thành viên trong các đoàn kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy về việc thực hiện các đề án nói trên. Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” và Chỉ thị số 23-CT/TU về “Định hướng tiếp cận, xử lý và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh” cũng cho thấy, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương khi về tỉnh đều được cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án và có kiểm tra, giám sát thực hiện thường xuyên. Đó là minh chứng cụ thể của việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách sinh động nhất.

Các đơn vị doanh nghiệp ký kết truyền thông năm 2022 với BPTV - Ảnh: Thùy Ngân

Về phía các cơ quan báo chí của tỉnh, từ năm 2013, khi hai cơ quan báo, đài của tỉnh chưa hợp nhất, Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức Giải Báo chí tỉnh Bình Phước hằng năm. Từ đó đến nay đã 9 năm, Giải Báo chí tỉnh Bình Phước cùng với Giải Báo chí chất lượng cao do Hội Nhà báo Việt Nam phát động với các chủ đề “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thu hút sự quan tâm của hầu hết hội viên, phóng viên và cả lực lượng cộng tác viên tham gia.

Ở hai cơ quan Báo Bình Phước và Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước đều mở nhiều chuyên mục về xây dựng Đảng. Riêng chuyên mục Chống diễn biến hòa bình có thể nói là sự nỗ lực vượt bậc, là thành công, nét riêng có và niềm tự hào của Báo Bình Phước trong hệ thống báo Đảng địa phương thời điểm chưa hợp nhất. Đây thực là sự bứt phá trong tư duy và thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của Ban Biên tập. Đáng nói, không chỉ những bạn đọc lớn tuổi đọc và bình luận, nhiều bạn trẻ cũng đều đặn đọc bài trên chuyên mục và chia sẻ trên facebook, càng làm tăng hiệu quả tuyên truyền. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) hiện nay xây dựng khá nhiều chuyên mục mang tính chính luận, xây dựng Đảng như: Đảng trong cuộc sống, Đưa nghị quyết vào cuộc sống, Theo gương Bác, Phòng chống tham nhũng, lãng phí, Góc nhìn thẳng… Thông qua các chuyên mục này đã góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bên cạnh sự bứt phá nói trên, những hạn chế trong công tác tuyên truyền xây dựng Đảng vẫn còn. Cái chưa được dễ nhìn thấy nhất là các chuyên mục về xây dựng Đảng khô khan, dài, thiếu hấp dẫn. Chưa cần so với các báo, đài khác, ngay trên các loại hình báo chí của BPTV hiện có nhiều chương trình, chuyên mục hấp dẫn bạn đọc hơn như Âm nhạc bạn và tôi, Dạ khúc Bolero, Cuộc sống tươi đẹp, Hành trình khát vọng, Tài tử phương Nam, Bình Phước đất và người, Điều giản dị, Thời luận… Và như một số bạn đọc nhận xét, những bài viết, chuyên mục xây dựng Đảng chỉ… dành cho cán bộ làm công tác Đảng đọc mà thôi!

Bất cập nữa là khi xảy ra vấn đề nổi cộm trên địa bàn tỉnh, phóng viên báo đài địa phương thường dè dặt hơn các báo ngành, báo Trung ương khi khai thác thông tin, bởi còn phải trở lại nơi này. Sự dè dặt không chỉ ở phóng viên mà đôi khi còn ở cả người lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương. Thế nên có những vấn đề nhạy cảm xảy ra, trong khi các báo Trung ương, báo ngành đã cày xới từ lâu thì báo địa phương chỉ đưa được những thông tin chung chung, mang tính thông báo về hướng giải quyết của cấp ủy, chính quyền, ngành đối với vụ việc.

Để xây dựng Đảng không còn là mảng đề tài 3K, người cầm bút cần xác định: Đảng lãnh đạo toàn diện nên không một lĩnh vực hoạt động nào thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. Mọi thành quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đều có sự hiện diện của Đảng. Bên cạnh việc bồi dưỡng để có những phóng viên chắc tay viết về xây dựng Đảng thì lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương nên hỗ trợ phóng viên trong việc thiết lập mối quan hệ thông tin hai chiều giữa các ban xây dựng Đảng từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố. Tránh tình trạng hễ có bài viết phê bình, phanh phui tiêu cực là tránh mặt báo chí.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/133722/de-xay-dung-dang-khong-con-la-3k